MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình 13 năm từ zero đến một đống nợ của Tập đoàn Huy Việt Nam – chủ sở hữu thương hiệu Món Huế

23-10-2019 - 10:41 AM | Doanh nghiệp

Vào thời điểm hoàng kim năm 2017, Tập đoàn Huy Việt Nam - chủ sở hữu Món Huế của ông Huy Nhật là một ngôi sao sáng trên bầu trời ẩm thực Việt Nam, khi có tới gần 200 cửa hàng và hơn 9 thương hiệu. Còn bây giờ, không những hầu hết cửa hàng đều đóng cửa mà còn có chủ nợ đến bao vây cửa hàng, công ty và nhà riêng.

Đóng cửa công ty hay một thương hiệu làm ăn thua lỗ là điều bình thường trên thương trường, gần nhất The Coffee House cũng đã phải đóng cửa trà sữa Ten Ren do thương hiệu phát triển không như mong đợi của họ; tuy nhiên, đóng cửa toàn bộ thương hiệu một cách đột ngột cùng với ra một đống nợ như Huy Việt Nam là một chuyện hiếm!

Bỏ qua các lời đồn đoán như 'rửa tiền' hoặc 'ông chủ ôm tiền bỏ trốn', chúng ta chỉ nhìn vụ việc này dưới góc độ kinh doanh. Theo đó, chúng ta sẽ thử lần theo quá trình hình thành - phát triển - lụn bại hay từ đỉnh cao đến vực sâu của doanh nghiệp Huy Việt Nam, để thử cảm nhận vì sao một tập đoàn lớn như thế lại bước đến đường cùng như ngày hôm nay.

"Vương quốc" đồ sộ của Huy Việt Nam trước khi đóng cửa

Theo nguồn tin mà chúng tôi có được, thương hiệu Món Huế được sáng lập bởi bà Trần Thị Thanh Tâm – một người phụ nữ gốc Huế, từ những năm 2006 -2007. Bà Tâm có hai người con trai, con đầu tên là Huy và con thứ hai tên là Ry. (Nhiều khả năng, ông chủ Huy Nhật của Huy Việt Nam chính là con trai đầu tiên của bà Tâm?).

Trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của Huy Việt Nam, bà Tâm là người đứng tên cho đến năm 2017 mới chuyển sang cho ông Huy Nhật và đến tháng 10/2019, thì chuyển sang tiếp cho ông Nguyễn Quỳnh Anh.

Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, Món Huế cũng phải triển khá chậm như rất nhiều thương hiệu ẩm thực khác tại Việt Nam. Từ năm 2007 đến 2013, sau hơn 6 năm hoạt động, Món Huế có 9 cửa hàng, tức trung bình mỗi năm họ mở 1,5 cửa hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận được liên tiếp khoảng 30 triệu USD ở 2 vòng gọi vốn Serie B và C ở liên tiếp trong 2 năm 2014 - 2015 từ các quỹ đầu tư nước ngoài, Huy Việt Nam đã có một bước phát triển nhảy vọt ở mọi mặt.

Trong vòng hơn 4 năm từ 2013 đến 2017, số lượng cửa hàng Món Huế của họ tăng đột biến – lên 60 cửa hàng, thêm 51 cửa hàng; thậm chí chỉ trong năm 2015 họ mở 31 cửa hàng, trung bình 1 tháng mở gần 3 cái. Ngoài ra, trong năm 2014, họ ra mắt thương hiệu Cơm Thố Cháy và Phở Ông Hùng.

Hành trình 13 năm từ zero đến một đống nợ của Tập đoàn Huy Việt Nam – chủ sở hữu thương hiệu Món Huế - Ảnh 1.

Thách thức với tô phở 'siêu to khủng lồ' đã giúp thương hiệu Phở Ông Hùng viral marketing rất tốt khi mới ra mắt.

Khi ra mắt, bằng chiến lược tiếp thị độc đáo, Phở Ông Hùng đã được rất nhiều người biết đến. Theo đó, Phở Ông Hùng đã đưa ra một thử thách rất khó cho thực khách kèm phần thưởng hấp dẫn: trong vòng 45 phút, nếu thực khách nào ăn hết 1 tô phở gồm 750gram bánh phở, 400gram thịt bò, 2,1 lít nước dùng sẽ được tặng 500 ngàn tiền mặt cộng phiếu ăn 500 ngàn; nếu thất bại, khách chỉ phải trả cho Phở Ông Hùng 200 ngàn.

Đến năm 2015, Huy Việt Nam tiếp tục cho ra đời thương hiệu Mì Quảng Bếp Tâm, 2016 là Great Bánh mì và Cà phê, 2017 là món Nhật Iki Sushi, 2018 là trà sữa TP Tea và gần nhất – năm 2019 chính là món Hàn Shilla Korean BBQ Grill. Trên trang web của Huy Việt Nam, Món Huế có gần 80 nhà hàng, Mì Quảng Bếp Tâm có 1 nhà hàng, Great Bánh mì và Cà phê có 5 điểm bán, Iki Sushi có 9 điểm, Phở Ông Hùng 55 điểm, Cơm Thố Cháy 31 điểm và Shilla Korean BBQ Grill có 2 điểm.

Trong dịp khai trương TP Tea vào tháng 11/2018, Huy Việt Nam từng tiết lộ, công ty có dự định sẽ mở 50 chi nhánh trong năm 2019, song cho tới thời điểm trước khi đóng cửa, họ mở thêm 10 nhà hàng. Tức là, tính tổng cộng Huy Việt Nam có khoảng 200 nhà hàng trên toàn quốc.

Trong năm 2017, Huy Việt Nam còn thông báo là họ đã khởi động xây dựng 2 nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An và Hà Nội, trị giá gần 40 triệu USD.

Nhìn chiến lược phát triển của Huy Việt Nam, chúng ta có thể thấy doanh nghiệp này chọn cách đi "na ná" Golden Gate – chuỗi nhà hàng lớn nhất ở Việt Nam. Đầu tiên cũng đi lên từ thương hiệu nhà trồng được – thuần Việt Nam, sau đó phát triển hoặc nhượng quyền các thương hiệu ẩm thực Nhật – Hàn và mở rộng sang cả mảng trà sữa.

Tuy nhiên, trên thực tế con số 200 nói trên ghi nhận trên website trong hệ thống của Huy Việt Nam hoàn toàn không chính xác, hay chúng không phải 200 địa điểm độc lập khác nhau. Thứ nhất, Huy Việt Nam khá ưa thích việc áp dụng mô hình tích hơp như Food Hall – 1 địa điểm tích hợp 6 thương hiệu chính. Thứ hai, đơn vị này đã đóng cửa không ít cửa hàng, nhưng website vẫn không cập nhật lại trong vài năm gần đây.

Hiện tại, hầu hết cửa hàng của các thương hiệu trong hệ thống Huy Việt Nam đều đã đóng cửa đồng loạt trên toàn quốc. Theo một thông tin không chính thức chúng tôi nhận được từ các nhà cung cấp, Huy Việt Nam sẽ chọn 8 cửa hàng với đủ thương hiệu và duy trì cho đến hết năm 2019.

Tình hình bắt đầu xấu từ năm 2018

Hành trình 13 năm từ zero đến một đống nợ của Tập đoàn Huy Việt Nam – chủ sở hữu thương hiệu Món Huế - Ảnh 2.

Khung cảnh tiêu điều ở một trong những cửa hàng đầu tiên của Món Huế tại Cao Thắng (TPHCM) chiều 22/10/2019.

Có thể nói, việc Huy Việt Nam đóng cửa toàn bộ nhà hàng trong hệ thống đã gây sốc cho các nhà cung cấp, nhưng lại hoàn toàn dễ hiểu với những người sành ăn hoặc theo sát sự phát triển của doanh nghiệp này trong những năm gần qua.

Thời Món Huế chỉ có vài cửa hàng, bản thân người viết từng được người quen thân đang làm việc tại hệ thống này ghé tai ‘cảnh báo’: "Đừng dại mà vào thử", bởi giá ở đó đắt nhưng lại không xứng với chất lượng, "họ chỉ mua vài cân hến rồi về luộc và tạo ra một nồi nước lớn, chẳng có mấy vị hến cho món cơm/bún hến".

Những năm 2014, 1015, 2016 và 2017 chứng kiến sự mở rộng cấp tập của chuỗi nhà hàng Món Huế. Thậm chí, có những khu vực trong vòng bán kính 1km mà có tới 2 cửa hàng. Qua quan sát của chúng tôi tại TPHCM, chỉ trừ những nhà hàng ở quận trung tâm như Quận 1, Quận 2 hay Quận 7 thì hệ thống này còn có khách, ở các quận khác hay khu vực vùng ven đô như Tân Bình, Quận 10... các nhà hàng Món Huế thường khá ít khách.

