Hành trình xuyên lục địa bóc trần sự thật tệ hại đằng sau những lời hứa mĩ miều “tái sinh” túi nilon: Nước nghèo chịu trận
Tự tin hô vang khẩu hiểu: Tái chế túi nilon không khó, một hệ thống siêu thị ở Anh quảng bá rầm rộ kế hoạch thu hồi và tái chế túi nhựa dùng một lần từ khách. Tuy nhiên, đó thực chất chỉ là một hành trình đùn đẩy trách nhiệm dài tới hơn 3.000 km, nơi rác nhựa vẫn chỉ được hóa kiếp trong các lò đốt.
Từ tháng 3/2021, chuỗi siêu thị Tesco của Anh bắt đầu thu gom túi nilon và giấy bóng của khách hàng để mang đi tái chế. Bà Caroline Ragueneau, một nhân viên của Tesco làm việc trong cửa hàng tại tây nam nước Anh, không giấu nổi sự vui mừng trước thông tin này. Người phụ nữ 56 tuổi là một nhà hoạt động môi trường nhiệt huyết nên bà rất tự hào kể cho bạn bè về sáng kiến mới của siêu thị.
Nhựa là một nguồn gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Chúng khiến đất liền trở nên bừa bãi và là "án tử" cho các sinh vật hoang dã dưới đại dương. Khi những hộp thu gom nhựa qua sử dụng xuất hiện, chúng hứa hẹn sẽ biến những thứ bị vứt bỏ trở thành đồ hữu dụng.
Vào tháng 8/2021, Tesco thông báo rằng họ đang mở rộng chương trình thử nghiệm cho tất cả các siêu thị lớn nhất chuỗi. Khách hàng mua sắm được kêu gọi trả lại bao bì thực phẩm và túi nilon xách tay. Ngay sau đó, công ty triển khai một chiến dịch quảng cáo trên toàn quốc với thông điệp: "Tái chế nhựa mềm không khó".
Nhưng theo như Ragueneau được biết, việc tái chế nhựa rất khó, đặc biệt là với vật liệu mà Tesco đang thu gom. Không giống như nhựa trong là loại nhựa tiêu chuẩn được dùng cho vỏ chai nước ngọt, nhựa mềm có thể co giãn, nhàu nhĩ hoặc có màu… Sự hỗn tạp khiến chúng vô cùng khó tái chế.
Nhựa mềm cần được phân loại thủ công thành nhiều loại khác nhau, sau đó đem rửa sạch, cắt nhỏ, nấu chảy và lọc tạp chất trước khi biến thành sản phẩm mới. Chỉ 6% nhựa mềm ở Vương quốc Anh trải qua quá trình này.
Nhựa gây ô nhiễm cực nghiêm trọng. Nhưng không ai biết tường tận rằng liệu hàng tấn rác nhựa có được "tái sinh" thành đồ hữu dụng.
Băn khoăn với những tuyên bố của công ty, Ragueneau đã gửi email cho các sếp để hỏi chính xác rằng thứ gì đang được tái chế và quy trình diễn ra như thế nào. Song, công ty đã không cho bà một câu trả lời thoả đáng.
Cách duy nhất để tìm ra đáp án là lần theo dấu rác thải. Bloomberg Green đã thực hiện một cuộc điều tra để đưa ra câu trả lời. Họ đã đặt các thiết bị theo dõi tí hon bên trong 3 món đồ nhựa mềm bỏ đi: màng bọc rau cải, bao bì đựng hạt đậu ăn liền và một túi mua hàng có nhãn hiệu Tesco. Ba món đồ được đặt trong 3 thùng thu gom bên ngoài các siêu thị Tesco trên khắp London. Mục đích là để tìm hiểu cặn kẽ xem điều gì sẽ xảy ra với rác thải nhựa của chuỗi siêu thị lớn nhất Vương quốc Anh.
Đó là khởi đầu của một hành trình xuyên biển, xuyên lục địa và tiết lộ thế giới bí mật của các nhà thầu, nhà môi giới và các nhà xuất khẩu rác thải. Thực tế hỗn độn này không còn giống như một công việc đạo đức vì môi trường mà chỉ như đổ trách nhiệm sang cho người khác.
Các sản phẩm nhựa trên toàn thế giới bắt đầu tăng theo cấp số nhân vào thập niên 1950 và hiện đạt gần nửa tỷ tấn mỗi năm. Trong một thời gian dài, cách đơn giản nhất để xử lý những thứ không phân huỷ đó là gửi chúng đến Trung Quốc. Nhưng khi Bắc Kinh cấm nhập khẩu rác thải nước ngoài vào năm 2017, thị trường phế thải rơi vào tình trạng hỗn loạn. Các lô hàng cứ thế chất đống mà chẳng biết đi đâu về đâu.
Một số nhà hoạt động môi trường cho rằng tái sử dụng nhựa là chuyện hoang đường. Các công ty chỉ sử dụng điều này để khuyến khích người tiêu dùng mua nhiều hơn và cảm thấy yên tâm về sản phẩm đó.
Mặt khác, hầu hết các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất nhựa công nghiệp đều tán thành những lợi ích của "nền kinh tế tuần hoàn". Các vật liệu tổng hợp có thể được tái sử dụng nhiều lần, tạo ra việc làm và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Thật khó để người tiêu dùng biết sự thật xảy ra với nhựa khi chúng rời khỏi thùng rác.
Hành trình xuyên biên giới của rác nhựa
Các thiết bị được bỏ vào thùng thu gom rác của Tesco nhanh chóng vẽ ra một bản đồ bí mật. Thiết bị đầu tiên giấu bên trong màng bọc rau cải đi một vòng quanh đường xá London sau đó biến mất bên bờ sông Thames.
Hai thiết bị theo dõi khác giấu bên trong bao bì đựng hạt đậu và túi mua hàng Tesco đi theo những tuyến đường khác nhau đến kho logistic khổng lồ ở ngoại ô thành phố. Tại đó, chúng được chất lên xe tải và chở đến Cảng quốc tế Harwich trên bờ biển phía đông nước Anh.
Các thiết bị theo dõi sau đó đã lên tàu đến châu Âu. Sau khi đến Rotterdam, cả hai thiết bị hướng về phía đông, đi qua Đức trong vòng một ngày, sau đó tiến vào Zielona Gora của Ba Lan và dừng lại ở vị trí cách nhau vài mét. Rác của Tesco lúc này cách London 1.126 km.
Bản đồ bí mật hiện ra khi thiết bị theo dõi giấu trong rác nhựa được chuyển đến các địa điểm khác nhau. Màu cam: Bao bì đựng hạt đậu ăn liền; Màu xanh lá: Túi mua hàng Tesco; Màu xanh da trời: Màng bọc thực phẩm.
Zielona Gora là một thị trấn gần biên giới giữa Ba Lan và Đức. Đây là một nơi yên bình với những con đường rải sỏi, một nhà thờ cổ và một bảo tàng. Hàng ngày, những chuyến xe tải chở rác từ khắp châu Âu, bao gồm rác thải của Tesco và các siêu thị khác, cùng hướng đến một khu công nghiệp tồi tàn ở rìa thị trấn. Tại đây có trung tâm xử lý rác thải của Eurokey Recycling Group.
Nhưng trung tâm này lại không thực hiện tái chế nhiều như tên gọi của mình. Thật ra, đây là một nhà môi giới rác thải được thuê để thu gom, vận chuyển và phân loại rác, sau đó gửi cho các nhà thầu và người mua khác. Những đối tượng này sẽ sử dụng hoặc xử lý rác khi họ thấy phù hợp.
Theo cách nói của dân trong ngành, Eurokey chính là người trung gian. Nhà kho của họ chỉ là một trạm nghỉ chân của nhựa trước khi chúng lên đường đến một nơi khác.
Khi phóng viên Bloomberg đến thăm cơ sở này vào tháng 1, họ thấy một dãy nhà dài với các ô cửa sổ cáu bẩn che kín bên trong. Hàng dài xe tải xếp trong bãi đậu xe đầy ổ gà. Trong một góc sân khác có rào chắn, nhựa được chất thành đống cao ít nhất 9 mét.
Thị trưởng Zielona Gora, Janusz Kubicki, biết rằng thị trấn của ông nhận được một lượng rác đều đều từ Vương quốc Anh. Ông giải thích đơn giản lý do rác thải lại đến từ bên kia châu Âu đó là vì chi phí. Việc xử lý nhựa ở Anh hay Đức đều có giá cao hơn so với Ba Lan.
Khi nói đến tái chế, có nhựa tốt và nhựa không có giá trị sử dụng. Trong số các loại nhựa mềm, màng nilon trong suốt dùng để bọc khay hàng hóa trong quá trình vận chuyển đến các cửa hàng là loại nhựa được đánh giá cao nhất. Loại nhựa này không bị dính thức ăn hoặc các chất gây ô nhiễm khác và là loại có thể dễ dàng xử lý lại. Các nhà tái chế cho biết loại màng bọc này có thể bán với giá cao.
Ngược lại, bao bì bánh kẹo và túi đựng thức ăn cho vật nuôi được một số chuyên gia tái chế gọi là vật liệu vô dụng nhất và thường phải trả thêm tiền thì người khác mới mua. Có rất nhiều loại nhựa mềm như thế và chúng nằm lẫn lộn trong các thùng tái chế của Tesco.
Sau hai ngày dừng chân ở thị trấn Zielona Gora, thiết bị theo dõi đặt trong gói snack hạt đậu bắt đầu di chuyển về phía đông. Điểm đến cuối cùng của thiết bị này là một nhà máy ở phía đông Ba Lan do Stella Pack SA điều hành.
Đây là công ty chuyên sản xuất túi nhựa. Người phát ngôn công ty cho biết chất thải được phân loại, nấu chảy để làm thành túi đựng rác tái chế. Những loại nhựa không phù hợp sẽ được đốt trong lò để cung cấp năng lượng cho cơ sở sản xuất.
Thiết bị theo dõi còn lại giấu trong túi mua hàng in tên hãng Tesco đã ngừng hoạt động ngay khi đến Zielona Gora và phóng viên Bloomberg cho rằng nó đã bị thất lạc.
Để tìm hiểu rõ hơn, họ bắt đầu đóng vai các thám tử. Vào một buổi sáng tháng Giêng đầy tuyết, nhóm phóng viên đi theo một chiếc xe tải màu đỏ rời nhà kho của Eurokey để xem chiếc xe sẽ đi đâu. Xe chạy về phía bắc, sau đó thay vì quay về hướng nhà máy tái chế của Papier-Mettler, chiếc xe lại đi về hướng ngược lại.
Nhóm phóng viên tiếp cận người lái xe tải tại một trạm dừng nghỉ, người này nói rằng không biết mình đang chở gì hay đi đâu. Nhưng gần đó là một nhà máy xi măng lớn nhất trong khu vực. Nếu tin đồn từ các nhà hoạt động môi trường là đúng, ngành công nghiệp xi măng của Ba Lan đang đốt một lượng lớn rác thải nhựa nhập khẩu từ Anh.
Nhà máy xi măng Lafarge SA có một lò quay hoạt động cả ngày lẫn đêm ở nhiệt độ 2.000 độ C. Công ty Holcim của Thụy Sĩ, công ty mẹ của Lafarge và là một trong những nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, có một đơn vị chuyên biệt gọi là Geocycle. Chi nhánh này sẽ tìm nguồn, kiểm tra và xử lý rác thải để đốt trong lò xi măng. Công ty rất vui khi được nói về những gì họ coi là một giải pháp bền vững cho vấn đề nhựa.
Trong nhiệt độ cực cao của lò nung, mọi thứ đều bị phá huỷ. Vì thế, Lafarge coi đây là một công nghệ sạch. Giám đốc của Geocycle Marcin Wojtan nói: "Ngành công nghiệp xi măng là giải pháp cuối cùng cho phần rác thải còn lại không thể sử dụng trong ngành công nghiệp tái chế".
Các nhà phê bình về năng lượng từ rác thải nhanh chóng chỉ ra rằng việc đốt nhựa sẽ phát sinh vấn đề khác đó chính là khí thải carbon dioxide khiến trái đất nóng lên. Vì nhựa là sản phẩm phụ của nhiên liệu hoá thạch, đốt nhựa sẽ có tác động đến khí hậu không kém gì đốt dầu thô.
Geocycle xác nhận rằng Eurokey là một trong những nhà cung cấp rác thải nhựa của nhà máy, mặc dù Geocycle giao dịch với Eurokey thông qua một nhà môi giới khác. Wojtan cho biết Geocycle không thể kiểm soát được xuất xứ của các loại nhựa đến từ các siêu thị của Vương quốc Anh.
Trong khi đó, người phát ngôn của Eurokey cho biết chỉ có một lượng rất nhỏ nhựa mềm từ siêu thị không thể tái chế và được đốt để làm năng lượng. Nhưng công ty không đưa ra số liệu cụ thể.
Trên thực tế, Ba Lan có nhiều rác thải thừa đến nỗi nhà máy xi măng Lafarge không cần phải trả tiền để mua rác thải nhựa. Tiền lúc này đi theo một con đường khác. Những người môi giới phải trả phí cho các nhà sản xuất xi măng để họ chấp nhận lấy loại nhựa kém giá trị nhất. Đó là lợi ích tuyệt vời cho ngành xi măng và là một lựa chọn hấp dẫn cho nhà trung gian Eurokey, miễn là số tiền bỏ ra thấp hơn chi phí sử dụng các bãi chôn lấp.
Để quản lý khối lượng lớn rác thải nhựa từ Vương quốc Anh, các nhà quản lý của Eurokey phải liên tục tìm khách hàng để ngăn kho của họ bị quá tải. Nếu không lựa chọn chôn lấp hoặc lò nung xi măng quá tốn kém, Eurokey có một giải pháp khác cho nhựa thải đó chính là tiếp tục xuất khẩu một lần nữa.
Màu cam: Bao bì đựng hạt đậu ăn liền; Màu xanh lá: Túi mua hàng Tesco
Vào cuối tháng 1, sau 2 tháng không có động tĩnh, thiết bị theo dõi bên trong túi nhựa Tesco bỗng xuất hiện ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Chiếc túi đã được tìm thấy trên đường từ Zielona Gora đến một khu công nghiệp gần Adana, Thổ Nhĩ Kỳ. Địa điểm của chiếc túi nhựa cách London khoảng 3.200km.
Khi phóng viên đến hiện trường, hỗn hợp các loại rác thải nhựa chất đống bên ngoài một nhà kho. Rác đen kịt theo thời gian, xơ xác thành những sợi nilon phất phơ trong gió.
Một người đàn ông gặp phóng viên Bloomberg và giới thiệu mình là người quản lý. Công ty tái chế IMO Plastik của ông đã mua rác thải nhựa từ khắp châu Âu và vận chuyển chúng đến đây. Nhưng khi trò chuyện qua điện thoại, người đàn ông này phủ nhận việc xuất nhập khẩu rác thải và nói rằng công ty chỉ xử lý rác thải sinh hoạt của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tóm lại, vấn đề nằm ở chỗ xuất khẩu rác thải nhựa thông qua các công ty môi giới. Tesco không thể kiểm soát được rác thải nhựa từ những sản phẩm của mình sẽ đi về đâu.
Sau một vài tuần không thấy tăm hơi, thiết bị theo dõi trong túi mua hàng Tesco được phát hiện ở một khu công nghiệp gần Adana, Thổ Nhĩ Kỳ.
Vương quốc Anh vận chuyển trung bình 575 tấn rác nhựa đến Thổ Nhĩ Kỳ mỗi ngày vào năm 2020, thậm chí nhiều hơn cả lượng rác xuất khẩu sang Ba Lan. Như vậy, trách nhiệm xử lý loại rác thải khó nhằn này bị đẩy sang cho các quốc gia nghèo hơn, khiến cơ sở hạ tầng của các nước này thêm căng thẳng.
Khi các nhóm tội phạm nhắm vào hoạt động buôn bán nhựa qua sử dụng trị giá 50 tỷ USD, cả Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang cố gắng ngăn chặn gian lận chất thải.
Thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên khắp châu Âu là nhận tiền từ các công ty môi giới chất thải, sau đó đem rác đi đốt để dọn sạch chúng mà không bỏ tiền ra để tái chế. Hành động này giải phóng các chất độc hại vào không khí và đất.
Theo Thị trưởng Kubicki của Zielona Gora, một số kẻ lừa đảo người Ba Lan thành lập các công ty ma để thuê nhà kho, lấp đầy các kho với loại nhựa vô giá trị, sau đó biến mất.
Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Eurokey hoặc bất kỳ đối tác thương mại nào của Eurokey có liên quan đến những hoạt động này, nhưng các nhà hoạt động và nhà báo ở Adana trước đây đã tìm thấy bao bì mang nhãn hiệu Tesco tại các bãi rác bất hợp pháp chỉ cách vị trí cuối cùng của máy theo dõi vài mét.
Việc xuất khẩu nhựa không chỉ gây tranh cãi giữ các quốc gia mà còn ảnh hưởng đến môi trường trên toàn thế giới. Khi nhựa bị tan rã, nó biến thành thành những mảnh vi nhựa toả đi khắp nơi. Chúng trôi theo các dòng hải lưu và bay trong bầu khí quyển. Ngay cả những nơi xa xôi hẻo lánh nhất thế giới cũng đã xuất hiện dấu vết của hạt vi nhựa. Những rủi ro sức khoẻ tiềm ẩn của hạt vi nhựa lan rộng vẫn chưa được xác định rõ.
Caroline Ragueneau nghỉ việc ở Tesco từ năm ngoái. Khi bà nghe hành trình phóng viên Bloomberg theo dõi rác của siêu thị, bà đã rất bất bình. Bây giờ bà thậm chí không còn làm việc tại cửa hàng nữa. Bà muốn tiêu tiền của mình tại các siêu thị khác, những cửa hàng đáng tin hơn trong lời hứa về việc tái chế rác thải nhựa.