MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành vi ông Phan Văn Vĩnh đang bị điều tra có khung hình phạt cao nhất 15 năm

08-04-2018 - 12:13 PM | Xã hội

Theo các luật sư, căn cứ vào khoản 3 Điều 281 BLHS 1999, nếu bị xác định có tội, đưa ra truy tố, xét xử thì ông Phan Văn Vĩnh có thể sẽ phải đối mặt với mức án từ 10 - 15 năm tù.

Đường sự nghiệp của ông Phan Văn Vĩnh

Tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"

Ngày 6/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Văn Vĩnh , cựu Trung tướng, cựu Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 3, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ông Vĩnh bị bắt vì bị tình nghi có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn giúp bị can Nguyễn Thanh Hóa và bị can Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài RikVip.

Trao đổi với PV, thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, vụ án tổ chức đánh bạc qua mạng mà Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đang tiến hành điều tra có tính chất đặc biệt lớn, liên quan đến nhiều đối tượng, trong đó có những người từng giữ các chức vụ cao trong ngành công an. Họ bị tình nghi tiếp tay cho tội phạm và đã bị khởi tố điều tra.

Với cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh - hiện bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam về tội tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Đây là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

 Hành vi ông Phan Văn Vĩnh đang bị điều tra có khung hình phạt cao nhất 15 năm - Ảnh 2.

Các bị can đã bị bắt trong vụ án. Ảnh: CAND.

Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định:

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Vì sao khởi tố theo Bộ Luật Hình sự 1999?

Còn luật sư Nguyễn Văn Quynh (TP.HCM) khẳng định, việc khởi tố ông Phan Văn Vĩnh theo Bộ Luật Hình sự năm 1999 là hoàn toàn đúng các quy định của pháp luật.

Theo luật sư, vụ án Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Mua bán trái phép hóa đơn và Rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố mà ông Phan Văn Vĩnh là bị can đã được Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố từ cuối năm 2017.

Do đó, căn cứ để khởi tố bị can đối với ông Vĩnh vẫn phải theo BLHS năm 1999, bởi đến 1/1/2018, Bộ Luật Hình sự năm 2015 mới có hiệu lực pháp luật.

"Việc khởi tố ông Vĩnh hay trước đó là ông Nguyễn Thanh Hóa theo Bộ Luật Hình sự 1999 là hoàn toàn đúng quy định.

Còn sau này, quá trình xét xử, nếu có các tình huống hoặc phương pháp theo hướng có lợi cho bị cáo thì sẽ áp dụng theo BLHS mới 2015, luật sư Quynh nói.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết thêm, theo nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay, chưa xác định các bị can trong đó có ông Phan Văn Vĩnh phạm tội mà phải chờ đến khi có bản án của tòa án có hiệu lực thi hành.

Vì thế, trong quá trình điều tra truy tố, xét xử cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể thay đổi quyết định khởi tố, thay đổi tội danh và Tòa án sẽ là cơ quan có quyền quyết định mức hình phạt.

Tuy nhiên với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt lớn của vụ án thì hình phạt mà các bị can phải đối mặt sẽ là rất lớn.

Theo Hoàng Đan

Thời đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên