Hành trình sinh viên kiếm 100 triệu/tháng ở tuổi 21: Vay bố mẹ trăm triệu đầu tư rồi mất sạch, nhiều đêm chỉ dám ngủ 3 tiếng
Trước tuổi 22, đây đều là những bạn trẻ thành công trong thế giới của họ. Mỗi lần mất tiền là một lần đóng "học phí" cho cuộc đời, rồi thị trường sẽ dạy lại họ cách kiếm tiền và tiêu tiền.
- 04-02-2022Quy tắc 30/30/3 của triệu phú tự thân giúp bạn không mất tiền oan khi mua nhà thời dịch, nhiều người tiếc hùi hụi vì không biết sớm hơn
- 03-02-2022Năm mới học 7 cách tiết kiệm tiền ‘đỉnh cao’ như người Nhật: Rủng rỉnh tiền bạc trong tầm tay!
- 03-02-202210 bài học tài chính "nhỏ nhưng có võ" giúp bạn năm mới không bao giờ còn phải than nghèo
100 triệu/tháng là mức lương trong mơ của nhiều người. Và với sinh viên điều này còn khó hơn gấp bội - khi họ thường bị coi thiếu kinh nghiệm, thiếu kĩ năng... để lên chức sếp còn khó huống chi là mức lương cao đến vậy.
Dưới đây là 3 bạn sinh viên có điểm chung là hoàn thành KPI: "Kiếm được 100 triệu/tháng trước tuổi 22". Cả ba đều xuất thân trong những gia đình bình thường, đều phải "đóng học phí" cho cuộc đời hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu vào thị trường thì mới có được thành công như hiện tại.
100 triệu/tháng - Họ đã làm những gì và bị cuộc đời "vùi dập" thế nào?
1- Khánh Linh (sinh viên năm 4 Học viện Ngân hàng): Đang là nhân viên ngân hàng kiêm bán hàng online
Có lợi thế ngoại hình xinh xắn nên hồi còn là tân sinh viên, cô bạn bắt đầu làm mẫu ảnh và mẫu livestream cho các shop online. Công việc này khá áp lực và thu nhập cũng chỉ làng nhàng tầm trung (dưới 10 triệu/tháng). Nhưng Linh vẫn gắng sức làm một thời gian để kiếm vốn đầu tư sau này.
Nữ sinh Khánh Linh (sinh viên trường Học viện Ngân hàng)
Sau 1 năm, Linh dành dụm tiền cũng như vay thêm bố mẹ 100 triệu để quyết định kinh doanh riêng. Và tất nhiên với "chiếu mới", cô bạn đã khiến số tiền vốn này phải "đắp chiếu" do buôn bán không thuận lợi. Khách quen không có ai, không có nhiều kinh nghiệm... có quãng thời gian shop của Linh cả ngày không có nổi 1 khách hàng.
Đến khi công việc tốt hơn, nguồn hàng về nhiều hơn thì Linh phải đối mặt với: Hàng loạt giấy tờ kiểm định, phân phối hàng cho khách thế nào nhanh nhất... Quy trình bị lằng nhằng, khách không kiên nhẫn được lâu thêm nên shop của Linh lại rơi vào bế tắc. Khi ấy cả đời sống lẫn việc học tập đều bị ảnh hưởng không ít.
2- Minh Hằng (sinh viên năm 4 ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội): Đang là TikToker/YouTuber, chủ của một cửa hàng local brand
Không giống nhiều bạn sinh viên khác, Hằng ít khi tham gia hoạt động ngoại khoá ở trường mà tập trung đi làm thêm ngay từ khi còn năm nhất. Hằng quan niệm phải trải qua thật nhiều công việc thì mới có kinh nghiệm làm chủ. Do đó nữ sinh đã trải qua rất nhiều việc như: Gia sư, nhân viên văn phòng, CTV bán hàng...
Minh Hằng (sinh viên ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội)
Hằng tâm sự cô bạn luôn làm song song 2-3 công việc cùng một lúc. Vào thời điểm kiếm được 100 triệu/tháng, Hằng đang quản lý một cửa hàng, làm nhân viên full-time ở một nơi và làm gia sư. Lịch đi học rồi còn đi làm, Hằng tâm sự có quãng thời gian dài chỉ ngủ 3-4 tiếng/ngày, nếu đóng hàng thậm chí còn thức trắng đêm để hoàn thành nốt công việc.
Tích góp suốt một thời gian dài, nữ sinh bắt đầu có cho mình một shop thời trang online riêng, bắt đầu dồn lực làm chủ. Nhưng từ nguồn vốn, nguồn hàng, lượng khách đến marketing đều rất rối ren, thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Nhớ lại, cô bạn chia sẻ:“Thời gian đó, mình rơi vào khủng hoảng, brand gần như ngừng hoạt động vì mình đã không suy nghĩ kĩ khi đưa ra quyết định, mà đầu tư quá nhiều dẫn đến số vốn tồn đọng bằng âm”.
3- Vĩnh Phúc (Sinh viên năm cuối ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM): Hiện đang cùng lúc kinh doanh đồng hồ và đầu tư chứng khoản
Ban đầu, nam sinh này xuất phát điểm bán đồng hồ, sau đó đi theo con đường đầu tư chứng khoán. Khi tập đầu tư, cậu bạn chỉ có chút vốn kiến thức tự học trên Internet.
Nhiều lần, Phúc từng mất trắng số tiền của mình khoảng vài chục triệu đồng - điều mà cậu quan niệm đây là bài học kinh nghiệm mà bất kì dân chứng khoán nào cũng cần phải "đóng học phí".
Vĩnh Phúc (sinh viên ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM)
Nhiều lần "đóng học phí" để kiếm được 100 triệu/tháng và 3 bài học trưởng thành lớn nhất
1- Vĩnh Phúc: Khi đã mất tiền thì thị trường sẽ dạy cho mình cách kiếm tiền và xài tiền
Với Phúc, thất bại gần như là "đau" nhất khi số tiền đã mất là vĩnh viễn không quay trở lại. Nam sinh nhận mình còn thiếu nhiều kiến thức nên phải đọc thêm nhiều sách. Khoảng thời gian sau thất bại, Vĩnh Phúc học rất nhiều và quay lại đầu tư
Hơn nữa, cậu bạn không nghĩ số tiền mình thua lỗ là phí phạm mà là thứ nếu không trải qua thì không biết được. “Một lần mất tiền là một lần đóng ‘học phí’ nhớ đời, khi đã trải qua rồi thì thị trường sẽ dạy cho mình cách kiếm tiền và xài tiền" - là lời chiêm nghiệm của cậu bạn.
Nam sinh coi trọng những trải nghiệm và những gì mình đã tận mắt thấy được. Kinh nghiệm của Vĩnh Phúc trong việc đầu tư là vừa cần học hỏi, vừa cần chút táo bạo nhưng phải thông minh. Nói chung là: Cứ làm đi rồi sẽ biết cách!
Và cũng chính vì như thế mà mức thu nhập của Vĩnh Phúc luôn ở mức khủng. Tuy không cố định theo tháng nhưng để có 9 chữ số thì cũng không phải chuyện khó.
2- Khánh Linh: Muốn kiếm được tiền thì phải chịu được cảm giác mất tiền
Với Khánh Linh, cô bạn luôn nghĩ muốn kiếm được tiền thì phải chịu được cảm giác mất tiền. Có mất tiền lớn hay không thì việc vực dậy phải SỚM NHẤT. Dù kinh nghiệm làm mẫu, livestream đã dày dặn nhưng khi chuyển sang một dòng hàng khác, nữ sinh gần như phải bắt đầu lại từ đầu.
Khánh Linh học lại từ bước chụp hình sản phẩm, viết content cho sản phẩm đến cả cách marketing, đóng gói,... làm đến đâu chắc đến đấy. Bên cạnh đó, với Khánh Linh khi đã xác định dấn thân vào công việc nào đó thì bản thân phải là người giỏi nhất, không chấp nhận lối sống làng nhàng, thà thử rồi mất hết còn hơn là ngồi đắn đo.
Cô bạn còn cảm thấy may mắn vì bản thân đã kiên trì được đến tận khi có những thành quả như bây giờ. Nếu như 1 năm về trước mà sợ khó, sợ khổ, chấp nhận lỗ đau để rút lui, có lẽ Linh mãi trong vòng luẩn quẩn làm part-time không hồi kết.
Ở hiện tại, khi việc kinh doanh đã đi vào quỹ đạo, thu nhập của Khánh Linh dao động từ 100-120 triệu/tháng. Còn đối với những tháng cuối năm, do lượng khách tăng, con số này còn tăng lên gấp rưỡi.
3- Minh Hằng: Phải biết khai thác tối đa sức mạnh của Internet và MXH!
Khác với 2 bạn cùng trang lứa, Minh Hằng phải vực dậy vì một lý do to lớn hơn, chính là cô bạn không muốn chấp nhận sự nghèo khó. Trước đây vì gia đình khó khăn mà Minh Hằng đã chứng kiến mẹ bật khóc khi không đủ tiền. Hình ảnh này ám ảnh nữ sinh 2K suốt một thời gian dài.
Cô nàng nhận thấy các nền tảng mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ để mình phát triển. Nên nữ sinh Gen Z bắt đầu làm content trên TikTok để xây dựng thương hiệu. Dần dần, khi đã có “name" trên mạng xã hội thì bắt đầu lấn sân sang YouTube và Instagram để quảng bá sản phẩm. Các hoạt động này đều hỗ trợ cho nhau nên công việc làm mẫu, nhận PR sản phẩm và kinh doanh của Hằng đều được phát triển song song.
Minh Hằng cho rằng điều quan trọng để bản thân mình có được mức thu nhập "okela" như này là do khai thác tốt các nền tảng mạng xã hội. Các sinh viên có sự nhanh nhạy, trẻ trung thì hoàn toàn có thể áp dụng.
Cô nàng cũng tiết lộ, thu nhập của bản thân luôn ở mức cao và ổn định, khi có nhiều dự án thúc đẩy việc kinh doanh thì mức thu nhập dao động khoảng 100 triệu/tháng.
Kiếm tiền trăm triệu nhưng mức chi tiêu ít bất ngờ!
Khi kiếm được 100 triệu/tháng, ba bạn trẻ Phúc - Hằng - Linh có tư duy khá khác nhau về việc tiêu tiền.
Cô bạn Minh Hằng trước đây có cuộc sống không mấy dễ dàng nên luôn có ý thức tiết kiệm: “Mình muốn kiếm tiền vì trước đây gia đình mình rất vất vả, có lần mình còn thấy bố mẹ rơi nước mắt nữa nên chỉ còn cách kiếm nhiều tiền mang về cho bố mẹ".
Các khoản chi tiêu cho bản thân, Minh Hằng chỉ dùng những đồ bình dân, còn khoản tiền còn lại chủ yếu để tiết kiệm đề phòng bất trắc. Duy chỉ có việc đam mê sneaker nên cô bạn mới mạnh tay sắm đến 40 đôi, với đôi đắt nhất xấp xỉ 10 triệu đồng. Lần chỉ tiêu mạnh tay nhất thì là cho chiếc máy lọc nước ion kiềm 120 triệu làm quà cho bố mẹ.
Minh Hằng chọn cách sống tiết kiệm vì muốn "mang tiền về cho bố mẹ"
“Chủ shop" Khánh Linh thì lại đầu tư mạnh tay cho các vấn đề liên quan đến sức khoẻ và sắc đẹp. Cô bạn có thể chi hàng chục triệu cho các sản phẩm uống và đi spa nhưng lại tự nhận mình là tín đồ của sàn thương mại điện tử, chỉ chưng diện bằng những món đồ bình dân từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng.
Ngược lại hoàn toàn so với 2 nữ sinh, Vĩnh Phúc lại là người theo chủ nghĩa YOLO, việc chi tiêu của cậu bạn rất mạnh tay. Theo cậu bạn: “Thay vì tiết kiệm thì mình sẽ cố làm ra nhiều hơn để phục vụ cho nhu cầu xài hao của bản thân".
Phần lớn thu nhập của Vĩnh Phúc đều phục vụ cho nhu cầu chi tiêu cá nhân của mình, cụ thể là các cuộc đi chơi, du lịch, mua sắm. Ngoài việc thoáng tay trong các nhu cầu hàng ngày, cậu bạn còn là một “tay chơi" đồ hiệu, nhiều món đồ nam sinh sở hữu có mức giá hàng chục triệu đồng.
Trong khi Khánh Linh chọn mua đồ chỉ dưới 1 triệu nhưng Vĩnh Phúc lại tiêu tiền theo quan điểm YOLO!
Khánh Linh, Minh Hằng, Vĩnh Phúc, mỗi bạn có một xuất phát điểm khác nhau, lĩnh vực khác nhau nhưng đều phải trải qua những sóng gió mới có thể có được thành quả như bây giờ.
Đánh đổi cho mức lương cao là hàng đêm thức trắng, chịu lỗ trắng cả chục, thậm chí trăm triệu đóng học phí cho cuộc đời. Chung quy lại: Kiếm tiền nhiều không hề dễ, nhưng nếu đủ quyết tâm thì kiểu gì cũng có cách!
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Pháp luật & Bạn đọc