Hành trình trở thành 'sếp' trong công ty nước ngoài của nữ thủ khoa đại học quốc tế
Lê Nguyễn Hoàng Yến cầm cúp thủ khoa đứng trên bục danh dự của Đại học RMIT, cô nhìn xuống khán đài để dò xem phản ứng của mẹ, song không như mong đợi.
- 20-09-2022Nữ diễn viên từng đỗ thủ khoa và học thạc sĩ ở Anh: Nhan sắc thăng hạng còn cuộc sống ra sao?
- 19-09-2022Không bao giờ học tủ và luôn đi ngủ trước 10 giờ tối, nữ sinh vẫn tốt nghiệp thủ khoa Ngoại thương với bảng điểm tuyệt đối 4.0/4.0
- 18-09-20225 ngành học có điểm chuẩn cao nhất năm 2022: Có ngành Thủ khoa toàn khối chưa chắc đã trúng tuyển!
- 12-09-2022Thủ khoa đầu ra Ngoại thương đạt GPA 4.0: 'Không bao giờ học quá 10 giờ tối'
Lê Nguyễn Hoàng Yến cầm cúp thủ khoa đứng trên bục danh dự của Đại học RMIT, cô nhìn xuống khán đài để dò xem phản ứng của mẹ, song không như mong đợi.
Vay ngân hàng để trả tiền học phí
Hoàng Yến, sinh năm 2000, từ nhỏ chưa được nhìn thấy bố. Cô và mẹ sống nương tựa nhau ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, với nghề buôn bán phụ tùng xe máy. Sống trong gia đình đơn thân, lại thêm những cái nhìn của xã hội gây áp lực vô hình, khiến Yến phải luôn cố gắng một cách cật lực.
“Em phải chứng minh cho mọi người thấy, mẹ em dù đơn thân nhưng dạy dỗ con thành công. Đó là lý do em buộc mình phải đạt thành tích tốt trong học tập và các cuộc thi”, Yến chia sẻ.
Với học lực xuất sắc cùng nhiều giải thưởng cấp tỉnh, Huy chương Vàng cấp quốc gia môn tiếng Anh, Yến bắt đầu thử sức với những kỳ thi xét tuyển năng lực của trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) và một số trường khác. May mắn đều đậu cả, nhưng cô mong muốn được đi du học nước ngoài.
Bà Nguyễn Tiết Nhiên, mẹ của Yến, biết con gái có khả năng, cũng muốn con đi du học nước ngoài nhưng không đủ kinh tế. Tính đi tính lại, số tiền kiếm được từ tiệm phụ tùng xe máy cũng chỉ đủ chi phí học và sinh hoạt của Yến ở trường công lập.
Lê Nguyễn Hoàng Yến luôn tự áp lực việc học.
Không chịu từ bỏ, Yến sau đó tự chuẩn bị hồ sơ thi IELTS rồi một mình bắt xe lên TP HCM lạ lẫm. “Lúc đó thấy xót con lắm. Những lần con thi học sinh giỏi cũng đều phải đi một mình vì tôi không thể bỏ công việc. Đáng lý ra, mỗi khi con tham gia cuộc thi quan trọng cần có gia đình đi cùng để cổ vũ tinh thần nhưng tôi không làm được điều đó”, bà Nguyễn Tiết Nhiên chia sẻ.
Nhận kết quả IELTS 7.5, Yến xin mẹ được nộp hồ sơ vào Đại học RMIT. “Dù khó khăn nhưng không biết tại sao em lại có động lực để xin mẹ vào trường quốc tế. Bởi em biết ở trong môi trường ấy, em có thể phát triển bản thân nhiều hơn và vươn xa hơn”, Yến khẳng định.
Thấy con quyết tâm như vậy, bà Nhiên cũng không đành lòng từ chối: “Cái gì khiến con hạnh phúc thì con cứ làm. Mẹ sẽ hỗ trợ hết sức”.
Bà mẹ 45 tuổi sau đó vay ngân hàng 100 triệu đồng, vừa làm việc ở quán phụ tùng xe máy để kiếm tiền xoay xở học phí năm đầu cho con gái. Yến dù đậu trường quốc tế, song thấy lòng nhiều dằn vặt.
Giải quyết khoản nợ
Thời gian đầu chuyển vào TP HCM, cuộc sống của Yến rất khép kín, chỉ xoay quanh học tập. Cô hướng nội và độc lập nên không có nhiều bạn. Hơn nữa, khoản nợ 100 triệu khiến cô sinh viên năm nhất rơi vào trạng thái căng thẳng.
“Em hay so sánh với người khác. Thấy ai đó học tốt hơn, kiếm tiền giỏi hơn, em dằn vặt tại sao không làm được như họ, tại sao lại thua kém mọi người. Em sợ bị tụt hậu phía sau”, Yến tâm sự.
Khi mới nhập học, Yến sống rất khép kín, chủ yếu xoay quanh học tập.
Mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, phát hiện con dằn vặt bản thân, mẹ Nhiên đều phải động viên con: “Hãy nhìn lại 2-3 năm về trước, con sẽ thấy mình đi được xa đến nhường nào. Đừng tự áp lực bản thân nữa, con hãy làm gì đó vui và hạnh phúc”. Nghe mẹ, Yến tham gia vào một bộ phận của trường, giúp đỡ những bạn khác về kiến thức và cân bằng việc học với các mối quan hệ xung quanh.
