MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình 3 điểm đến quan trọng của Tổng thống Mỹ tại châu Âu

10-07-2023 - 15:44 PM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Anh vào Chủ nhật, bắt đầu chuyến công du ba quốc gia, trong đó một tâm điểm lớn là hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania để củng cố sự đoàn kết trong liên minh.

Theo Straits Times, ông Biden đã tới sân bay Stansted và lên trực thăng Marine One để đến trung tâm London. Tại đây, nhà lãnh đạo Mỹ có cuộc gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại số 10 phố Downing vào thứ Hai. Sau đó, ông sẽ tới Lâu đài Windsor để thăm Vua Charles.

Tăng cường mối quan hệ với Anh

Các cuộc hội đàm với nhà vua, dự kiến sẽ bao gồm các sáng kiến về khí hậu, sẽ giúp ông Biden hiểu rõ hơn về nền quân chủ hiện tại của nước Anh sau khi Vua Charles kế vị từ Nữ hoàng Elizabeth.

Ông Biden đã từng dùng trà với Nữ hoàng Anh tại lâu đài Windsor vào tháng 6 năm 2021 và họ đã thảo luận về nhiều vấn đề tương tự vẫn là ưu tiên hàng đầu hiện nay, trong đó có mối quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Ông John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: "Tổng thống (Biden) rất mong chờ chuyến thăm này. Như các bạn đã biết, Vương quốc Anh là đồng minh mạnh nhất của chúng tôi, theo nhiều cách, ở nhiều cấp độ".

 Hành trình 3 điểm đến quan trọng của Tổng thống Mỹ tại châu Âu - Ảnh 1.

Ông Biden đến Anh ngày 9/7. Ảnh: Straits Times/ AFP.

Ông Sean Monaghan, một chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, cho biết: "Trên mặt trận chính sách thực chất, Tổng thống Biden đã gặp Thủ tướng Rishi Sunak nhiều lần trong những tháng gần đây và lúc này họ sẽ tìm cách thúc đẩy chương trình nghị sự mà họ đã đồng thuận, đặc biệt là Tuyên bố Đại Tây Dương, hứa hẹn sự hợp tác chặt chẽ hơn về một loạt vấn đề từ thương mại, quốc phòng, và nhiều vấn đề khác".

Ông Biden sẽ tới Vilnius, Lithuania vào tối thứ Hai và hội đàm với các nhà lãnh đạo NATO tại đây vào thứ Ba và thứ Tư.

Xoay quanh vấn đề thành viên của NATO

Ông Biden và các đồng minh NATO muốn thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine và làm rõ cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hiểu về lộ trình trở thành thành viên của NATO vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Trong một cuộc phỏng vấn của CNN trước chuyến đi của mình, ông Biden kêu gọi thận trọng trong nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine, nói rằng liên minh này có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột mới do hiệp ước phòng thủ chung của NATO.

Ông Biden nói: "Tôi không nghĩ rằng NATO cùng nhất trí về việc đưa Ukraine vào liên minh trong thời điểm này, giữa một cuộc xung đột".

Còn Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng nước này nên nhận được các đảm bảo an ninh rõ ràng dù chưa ở trong NATO và đó sẽ là một trong những mục tiêu của ông khi tới Vilnius tuần này.

Ông Zelensky cũng bày tỏ hy vọng về "kết quả tốt nhất có thể" từ hội nghị thượng đỉnh NATO, nơi Kiev đang hy vọng có một tín hiệu rõ ràng về một ngày nào đó họ có thể gia nhập liên minh.

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda, ông Zelensky cho biết hai người đã thảo luận về hội nghị thượng đỉnh và nhất trí "nỗ lực cùng nhau để mang lại kết quả tốt nhất có thể cho Ukraine".

Trong khi đó, hành trình gia nhập NATO của Thụy Điển, hiện đang bị cả Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản, cũng sẽ là một nội dung trong chương trình nghị sự sắp tới ở Vilnius. Các thành viên mới phải nhận được sự đồng thuận thông qua bỏ phiếu của tất cả các thành viên NATO hiện tại.

Ông Biden đã thảo luận về việc Thụy Điển tham gia NATO trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, và "bày tỏ mong muốn chào đón Thụy Điển vào NATO càng sớm càng tốt," Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ nhật.

Về phần mình, ông Erdogan nói với nhà lãnh đạo Mỹ rằng Thụy Điển phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn những người ủng hộ Đảng lao động người Kurd - tổ chức bị Ankara coi là một nhóm khủng bố, văn phòng của ông Erdogan cho biết.

Tâm điểm trong chuyến thăm của ông Biden tới Lithuania sẽ là bài phát biểu của ông tại Đại học Vilnius vào tối thứ Tư.

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng bài phát biểu này sẽ đề cập đến tầm nhìn của ông Biden về "một nước Mỹ mạnh mẽ, tự tin với các đồng minh và là một đối tác mạnh mẽ, tự tin đảm nhận những thách thức quan trọng của thời đại, từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đến khủng hoảng khí hậu".

Một trong những mục tiêu của ông Biden là cho người dân Mỹ nhận thấy tầm quan trọng của việc tiếp tục ủng hộ Ukraine khi ông tái đắc cử. Một số đối thủ thuộc đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2024 đã lên tiếng nghi ngờ về chiến lược này.

Điểm dừng chân cuối cùng của ông Biden sẽ là Helsinki, Phần Lan để hội đàm với các nhà lãnh đạo của Phần Lan - thành viên mới nhất của NATO và tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Âu.

Theo An Bình

Tổ quốc

Trở lên trên