Hành trình từ người đi đầu thành kẻ tụt hậu của Nissan: Chật vật với bê bối cựu chủ tịch suốt 6 năm, phải nhờ cậy Honda tìm đường sống
Liệu màn sáp nhập có giúp Nissan phục thù?
- 19-12-2024Cùng chậm chân trong cuộc chiến xe điện, Nissan và Honda bắt tay liệu có làm nên chuyện?
- 18-12-2024Nhà sản xuất iPhone hàng đầu thế giới Foxconn muốn nắm quyền kiểm soát hãng xe Nhật Bản Nissan
- 25-11-2023Nissan đầu tư hơn 1 tỷ USD sản xuất ô tô điện ở Anh
Nissan, từng là biểu tượng cho sức mạnh sản xuất ô tô của Nhật Bản, đã dành suốt 5 năm qua cố gắng lấy lại vị thế. Hãng chấp nhận cắt giảm việc làm, sản lượng xe, ghi nhận lợi nhuận thấp và chứng kiến chính mình tụt hậu trong cuộc đua xe điện vốn từng dẫn đầu.
Hiện tại, Nissan đang cậy nhờ Honda để tìm đường sống. Hai nhà sản xuất ô tô cho biết đang trong quá trình đàm phán về một vụ sáp nhập để tạo ra một nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới theo doanh số bán hàng. Ý tưởng này từng bị coi là vô lý, song lại hoá hợp lý khi các công ty cùng nhau chia sẻ chi phí và hợp tác sản xuất xe điện.
Cổ phiếu Nissan ngay lập tức tăng hơn 30% trong hai ngày giao dịch sau thông báo về các cuộc đàm phán sáp nhập, trong khi cổ phiếu Honda giảm gần 5% trong cùng kỳ. Sự kết hợp được kỳ vọng có thể giúp củng cố các nhà sản xuất ô tô trước các mối đe dọa toàn cầu, bao gồm làn sóng đối thủ cạnh tranh mới đến từ Trung Quốc.
Đối với Honda, việc sáp nhập với Nissan hứa hẹn sẽ chia sẻ chi phí để phát triển các công nghệ mới. Chính phủ Nhật Bản, vốn lo ngại về khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô với Trung Quốc, ngỏ ý hoan nghênh sự kết hợp này. Được biết, Nissan hiện là cổ đông lớn nhất của Mitsubishi Motors. Honda, Nissan và Mitsubishi bán được hơn 8 triệu xe mỗi năm.
Thế nhưng, Honda và Nissan phải vượt qua được một số rào cản trước khi hoàn tất thỏa thuận của mình. Hai công ty có nền văn hóa khác nhau, song lại bán cùng một loại xe thể thao đa dụng cho thị trường đại chúng tại Mỹ và những nơi khác.
Nissan, công ty liên minh 25 năm với hãng sản xuất ô tô Pháp Renault, vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau vụ bắt giữ Ghosn, cựu chủ tịch, vào cuối năm 2018. Bị buộc tội liên quan đến tài chính, Ghosn trốn khỏi Nhật Bản và hiện đang sống ở Beirut.
Sau khi bị truất ngôi đột ngột, Nissan đảo ngược các kế hoạch tăng trưởng của Ghosn, tuyên bố sa thải hàng loạt và đóng cửa nhà máy vào năm 2019, đồng thời luân chuyển các giám đốc điều hành và quản lý cấp cao. Doanh số bán hàng toàn cầu giảm xuống còn 3,4 triệu xe vào năm ngoái từ mức hơn 5,6 triệu xe vào năm 2018.
Theo WSJ, Nissan đã phải vật lộn tài trợ cho hoạt động kinh doanh hiện tại, bán chủ yếu các loại xe chạy bằng xăng như SUV Rogue và Altima trong khi cũng đầu tư vào các công nghệ thế hệ tiếp theo. Kế hoạch cắt giảm chi phí mới nhất của công ty, được CEO Makoto Uchida công bố vào tháng 11, kêu gọi tiết kiệm hàng tỷ USD và cắt giảm 9.000 việc làm.
Việc hợp nhất nguồn lực có thể giúp Honda và Nissan, hai hãng xe đứng thứ 2 và thứ 3 về doanh số bán hàng toàn cầu trong số các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, tiếp cận quy mô của Toyota. Nissan cho biết vẫn sẽ duy trì các khoản đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động R&D, bất chấp các nỗ lực cắt giảm chi phí. “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tận dụng các quan hệ đối tác thông minh để tận dụng lợi thế của quy mô”, một phát ngôn viên của Nissan cho biết.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Mỹ, Nissan làm mới dòng xe của mình chậm hơn so với mức trung bình của ngành. Phía đại lý đã phải giảm giá mạnh nhằm loại bỏ những chiếc xe trông lỗi thời, trong khi cơ sở khách hàng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lãi suất tăng cao.
Tỷ lệ thay thế các mẫu xe của Nissan đã giảm xuống mức tệ nhất trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ, trong khi Honda lại ở mức trên trung bình, theo báo cáo thường niên "Car Wars". Nissan cho biết doanh số bán hàng của hãng giảm trong 5 năm qua là kết quả của việc loại bỏ một số mẫu xe, chẳng hạn như dòng Maxima.
“Honda điều hành tốt hơn Nissan và tôi đang cầu nguyện rằng điều này sẽ giúp ích đến Nissan”, Adam Lee, chủ tịch của Lee Auto Malls tại Maine cho biết.
Một cuộc khảo sát 600 nhà bán lẻ ô tô của Kerrigan Advisors cho thấy hơn một nửa số người được hỏi không tin tưởng vào Nissan. Người sáng lập Erin Kerrigan cho biết nhiều đại lý Nissan đang thua lỗ và không dễ tìm được người mua.
Về xe điện, Nissan chuyển từ người đi đầu thành kẻ tụt hậu. Nissan Leaf của hãng là một trong những chiếc xe chạy hoàn toàn bằng pin đầu tiên ra mắt thị trường vào năm 2010, song doanh số chưa bao giờ tăng vọt. Các giám đốc điều hành, cảnh giác với chi phí phát triển cao, đã đi chậm lại trong khi phía các đối thủ mở rộng mạnh mẽ.
Vào thời điểm doanh số bán hybrid đang tăng vọt, Nissan không có xe nào chào sân thị trường Mỹ. Hãng chỉ có kế hoạch bán phiên bản xe hybrid cắm điện của Rogue vào năm 2026.
Màn hợp nhất giữa Honda và Nissan đòi hỏi sự kết hợp hai nền văn hóa đặc biệt. Lịch sử của ngành công nghiệp ô tô đã đầy rẫy các vụ sáp nhập và hợp tác không thành công. Stephanie Brinley, một nhà phân tích tại S&P Global Mobility, cho biết các công ty sáp nhập phải mất nhiều thời gian để cắt giảm chi phí và tăng năng suất bằng cách kết hợp sản xuất và phát triển sản phẩm.
“Một vụ sáp nhập sẽ không giải quyết được các vấn đề cạnh tranh đang kìm hãm doanh số bán hàng của Nissan”, bà nói.
Theo: Nikkei Asia, WSJ
Nhịp sống thị trường