MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình triệt phá đường dây lừa đảo hơn 100 tỷ đồng của 5.000 người

23-01-2022 - 13:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Hành trình triệt phá đường dây lừa đảo hơn 100 tỷ đồng của 5.000 người

Bằng thủ đoạn "tuyển cộng tác viên" (CTV) bán hàng online lương cao, chiết khấu lớn, chỉ trong thời gian ngắn đường dây lừa đảo do Lê Bá Hải, trú tại tỉnh Thanh Hóa cầm đầu đã thu hút hơn 5.000 nạn nhân tham gia, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 100 tỉ đồng.

Ngày 21/1, trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Phi Hải – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà đơn vị này vừa đấu tranh, triệt xóa thành công trên địa bàn, hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Bá Hải (SN 1990), địa chỉ thường trú tại thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, là đối tượng cầm đầu trong đường dây cùng với 40 đối tượng liên quan khác cùng về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Dưới hình thức tuyển cộng tác viên đăng bài bán bản vẽ thiết kế trên mạng Internet, nhóm đối tượng này đã lừa đảo 5.000 người ở 35 tỉnh, thành phố trong cả nước, chiếm đoạt số tiền hơn 100 tỉ đồng. Riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện nay đã có 10 bị hại ra trình báo là nạn nhân của đường dây này.

Trước đó, vào khoảng tháng 10/2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh nhận đơn trình báo của một nạn nhân trú trên địa bàn, về việc tham gia làm CTV bán hàng online cho một doanh nghiệp tại Hà Nội nhưng sau đó đã bị chiếm đoạt số tiền hơn 700 triệu đồng thông qua các hình thức chuyển khoản trực tiếp đặt cọc, tiền giữ chỗ để nhận bản gốc thiết kế giao cho khách hàng, tiền gỡ phí bản quyền… Toàn bộ số tiền này được chuyển vào tài khoản công ty, nhưng sau đó giao dịch với khách hàng bị hủy bỏ, phía công ty cũng biến mất khỏi mạng xã hội khiến người này nghi ngờ bản thân đang bị lôi kéo vào một đường dây lừa đảo có tổ chức nên đã viết đơn trình báo.

Hành trình triệt phá đường dây lừa đảo hơn 100 tỷ đồng của 5.000 người - Ảnh 1.

Tiến hành khám xét tại một văn phòng của đường dây tại Hà Nội.

Vào cuộc điều tra, nhận định đây là một đường dây lừa đảo có quy mô lớn, tính chất chuyên nghiệp, nạn nhân có thể khắp cả nước với số lượng rất lớn nên Phòng Cảnh sát hình sự đã xin ý kiến Ban Giám đốc để xác lập chuyên án đấu tranh.

Quá trình truy vết các đối tượng trên không gian mạng, cùng với dữ liệu từ ngân hàng mà nạn nhân đã chuyển khoản, sau hơn 2 tháng với sự vào cuộc tích cực của 35 cán bộ trinh sát kỹ thuật có kinh nghiệm, Ban chuyên án đã dần dựng lên được chân dung đối tượng cầm đầu cũng như phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng trong đường dây này thực hiện.

Theo đó, là người có trình độ về kiến trúc, am tường công nghệ thông tin, quá trình làm ăn, buôn bán hàng online trên mạng xã hội facebook, Lê Bá Hải nhận thấy nhu cầu cần tìm việc làm bán thời gian, bán hàng từ xa của nhiều người, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát nên đã nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Để tránh bị phát hiện, Hải đã lựa chọn sản phẩm rao bán là mặt hàng sản phẩm số, là những thiết kế bản vẽ công trình, dự án do đối tượng này tự vẽ ra hoặc ăn cắp bản quyền trên mạng Internet. Sau đó, Hải liên hệ mua lại khoảng 10 fanpage facebook đã có sẵn rồi về cho nhân viên thiết kế lại giao diện, hình ảnh và chạy quảng cáo trên mạng xã hội để "câu nhử" con mồi.

Để thu hút được lượng lớn nhân viên làm việc, Lê Bá Hải trả lương hậu hĩnh từ 3,5-5 triệu/tuần/người cộng với chiết khấu hoa hồng cao, từ 8-10% trong tổng số tiền lừa đảo mang về được. Chính bởi vậy, đã có hơn 50 đối tượng biết là hành vi lừa đảo, nhưng vẫn tiếp tay để móc túi khách hàng, trong đó có 11 nhóm trưởng phụ trách 11 văn phòng tại Hà Nội và Thanh Hóa.

Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là sau khi có nạn nhân ngẫu nhiên tiếp cận được với thông tin mà chúng rao bán, bằng thủ đoạn đưa ra nhiều chế độ ưu đãi đặc biệt như làm việc tại nhà lương cứng từ 2-3 triệu đồng/tuần, chiết khấu lên đến 30% bản vẽ, chỉ cần thanh toán trước từ 20-50% giá trị hợp đồng, số còn lại công ty cho nợ để thu hút nạn nhân vào làm CTV bán hàng cho hệ thống… nên chỉ trong thời gian ngắn, đã có hàng ngàn người đăng ký trở thành CTV bán hàng online cho đường dây này.

Khi nạn nhân đã chính thức là CTV và trở thành người đi bán hàng, nhân viên của Hải sẽ đóng giả khách hàng để hỏi mua, sau đó làm giả chứng từ chuyển khoản ngân hàng 10% giá trị hợp đồng đặt cọc gửi cho CTV. Nạn nhân báo về thì công ty yêu cầu CTV phải chuyển khoản 70% giá trị hợp đồng, công ty mới cung cấp bản chính, bản quyền bản vẽ, đồng thời không quên hứa hẹn sẽ trả lại số tiền này khi hợp đồng hoàn tất, cộng với hoa hồng hậu hĩnh.

Nhận được tiền từ CTV, tùy theo nhận định có thể tiếp tục "móc túi" nữa hay không, các đối tượng sẽ tiếp tục duy trì để lừa đảo, hoặc sẽ xóa tài khoản zalo, facebook, chặn số điện thoại liên lạc. Với chiêu trò này, đã có hơn 5.000 nạn nhân từ 35 tỉnh, thành phố trong cả nước sập bẫy lừa, trong đó nạn nhân ít nhất là 10 triệu đồng, người nhiều nhất đã trình báo là hơn 1 tỷ đồng, có nhiều nạn nhân bị lừa đi lừa lại cùng với chiêu thức tương tự, nhưng với nhiều khách hàng (thực chất đều là nhân viên của Lê Bá Hải) thực hiện.

Đại úy Nguyễn Văn Bảo, Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thủ đoạn của các đối tượng không mới, song Lê Bá Hải là đối tượng có trình độ về kiến trúc, am tường công nghệ thông tin và do thời gian hoạt động trên mạng xã hội nhiều nên am tường tâm lý của những người bán hàng qua mạng. Ngoài ra, đường đây này đánh vào tâm lý của nạn nhân là hám lợi cao nên số lượng nạn nhân "sập bẫy" tương đối lớn. Quá trình đấu tranh, truy vết, ngoài yếu tố khách quan là do dịch bệnh COVID-19, các đối tượng này chủ yếu thuê chung cư, văn phòng để hoạt động biệt lập nên khó tiếp cận.

Đối với các nạn nhân, sau khi thực hiện xong hành vi lừa đảo, chúng xóa sạch tài khoản zalo, facebook và số sim rác, sim ảo nên đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, truy vết. Cái khó lớn nhất, và cũng là thủ đoạn mới trong đường dây, là Lê Bá Hải đã chọn mặt hàng để mua bán, trao đổi là sản phẩm số, không phải là sản phẩm vật chất nên dễ dàng xóa dấu vết sau khi thực hiện xong hành vi, hoặc khi bị cơ quan chức năng phát hiện.

Sau gần 3 tháng tích cực vào cuộc, củng cố hồ sơ chứng cứ liên quan, ngày 29/12/2021, Ban chuyên án đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh, Công an TP Hà Nội và Công an tỉnh Thanh Hóa, huy động hơn 100 cán bộ, chiến sỹ đồng loạt khám xét 11 văn phòng của đường dây này tại TP Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa. Qua đó, đã bắt giữ và khám xét nơi ở của 40 đối tượng, trong đó có 12 đối tượng giữ vai trò cầm đầu tại 40 địa điểm khác nhau; thu giữ 1 ôtô, 64 điện thoại di động, 45 máy tính xách tay, 40 tài khoản ngân hàng và hơn 2 tỉ đồng tiền mặt cùng nhiều tài sản, tài liệu liên quan.

Đối tượng cầm đầu Lê Bá Hải đã bỏ chạy khi bị phát hiện, song trinh sát đã kịp thời truy đuổi, bắt giữ thành công để di lý về Hà Tĩnh phục vụ công tác điều tra. Hiện, vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, mở rộng.

Theo Thiên Thảo

Công an Nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên