MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạt gạo Việt Nam đang được nâng chất

05-12-2017 - 08:00 AM | Thị trường

Bên cạnh các sản phẩm gạo thông thường, hiện thị trường đang xuất hiện nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao do nhu cầu người tiêu dùng hướng đến việc “ăn sạch” ngày một phổ biến.

Nhiều doanh nghiệp nhập cuộc tạo nên thị trường đầy cạnh tranh

Tại các hệ thống siêu thị ở TP.HCM, có thể nhận ra vài chục loại “gạo sạch” và số ít “gạo hữu cơ” được trưng trên kệ có bao bì trọng lượng 1kg, 2kg và 5kg với giá bán khá cao, từ 30.000 – 140.000 đồng/kg.

Đại diện thương mại của một hệ thống siêu thị lớn tại TPHCM cũng như cả nước nhận xét: “Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ ngày càng tăng do ý thức sử dụng sản phẩm “sạch” và “khoẻ” của người tiêu dùng”.

Vài năm trước, số doanh nghiệp sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ chỉ đếm trên đầu ngón tay do khó bán, thị trường chưa ưa chuộng nhiều. Thế nhưng hiện nay, do nhu cầu tăng mạnh và độ phổ biến cao, số doanh nghiệp tham gia đang ngày càng nhiều. Phần lớn có sự đầu tư bài bản từ chọn giống, quy trình sản xuất, đến hình thức mẫu mã bao bì hấp dẫn.

Ngoài các thương hiệu nổi tiếng như Lộc Trời, Viễn Phú, Quế Lâm thì nay đã xuất hiện nhiều “tân binh” gạo sạch mới như Gạo Việt, Việt Sin, Hoa Lài, Hoa Lan, Tiến Thành, Long Châu, Lê Thành...

Thị trường hút hàng

Ông Nguyễn Sơn Tiên, Tổng Giám đốc Công ty Gạo Việt, một doanh nghiệp đã tham gia thị trường hữu cơ với sản phẩm gạo Orgagro đạt chuẩn hữu cơ USDA của Hoa Kỳ cho biết: Thời gian gần đây, do người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm nên dòng gạo sạch, cao cấp được thị trường đón nhận tích cực. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu bằng cách tổ chức sản xuất gạo hữu cơ bài bản, áp dụng đầy đủ các quy trình cũng như tiêu chuẩn quốc tế trong canh tác sản xuất.

Dự án sản xuất gạo hữu cơ của Gạo Việt được thực hiện đầu tiên tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đến nay, sản phẩm gạo hữu cơ mang thương hiệu Orgagro của Công ty Gạo Việt đã được phân phối rộng khắp TP.HCM và các tỉnh khu vực miền Tây, miền Trung, miền Bắc.

Dự kiến đến hết năm 2018, độ phủ của sản phẩm Orgagro sẽ đạt 100% thị trường trong nước và tiến đến xuất khẩu ra thị trường thế giới. Vừa qua, Gạo Việt đã thuê 2,5ha đất của một HTX tại tỉnh Đồng Tháp dự kiến xây nhà máy sản xuất lúa hữu cơ công suất 60.000 tấn/năm theo tiêu chuẩn Organic USDA của Mỹ nhằm tăng sản lượng cung ứng cho thị trường ngày càng lớn.

Nguyên tắc chung của sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ là phải có đầu vào sạch gồm đất, nước, không khí, các loại cây giống phải thuần không được sử dụng giống biến đổi gen (GMO), các chất sử dụng trong sản xuất phải hoàn toàn hữu cơ và được cho phép (nghĩa là phân bón và thuốc trừ sâu phải là chế phẩm sinh học hữu cơ), cuối cùng là sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng. Các loại hóa chất độc hại đều bị cấm trong canh tác hữu cơ.

Được biết, ngày 5.10 mới đây, sau thời gian đánh giá và thẩm định nghiêm ngặt, dòng sản phẩm gạo Orgagro của Công ty Gạo Việt đã chính thức được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp chứng nhận Organic USDA thông qua đơn vị tư vấn đánh giá Control Union. USDA được đánh giá là một trong những quy chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt của Mỹ.

Ông Nguyễn Tiên Sơn cho biết: Để đạt được chuẩn USDA cho vùng nguyên liệu và sản phẩm, Gạo Việt đã đầu tư nhiều về tài chính và mất thời gian lâu dài. Tuy nhiên, gia nhập vào thị trường gạo, nhất là gạo hữu cơ trong tâm thế bài bản và tầm nhìn dài hạn, sở hữu các chứng nhận hữu cơ có uy tín như USDA của Hoa Kỳ là cần thiết. Điều này thể hiện cả cái tâm và cái tầm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng.

Tại thị trường TP.HCM, trong khi các dòng gạo thường như gạo đặc sản, thơm dẻo, mềm xốp, Nàng Hương, Tài Nguyên, Thái Lan, Điện Biên... thông thường có giá chỉ từ 12.000 -17.000 đồng/kg, còn giá gạo hữu cơ cao cấp lên đến 30.000 – 40.000 đồng nhưng vẫn bán chạy.

Ông Nguyễn Sơn Tiên đánh giá: Sản phẩm hữu cơ sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới do tâm lý người tiêu dùng thay đổi và đòi hỏi chất lượng cao hơn và đảm bảo sức khoẻ trong bữa cơm hằng ngày.

 

A.D

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên