'Hào quang' của quặng sắt sẽ còn tiếp diễn
Giá quặng sắt tăng khiến nó trở thành một trong những mặt hàng có diễn biến tốt nhất trong năm 2023, và các nhà đầu tư vẫn có cơ sở để lạc quan về triển vọng năm 2024 khi Trung Quốc vẫn đang thu hút sự quan tâm của toàn cầu.
- 31-12-2023Quặng sắt Trung Quốc tăng giá 55% trong năm 2023
- 26-12-2023Vì đâu giá quặng sắt lên cao nhất kể từ tháng 6/2022?
Giá quặng sắt đã tăng mạnh trong năm 2023, trung bình trên 100 USD/tấn trong suốt 12 tháng. Giá trung bình cho một tấn quặng hàm lượng 62% sắt kết thúc tháng 12/2023 ở mức 140,5 USD/tấn, đánh dấu mức tăng 19,73% so với tháng 12/2022, khi ở mức giá 117,35 USD/tấn.
Diễn biến giá trong năm 2023 không đồng nhất: đạt trung bình trên 120 USD/tấn trong 3 tháng đầu năm, nhưng giảm xuống 105,13 USD/tấn vào tháng 5/2023 và duy trì tương đối ổn định trong những tháng tiếp theo. Từ tháng 9/2023, giá trung bình trở lại mức trên 120 USD/tấn, cuối cùng vượt qua 130 USD trong hai tháng cuối năm 2023. Giá trung bình trong tháng 12/2023 là 136,37 USD/tấn, tăng 4,6% so với 130,36 USD/tấn vào tháng 11/2023.
Daniel Sasson, nhà phân tích của Itaú BBA, mô tả năm 2023 là một năm “đáng tò mò” đối với quặng sắt. Ông viết: “Mặc dù mức giá trung bình hàng năm là 120 USD/tấn, mặt hàng này vẫn duy trì ở mức tương tự như năm 2022”, và “Mặc dù mức giá trung bình vẫn giữ nguyên nhưng con đường đi không hề bằng phẳng”. Vào đầu năm, người ta kỳ vọng mạnh mẽ về sự phục hồi nhu cầu và tăng giá khi Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero-COVID. Điều đó lý giải diễn biến giá trong quý đầu tiên của năm 2023. Tuy nhiên, việc nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới mở cửa trở lại có tác động đến việc phục hồi tiêu dùng nhiều hơn hơn là hoạt động công nghiệp.
Tuy nhiên, nhập khẩu sắt của Trung Quốc năm 2023 đã tăng so với năm trước. Chỉ số Baltic Dry, biểu thị giá cước đối với tàu chở hàng rời, đã tăng 49% trong năm 2023. Các tàu chở hàng rời chủ yếu chở quặng sắt. Trung Quốc chiếm 70% lượng quặng sắt vận chuyển bằng đường biển của thế giới. Kết quả này mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất quặng sắt toàn cầu, đặc biệt là Fortescue của Australia và Vale của Brazil. Giá cổ phiếu của các hãng này đã tăng khoảng 30% trong ba tháng qua.
Trong khi lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn, nhưng giá thép đã có sự phục hồi nhỏ kể từ giữa tháng 10/2023. Kế hoạch kích thích nền kinh tế bằng một đợt chi tiêu mạnh mẽ khác của Bắc Kinh dành cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã khiến một số nhà sản xuất hy vọng nhu cầu thép sẽ tăng vọt.
Tuy nhiên, dưới áp lực của giá quặng sắt tăng, sản lượng thép của Trung Quốc đang bắt đầu giảm. Vào tháng 10/2023, sản lượng thép đã giảm xuống dưới mức 900 triệu tấn, thấp hơn mức cùng kỳ của 5 năm trước đó. Một phần nguyên nhân cũng bởi hoạt động xây dựng liên quan đến bất động sản trong nước, vốn chiếm 35% đến 40% nhu cầu thép của Trung Quốc, đang chậm lại.
Trong khi đó, xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 45% vào năm 2023, chủ yếu sang Đông Nam Á và Châu Âu. Điều này có thể lý giải cho việc nhu cầu nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc gia tăng. Đồng Nhân dân tệ tăng giá trong những tháng cuối năm cũng khiến giá sắt mua vào rẻ hơn – ngay khi hàng tồn kho tại các cảng Trung Quốc ở mức thấp.
Năm 2023, khối lượng thép Trung Quốc bán ra nước ngoài ước tính đạt 100 triệu tấn, tương đương gấp 3 lần sản lượng hàng năm của Brazil.
Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng GDP hơn 5% vào năm 2023, nhờ vào tiêu dùng. Trong năm 2023, các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ô tô và máy móc đã thúc đẩy mức tiêu thụ thép của Trung Quốc, với sản lượng thép dự kiến sẽ tăng 2% tại Trung Quốc trong năm 2024.
Do đó, nhu cầu quặng sắt dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì bởi các lĩnh vực nói trên. “Nhiều người tin rằng điều tồi tệ nhất có thể đã qua đối với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, do đó tốc độ suy thoái sẽ chậm lại, điều này có thể giúp duy trì nhu cầu quặng. Tuy nhiên, vẫn còn một số lo ngại về nền kinh tế toàn cầu,” ông Daniel Sasson, nhà phân tích của Itaú BBA cảnh báo.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Thiên Tân mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng Trung Quốc sẽ triển khai các biện pháp thiết thực, hiệu quả hơn để mở rộng nhu cầu trong nước và khơi dậy sức sống của thị trường. Mới đây, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng cắt giảm lãi suất chính sách để hỗ trợ nền kinh tế, các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có nhiều bước đi tiếp theo sau đó. Đồng thời Ngân hàng trung cũng cho các ngân hàng chính sách vay 350 tỷ nhân dân tệ thông qua cơ chế cho vay bổ sung (PSL) đã cam kết vào tháng 12. Điều này được cho là sẽ hỗ trợ nhu cầu quặng và thép.
Về phía nguồn cung, ông Daniel Sasson lưu ý rằng 4 công ty cung cấp chủ chốt – Vale, BHP, Rio Tinto và Fortescue – đã công bố ước tính sản lượng năm 2024 hầu như không thay đổi so với năm 2023. “Trong kịch bản nguồn cung hạn chế và nhu cầu vẫn ở mức hợp lý, giá có thể ở trên 100 USD mỗi tấn vào năm 2024,” ông Daniel Sasson nói. Công ty Itaú BBA dự đoán mức giá trung bình năm 2024 sẽ là 110 USD/tấn.
Nguồn: Ft, Datamarnews
Nhịp sống thị trường