Cũng trong khoảng thời gian đó, vừa để tận dụng mặt bằng của Món Huế vừa đưa thêm sự lựa chọn cho thực khách, Huy Việt Nam bắt đầu tích hợp thêm 1 đến 3 thương hiệu vào thương hiệu nổi tiếng nhất của mình. Ví dụ: Món Huế + Iki Sushi, Món Huế + Phở Ông Hùng + Great Bánh mì và Cà phê, Món Huế + Cơm Thố Cháy…

Mọi chuyện bắt đầu trở nên khó khăn với Huy Việt Nam từ năm 2018, khi họ đóng cửa kha khá cửa hàng Món Huế ở các quận không phải trung tâm và bắt đầu thử mô hình Food Hall tích hợp 6 thương hiệu Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Bánh mì và Cà phê, Iki Sushi, Shilla Korean BBQ và Grill. Trước khi đóng cửa vào giữa tháng 10 này, hệ thống này cũng đã có vài Food Hall, điểm khai trương gần nhất là ở Khu đô thị Sala vào tháng 9/2018.

Trên truyền thông, không ít nhà cung cấp tiết lộ là Món Huế và Huy Việt Nam đã không trả tiền đúng hạn cho họ từ một năm nay, nếu đúng như vậy tức là từ đầu năm 2019, hệ thống Món Huế đã không còn khả năng chi trả cho các nhà cung cấp của mình.

Và chết 'lâm sàng' từ đầu năm 2019

Tiếp sau đó, những cố gắng của Huy Việt Nam, từ tích hợp thương hiệu đến nhượng quyền 2 thương hiệu mới là Shilla hay TP Tea, đều công cốc. Mọi chuyện càng trở nên tệ hại khi đến giữa năm 2019, trong khoảng vài tháng trước khi chính thức đóng cửa, đã có không ít cửa hàng treo biển ‘sửa chữa’, ‘nâng cấp’ rồi lặng lẽ biến mất, hoặc mãi mãi ở tình trạng đó, ví dụ cửa hàng ở đường Thành Thái - Quận 10 và Trần Hưng Đạo - Quận 1.

Hành trình 13 năm từ zero đến một đống nợ của Tập đoàn Huy Việt Nam – chủ sở hữu thương hiệu Món Huế - Ảnh 3.

Status của nhà cung cấp Phan Ngọc Dũng tiết lộ về con số nợ nần sơ bộ của Huy Việt Nam.

Còn theo thông tin của Facebooker tên Phan Ngọc Dũng, ông chủ Công ty Sao Biển Đông - một nhà cung cấp gas của Huy Việt Nam, thì trong ngày 22/10, đột nhiên 2.000 nhân viên và lãnh đạo của Huy Việt Nam đã đồng loạt nghỉ việc, còn tính sơ sơ thì doanh nghiệp này đã nợ nhà cung cấp cũng như chủ mặt bằng khoảng 800 tỷ đồng.

"Hồi những năm 2014 – 2015 khi mà Món Huế được mở rộng lên mấy chục cửa hàng, tôi đã dự đoán được là công ty sẽ có như ngày hôm nay. Hồi đó, cửa hàng thì mở liên tục, nhưng doanh thu thì chẳng bao nhiêu, chỉ có những cửa hàng Món Huế ở quận trung tâm hoặc Quận 2 và Quận 7 là làm ăn được, còn những quận khác khá tệ, trong khi mặt bằng của các cửa hàng đều nằm ở những vị trí đắc địa, tiền thuê nhà rất cao", anh Cường – một cựu đầu bếp của Món Huế cho chúng tôi biết.

Còn theo nhiều người trong ngành, có 3 lý do chính khiến Món Huế và Huy Việt Nam rơi vào tình trạng phá sản cộng nợ nần: Chất lượng sản phẩm bình thường nhưng giá lại khá mắc và chưa tính VAT trong món ăn – điều khiến khá nhiều người dùng Việt Nam khó chịu; Trong khi doanh thu không tăng bao nhiêu mà tiền mặt bằng liên tục tăng với cấp số nhân trong khoảng 2 năm trở lại đây; Mô hình kinh doanh đang ngày càng lạc hậu và chẳng có gì mới mẻ hay khác biệt so với các đối thủ khác.

Với việc đóng cửa gần như toàn bộ hơn 100 nhà hàng toàn hệ thống, Huy Việt Nam có lẽ đã phải trả một cái giá rất đắt cho việc mở rộng quá nhanh trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2017, trong khi không thuyết phục được đa số người dùng trong phân khúc khách hàng mà mình nhắm tới rằng: giá cả như vậy xứng đáng với chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Theo Quỳnh Như /Trí Thức Trẻ

Theo Quỳnh Như /Trí Thức Trẻ

Trở lên trên