Kết thúc năm học đầu tiên, Yến cảm thấy dễ thở hơn khi kết quả học tập đạt 3.93/4.0 (GPA) và được tặng học bổng 50%. Khoản này giúp Yến bớt căng thẳng, có thêm động lực để học và nghĩ đến việc kiếm tiền.
Cô sinh viên năm nhất sau đó đi dạy thêm tiếng Anh. Số tiền kiếm được, cô để trả nốt 50% học phí và trang trải cuộc sống.
Đến năm 3, Hoàng Yến đi thực tập tại công ty Intel của Mỹ. Khi kết thúc kỳ thực tập, Yến được tuyển thẳng làm nhân viên chính thức. Lúc này, cô vừa đi làm, vừa phải học nốt kỳ cuối ở trường và vừa đi dạy thêm.
“Thời gian này em rất bận rộn nhưng không thấy mệt mỏi. Em đã học được cách gỡ rối những áp lực của bản thân. Quan trọng nhất, em đã kiếm được tiền gửi về cho mẹ trả nợ”, cô tâm sự.
Đến tháng 4/2022, Yến tốt nghiệp đại học với danh hiệu thủ khoa ngành Kinh doanh Quốc tế. Cô giấu mẹ việc này để tạo niềm vui bất ngờ, chỉ mời mẹ đến dự. Khi Hoàng Yến cầm cúp đứng trên bục danh dự, cô nhìn xuống khán đài để dò xem phản ứng của mẹ.
Yến lên bục nhận danh hiệu thủ khoa, không quên nhìn xuống chỗ mẹ ngồi.
“Em tưởng mẹ sẽ bất ngờ lắm nhưng lại thấy gương mặt không cảm xúc. Mẹ không dám cười, cũng không dám khóc, chỉ thấy mắt mẹ chứa đầy nước. Nhưng em biết mẹ đang tự hào về em”, Yến kể.
Mẹ Nhiên dù không thể hiện nhiều bằng hành động song bà cũng không kìm được cảm xúc, dành cho con những lời tâm sự: “Từ lúc được sinh ra, có lẽ chưa khi nào mẹ thấy Yến cười nhiều như ngày hôm đó. Con cho mẹ quà bất ngờ với danh hiệu thủ khoa, mà ai cũng biết, chỉ mẹ không biết. Con đã khiến mẹ xúc động và hạnh phúc, sau những giọt mồ hôi, sau đôi mắt thâm quầng, sau mọi nỗ lực và phấn đấu không ngại khó. Chỉ cần con mạnh mẽ dám xông pha, chúng ta sẽ thấy được vầng hào quang và nụ cười toả nắng ấm hạnh phúc”.
Làm mọi thứ để bù đắp cho mẹ
Sau khi tốt nghiệp đại học, Yến trở thành quản lý dự án chuỗi cung ứng tại Procter & Gamble Indochina, một trong những tập đoàn "thâm niên" nhất thế giới. Số nợ đến nay đã trả hết, Yến cũng quen với cuộc sống tự lập ở TP HCM. Song, cô vẫn luôn canh cánh trong lòng về nỗi vất vả của mẹ.
“Mẹ có bầu em khi vừa tốt nghiệp trường Đại học Luật TP HCM và phải từ bỏ mọi thứ để về quê chăm sóc con. Thời điểm đó, khái niệm mẹ đơn thân rất nhạy cảm, đặc biệt ở những vùng quê. Việc một phụ nữ một mình nuôi con không tránh khỏi lời qua tiếng lại. Đó là một lựa chọn đầy hy sinh. Nếu là mẹ, em không chắc mình có đủ bản lĩnh như vậy hay không”, Hoàng Yến nói.
Yến và mẹ Nguyễn Tiết Nhiên.
Yến kể khi còn nhỏ, cô chưa hiểu chuyện nên hay so sánh với gia đình khác. Cô nhiều lần thấy ngại khi nói về hoàn cảnh của mình, thậm chí phải nói dối để không bị xấu hổ. Hai mẹ con cũng thường bất đồng vì khác quan điểm và không hiểu nhau.
“Biết mẹ thương mình nên em hay cộc tính và nghĩ mình là thế giới. Em chỉ muốn thế giới xoay quanh mình. Khi ra ngoài đi học, em mới thấy cuộc sống không như vậy, mình phải học cách lắng nghe, không chỉ với người ngoài mà quan trọng nhất là mẹ mình”, cô gái 22 tuổi chia sẻ.
Vài năm trở lại đây, cô mới thấy tự hào và tự tin khi kể về người mẹ đơn thân: “Mẹ đã nuôi mình được như vậy, tại sao lại chối bỏ quá khứ”. Với Yến, mẹ vừa là cha, là bạn, là siêu anh hùng và là cả thế giới.
“Em nghĩ, nếu sống trong gia đình có đầy đủ bố mẹ mà không có sự gắn kết thì cũng không hạnh phúc được như em với mẹ hiện tại. Cho nên, em không thấy mình thua thiệt mà đôi khi thấy mình còn hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều người”, Yến tâm sự.
Lớn lên, cô gái 22 tuổi ngày càng quan tâm đến cảm xúc của mẹ, bởi cô biết những tổn thương mẹ đã trải qua nên muốn làm mọi thứ để bù đắp.
“Từ nhỏ đến lớn, em thấy mẹ làm rất nhiều, không bao giờ nghỉ ngơi hay đi du lịch. Vì vậy, em phải cố gắng làm việc để mẹ được ở nơi mẹ thích, rồi chăm sóc bản thân, lấy lại thanh xuân mà mẹ hy sinh vì em”, cô gái xúc động.
Phụ nữ Việt Nam