Hành trình thuần hóa rau dại trên vùng đất nhiễm mặn thành đặc sản của anh nông dân 8X xứ Nghệ
Từ loại rau dại mọc ở vùng ven biển, anh Quân đã thuần hóa thành đặc sản vùng quê. Sau 3 năm vất vả, anh nông dân 8X này đã khởi nghiệp thành công với thu nhập trên dưới 40 triệu đồng/ tháng.
- 10-02-2022Loại rau mọc dại ở Việt Nam nhưng sang Nhật bán giá "cắt cổ" vì chống ung thư, hạ đường huyết tốt nhưng có 2 kiểu người cần phải tránh ăn
- 06-01-2022Thứ rau dại mà người Nhật, người Trung Quốc tôn là "rau trường thọ" vì chữa bệnh cực tốt, ở Việt Nam mọc đầy mà không biết để tận dụng
- 17-12-2021Có 1 loại rau từng bị xem như cỏ dại không ai thèm ăn, ngày nay lại hóa thuốc quý hỗ trợ điều trị tiểu đường, thậm chí ngừa ung thư
Dưới cái nắng mùa hè oi bức, cánh đồng Doi (phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) rộng hơn 1 ha vẫn một màu xanh mơn mởn của rau nhót trải dài. Mới nhìn, nhiều người không biết sẽ nhầm tưởng là một loại cỏ, rau hoang dại.
Thế nhưng, khi được chế biến, thưởng thức, nhiều người bị cuốn hút bởi vị dòn dòn, mặn mặn, ngọt ngọt của loại rau này.
Cánh đồng rau nhót xanh mướt trải dài.
Trên cánh đồng rau nhót, anh Trần Văn Quân (38 tuổi, trú phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai) – Chủ hợp tác xã rau nhót với dáng người gầy, da rám nắng đang cùng một số người thu hoạch rau. Họ chăm chỉ cầm liềm cắt ngọn rau nhót dài khoảng 5cm đến 7cm rồi tập kết lại, cho vào các bao tải để nhập cho các mối đặt hàng.
Mồ hôi ướt đẫm lưng nhưng ai nấy đều phấn khởi vì được mùa bội thu.
Sau 3 năm vất vả khởi nghiệp, anh Quân đã gặt hái thành công như mong đợi.
Xuất phát từ mong muốn đưa loại rau dại có vị là lạ mang dấu ấn tuổi thơ trên vùng quê mình sẽ được người dân trên khắp mọi miền biết đến, thưởng thức, 3 năm trước, anh Quân đã mạnh dạn trồng rau nhót trên 1 ha đất nhiễm mặn. Vùng đất này, trước đây người dân từng trồng nhiều loại rau màu nhưng cho năng suất thấp nên bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Anh Quân mạnh dạn dốc hết vốn liếng, vay mượn người thân bạn bè gần 1 tỷ đồng để thầu lại, khai hoang rồi thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Rau nhót có vị dòn dòn, mặn mặn, ngọt ngọt, đặc trưng của vùng đất ven biển.
Rau nhót vốn là một loài rau dại mọc vào tháng 1 và tháng 2 (âm lịch) trên các đầm lầy, hồ tôm hoặc ven các cánh đồng muối ở khu vực vùng ven biển Nghệ An. Người dân vùng biển thường hái để chế biến những món như nộm, xào. Từ một loại cây dại, mọc chỉ một đến 2 tháng trong một năm, giờ đây, sau khi được người nông dân thuần hóa, rau nhót được thu hoạch gần như quanh năm (từ 9 đến 10 tháng).
Vì là một loại rau sạch, có thể chế biến được nhiều món nên rau nhót ngày càng được các thương lái thu mua để nhập cho các nhà hàng và khách sạn. Tùy từng thời điểm và nhu cầu thị trường mà giá rau nhót giao động từ 15.000 đến 25.000/ kg. Nếu ổn định thì cho gia đình thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ tháng.
Bình quân mỗi tháng rau nhót cho anh Quân thu nhập trên dưới 40 triệu đồng.
"Thời gian đầu trồng loại rau này gặp rất nhiều khó khăn. Tôi lại không có kiến thức gì về việc trồng rau nhót, không vốn đầu tư nên phải vay mượn khắp nơi. Thứ tôi có duy nhất chỉ là độ liều, tự hứa phải cố gắng làm được, nhất định sẽ làm được.
Một năm đầu dường như rau không phát triển được, tôi phải làm lại dường như từ đầu về hệ thống đất, nước, giống... Đến đầu năm 2022 mới có được những sản phẩm đầu tiên", anh Quân chia sẻ
Mỗi kg rau nhót được bán với giá từ 15.000 đến 25.000 đồng tùy vào thời điểm và nhu cầu thị trường.
Không chỉ dừng lại ở việc thâm canh thành công, anh Quân đang lên kế hoạch hiện thực hóa về các ý tưởng sản phẩm sơ chế từ rau nhót nhằm tiếp cận nhiều hơn, rộng hơn từ các nhóm đối tượng khách hàng như rau nhót chế biến sẵn.
Rau nhót sau khi đã chế biến thành món nộm.
Hành trình khởi nghiệp của anh Quân cũng là một minh chứng cho việc nếu ta biết tận dụng nguồn ưu đãi từ thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ mang lại cho chúng ta những giá trị không hề nhỏ.
"Tôi rất vui và hạnh phúc vì những thành quả đạt được của ngày hôm nay. Hi vọng loại rau này sẽ ngày càng được thực khách nhiều nơi thưởng thức. Tôi sẽ phải cố gắng thật nhiều nữa để phát triển được thương hiệu sản phẩm của quê hương mình", anh Quân vui vẻ chia sẻ.
Trí thức trẻ