Hành trình trở thành tỷ phú của CEO Instacart
Nhà sáng lập kiêm CEO 33 tuổi của Instacart, Apoorva Mehta, đã chính thức trở thành tỷ phú. Nhu cầu dành cho công ty giao hàng tạp hóa do anh thành lập vào năm 2012 đã tăng vọt trong thời đại dịch virus corona.
- 22-06-2020Tỷ phú Bill Gates, Jeff Bezos và Mark Zuckerberg cùng đầu tư 3,5 triệu USD vào startup “sữa mẹ nhân tạo”
- 20-06-2020Bất chấp cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, tỷ phú giàu nhất châu Á bất ngờ lọt top 10 người nắm giữ khối tài sản lớn nhất thế giới
- 19-06-2020Elon Musk - Vị tỷ phú ngập trong nợ nần
- 18-06-2020Những tỷ phú có tài sản ròng tăng hơn 50% từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu
- 17-06-2020Nhà đầu tư tỷ phú Leon Cooperman: "Đội quân" kì lạ đang thao túng TTCK sẽ phải "kết thúc trong nước mắt"
Vào ngày 11/06 vừa qua, kỳ lân có trụ sở tại San Francisco này công bố rằng họ đã huy động được 225 triệu USD trong vòng gọi vốn gần đây nhất, nâng mức định giá của họ từ 7,9 tỷ USD lên 13,7 tỷ USD. Forbes ước tính Mehta hiện sở hữu 10% cổ phần, đủ để anh thành thành viên mới nhất của câu lạc bộ tỷ phú, với giá trị tài sản ròng là 1,2 tỷ USD. Người phát ngôn của Instacart không có bình luận nào về ước tính của Forbes.
Instacart, một doanh nghiệp giao hàng theo yêu cầu đang "bùng nổ", cho phép khách hàng lựa chọn hàng tạp hóa trực tuyến. Sau đó, nhân viên mua hàng giùm từ Instacart sẽ đóng gói và giao tận nhà cho khách. Nhu cầu về dịch vụ này, hiện có sẵn cho hơn 85% hộ gia đình Mỹ và 70% hộ gia đình Canada, đã tăng vọt trong đại dịch khi hàng triệu người bắt đầu trú ẩn tại nhà. Khối lượng đặt hàng đã tăng tới 500% trong 12 tháng qua và trung bình, mỗi khách hàng đã chi thêm tới 35% cho mỗi đơn hàng, theo Instacart.
Công ty đã thuê 300.000 nhân viên mua hàng mới kể từ tháng 3 và có kế hoạch thuê thêm 250.000 người nữa vào tháng 4 để cung cấp trở lại dịch vụ giao hàng trong một giờ và cùng ngày.
"Chúng tôi có những kế hoạch tham vọng cho tương lai và khoản đầu tư mới này cho phép chúng tôi tăng cường hỗ trợ cho nhân viên mua hàng và đối tác của mình, đồng thời tiếp tục tài trợ cho các sáng kiến chiến lược và mang lại trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng. Về cơ bản, đại dịch này đã định hình lại cách mọi người nghĩ về hàng tạp hóa và thương mại điện tử, và chúng tôi tự hào khi Instacart tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của mọi người trong thời điểm hiện tại và rất lâu sau khi cuộc khủng hoảng này lắng xuống", Mehta nói trong một thông cáo báo chí ở vòng huy động vốn mới.
Sinh ra ở Ấn Độ và lớn lên ở Canada, Mehta học ngành kỹ thuật tại Đại học Waterloo rồi làm kỹ sư thiết kế tại Blackberry và Qualcomm. Sau đó, Mehta đầu quân cho Amazon, nơi anh giúp phát triển hệ thống hoàn thành thương mại điện tử khổng lồ với vai trò là một kỹ sư chuỗi cung ứng. Nhưng sau một vài năm, Mehta đã tìm kiếm một thử thách mới. Năm 2010, anh nghỉ việc, chuyển từ Seattle đến San Francisco và bắt đầu thử sức ở lĩnh vực khởi nghiệp.
Trong 12 tháng tiếp theo, Mehta đã đưa ra ý tưởng cho khoảng 20 sản phẩm, trong đó bao gồm một trang web mua bán thực phẩm và một mạng xã hội dành cho luật sư - nhưng không ai quan tâm đến. "Lý do để bắt đầu một công ty không bao giờ nên là thành lập một công ty. Lý do để lập ra một công ty nên là để giải quyết một vấn đề mà bạn thực sự quan tâm", Mehta nói tại buổi nói chuyện Y Combinator năm 2014.
Khó khăn của việc mua sắm hàng tạp hóa là một vấn đề mà Mehta thực sự quan tâm. Mặc dù hầu hết các sản phẩm có thể được mua trực tuyến vào năm 2012, nhưng việc mua sắm hàng tạp hóa đã thay đổi trong nhiều thập niên. Mehta bắt đầu viết một ứng dụng và sau này nó trở thành Instacart. "Tôi đã tự hứa với mình rằng tôi sẽ không đến cửa hàng tạp hóa cho đến khi sản phẩm này sẵn sàng", Mehta nói trong buổi nói chuyện của Y Combinator.
Anh trở thành khách hàng và người mua giùm đầu tiên của Instacart, bằng cách đặt hàng tạp hóa trên ứng dụng này và sau đó chọn và giao nó cho chính mình. Anh nhanh chóng giành được một khoản đầu tư từ Y Combinator vào năm 2012 sau khi sử dụng ứng dụng này để gửi một lốc bia 6 lon cho một đối tác tại vườn ươm, sau đó lọt vào danh sách "30 gương mặt dưới 30 tuổi" của Forbes một năm sau. Trong những ngày đầu, các đơn đặt hàng thường đến nhưng không có người mua hàng giùm, vì vậy Mehta đã tự mình giao hàng bằng cách sử dụng Uber vì anh không sở hữu xe hơi.
Instacart đã mở rộng từ San Francisco đến hơn 5.500 thành phố và 30.000 cửa hàng ở Bắc Mỹ, với các đối tác như Albertsons, Publix, Kroger và Sam’s Club. Họ có thêm dịch vụ "ghé lấy" vào năm 2019, cho phép người mua giùm ghé qua các cửa hàng và lấy nhanh số hàng tạp hóa đã được đặt trước. Công ty cũng đã ra mắt một dịch vụ giao hàng theo toa hồi tháng 4, giúp gần 200 nhà thuốc của Costco giao thuốc, và có kế hoạch mở rộng dịch vụ này đến tất cả 500 địa điểm của Costco. Tổng cộng, bao gồm cả vòng gọi vốn mới nhất, Instacart đã huy động được gần 2,2 tỷ USD từ hàng chục nhà đầu tư bao gồm cả các công ty đầu tư mạo hiểm như Andreessen Horowitz, Sequoia Capital và Kleiner Perkins.
Tham khảo: Forbes