MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình 39 giây tên lửa Nga "náo loạn" NATO: Mỹ phản ứng, 32 nước có thể tung vũ khí sẵn sàng bắn hạ

27-03-2024 - 14:00 PM | Tài chính quốc tế

Chỉ trong 39 giây, tên lửa Nga đã khiến quốc gia sát vách Ukraine báo động. Mỹ đã có phản ứng đầu tiên, trong khi NATO có kế hoạch hành động cứng rắn chưa từng thấy.

Mỹ cam kết bảo vệ đồng minh nếu bị tấn công

Kyiv Independent đưa tin, trong cuộc họp báo ngày 26/3, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh khẳng định, Mỹ sẵn sàng thực hiện các cam kết của NATO và bảo vệ các đồng minh của mình trong trường hợp bị tấn công.

Bình luận của bà Singh được đưa ra sau khi tên lửa Nga được cho là đã xâm nhập không phận Ba Lan trong cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Ukraine ngày 24/3.

Hành trình 39 giây tên lửa Nga

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh. Ảnh: Hãng thông tấn Anadolu

Trước đó, trong một sự cố tương tự xảy ra vào ngày 15/11/2022, Ba Lan cũng cáo buộc tên lửa Nga bay vào lãnh thổ nước này trong cuộc tấn công nhằm vào Ukraine, khiến 2 dân thường thiệt mạng.

Các nhà điều tra Ba Lan sau đó kết luận rằng đó là một tên lửa phòng không "đi lạc" được Ukraine phóng ra để đánh chặn cuộc tấn công của Nga.

Một vụ việc khác diễn ra vào ngày 29/12/2023 Ba Lan thông báo đã điều máy bay chiến đấu xuất kích đánh chặn một vật thể không xác định từ phía Ukraine "xâm phạm không phận nước này". Toàn bộ quân đội Ba Lan đã được đặt trong tình trạng báo động.

Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ba Lan Wieslaw Kukula khi đó nói rõ rằng đây là một "tên lửa", đồng thời cáo buộc đó là tên lửa của Nga.

Cũng tại cuộc họp báo ngày 26/3, người phát ngôn Lầu năm Góc nhấn mạnh, ưu tiên hiện tại của Washington là đảm bảo "Ukraine có những gì họ cần trên chiến trường".

"Điều tôi có thể nói là nhắc lại điều mà chính quyền Mỹ đã nói nhiều lần, đó là chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO.

Nếu một đồng minh NATO bị tấn công, chúng tôi chắc chắn không muốn thấy điều đó, nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO. Ưu tiên của chúng tôi lúc này là đảm bảo rằng Ukraine có những gì họ cần trên chiến trường" – Bà Singh nói.

Hiện tại, Kyiv đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng, sau khi gói viện trợ 60 tỷ USD của Mỹ dành cho Kyiv vẫn bị đình trệ do sự chia rẽ trong quốc hội. Vào ngày 12/3 vừa qua, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2023, Mỹ đã công bố gói viện trợ vũ khí và thiết bị quốc phòng trị giá 300 triệu USD cho Ukraine.

"Quốc hội Mỹ vừa thông qua ngân sách cho năm tài khóa 24, vì vậy chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể thông qua khoản viện trợ bổ sung dành cho Ukraine để tiếp tục trang bị cho Kiev những thứ họ cần trên chiến trường" – Bà Singh nhấn mạnh.

32 nước thành viên NATO cân nhắc bắn hạ tên lửa Nga

Cùng đề cập tới vấn đề về tên lửa Nga, khi phát biểu trên hãng truyền thông Ba Lan RMF24 ngày 26/3, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna cho biết, khối 32 quốc gia NATO được cho là đang cân nhắc bắn hạ các tên lửa Nga nếu chúng bay quá gần tới biên giới các nước thành viên NATO.

Trong ngày 24/3, Ba Lan đã phải điều động chiến đấu cơ để bảo vệ không phận nước này khi Nga phát động cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa quy mô lớn nhằm vào Ukraine. Warsaw cho biết, tên lửa Nga đã bay vào không phận Ba Lan và lưu lại đây trong 39 giây.

Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergei Andreyev đã được Bộ Ngoại giao Nga triệu tập để phản hồi về vụ việc nhưng ông từ chối yêu cầu này.

Hành trình 39 giây tên lửa Nga

Hình ảnh được cho là hiện trường vụ nổ ở ngôi làng biên giới của Ba Lan ngày 15/11/2022. Ảnh: Twitter/Polski Serwis Pożarniczy.

"Sáng nay tôi được mời đến Bộ Ngoại giao Ba Lan để gặp một trong các thứ trưởng. Vì tôi hiểu từ phản hồi của các đồng nghiệp Ba Lan rằng lần này cũng sẽ không có bằng chứng nào nên tôi quyết định rằng trong tình huống này cuộc họp sẽ vô nghĩa và tôi từ chối lời mời" - Ông Andreev nói, lưu ý rằng Warsaw trước đây đã đưa ra những cáo buộc tương tự và Moscow vẫn đang chờ đợi bằng chứng chứng minh cho những tuyên bố đó.

"Nga thừa hiểu rằng, nếu tên lửa di chuyển xa hơn vào không phận Ba Lan, nó sẽ bị bắn hạ. Sẽ có một cuộc phản công" - Ông Szejna nói.

Cũng theo Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan, hiện "các tình huống và viễn cảnh khác nhau đang được NATO phân tích, bao gồm cả việc bắn hạ các tên lửa tương tự khi chúng ở rất gần biên giới các nước thành viên NATO".

Tuy nhiên, trong trường hợp của Ba Lan, đề xuất như vậy sẽ phải được Ukraine chấp thuận.

Trong cuộc phỏng vấn với Cơ quan báo chí Ba Lan (PAP) ngày 25/3, Tướng Stanislaw Koziej – cựu Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Ba Lan nhận định, việc tên lửa Nga xâm phạm không phận Ba Lan có thể là một hành động có chủ đích nhằm "khiêu khích, thử nghiệm hệ thống phòng không Ba Lan".

"Bạn không bao giờ biết một tên lửa như thế có thể làm được những gì. Hơn nữa, chúng thường là tên lửa đa năng, có thể mang đầu đạn hạt nhân" – Ông Koziej nhận định – "Bên cạnh đó, Nga có thể muốn lợi dụng không phận biên giới, vừa xâm phạm biên giới Ba Lan, vừa để tấn công các mục tiêu ở Ukraine bằng tên lửa hành trình từ phía tây, nơi phòng không có lẽ yếu hơn".

Trong khi đó, phát biểu trên chương trình ETV Välisilm", chuyên gia an ninh Rainer Saks cho rằng, ông coi quyết định của Ba Lan khi không bắn hạ tên lửa Nga bay vào không phận nước này là một sai lầm.

Saks cho rằng, Ba Lan lẽ ra phải gửi một thông điệp rõ ràng rằng, những tên lửa tương tự như vậy sẽ bị bắn hạ, nếu không, Nga sẽ cảm thấy "hành động của mình không phải chịu hậu quả".

Về phần mình, chính phủ Nga vẫn chưa có phản hồi chính thức trước các cáo buộc từ Ba Lan.

Theo Tùng Chi

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên