Hạt vi nhựa không chỉ có trong bình sữa khi tiệt trùng: Tiết lộ những con đường xâm nhập vào cơ thể khiến bạn giật mình
(Tổ Quốc) - Làm thế nào để hạn chế tối đa nguy cơ nạp hạt vi nhựa vào người khi chúng có ở khắp nơi?
- 16-07-2024Một số loại bình sữa cho trẻ bị cáo buộc giải phóng vi nhựa khi tiệt trùng ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ sơ sinh
- 04-11-2022Ăn phải 10 triệu mảnh vi nhựa mỗi ngày, số phận của những chú cá voi lớn nhất thế giới sẽ đi về đâu?
- 07-06-2021Gạo chúng ta ăn hàng ngày cũng có thể chứa vi nhựa, ăn lượng lớn sẽ làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu và ung thư
- 07-05-2021Hơn 6.000 hạt vi nhựa lắng đọng trên mỗi mét vuông nhà bạn mỗi ngày, chúng có thể gây hại như thế nào?
Mới đây, thông tin về hạt vi nhựa xuất hiện trong 2 loại bình sữa đến từ nhãn hàng nổi tiếng nhưng không được cảnh báo trước, khiến nhiều phụ huynh gần đây lo lắng.
Bạn có biết, hạt vi nhựa không chỉ hiện hữu trong bình sữa khi tiệt trùng cho trẻ sơ sinh mà còn xuất hiện trong vô số những thứ xung quanh. Chúng cũng không chỉ có nguy cơ với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ mà còn vô số những tác hại về lâu dài cho người lớn.
Rất nhiều câu hỏi về cách những mảnh nhựa siêu nhỏ này ảnh hưởng đến cơ thể. Chúng đến từ đâu và chúng đi vào máu của chúng ta như thế nào? Các báo cáo cho thấy, hạt vi nhựa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Trong một số trường hợp, nó là nguyên nhân dẫn đến đau tim, đột quỵ hoặc tử vong.
Hạt vi nhựa có thể đi vào cơ thể dễ dàng qua những con đường nào?
Một nghiên cứu lâm sàng gần đây trên Tạp chí Y học New England cho thấy, hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào máu, tích tụ trong động mạch cảnh của bệnh nhân. Thế rồi chúng ta mới biết, hóa ra hạt vi nhựa còn có thể đi vào cơ thể qua ăn uống, hít thở, thậm chí qua da. Chúng thực sự có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn của bạn, gây ảnh hưởng đến bất kỳ nơi nào trong cơ thể.
Một nghiên cứu ở Ý, được báo cáo vào năm 2020, phát hiện vi nhựa trong các loại trái cây và rau quả hàng ngày. Người ta quan sát thấy, cây lúa mì và rau diếp hấp thụ các hạt vi nhựa trong phòng thí nghiệm. Hấp thụ từ đất chứa các hạt vi nhựa có lẽ là cách chúng xâm nhập vào sản phẩm của chúng ta ngay từ đầu.
Bùn thải có thể chứa vi nhựa không chỉ từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân mà còn từ máy giặt. Một nghiên cứu xem xét bùn từ một nhà máy xử lý nước thải ở tây nam nước Anh phát hiện, nếu tất cả bùn đã qua xử lý được sử dụng bón đất, thì một lượng hạt vi nhựa tương đương lượng nhựa trong hơn 20.000 thẻ tín dụng có khả năng được thải ra môi trường mỗi tháng.
Các hạt vi nhựa cũng được cố ý thêm vào mỹ phẩm như son môi, son bóng và đồ trang điểm mắt. Chúng cũng có trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chẳng hạn như kem tẩy da chết cho mặt, kem đánh răng và sữa tắm. Khi rửa sạch, những hạt vi nhựa này sẽ đi vào hệ thống nước thải. Chúng có thể kết thúc trong bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải, được sử dụng để bón phân cho đất nông nghiệp, hoặc thậm chí trong nước đã qua xử lý.
Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Plastic Soup Foundation phát hiện thấy, vi nhựa xuất hiện trong tất cả các mẫu máu được lấy từ lợn và bò tại các trang trại ở Hà Lan. Điều này cho thấy gia súc có khả năng hấp thụ hạt vi nhựa từ thức ăn, nước hoặc không khí.
Trong số các mẫu thịt bò và thịt lợn được lấy từ các trang trại và siêu thị trong cùng một nghiên cứu, 75% cho thấy sự hiện diện của vi nhựa. Nhiều nghiên cứu ghi nhận, các hạt vi nhựa cũng có trong cá, có khả năng được tiêu thụ khi mọi người ăn hải sản.
Vi nhựa có trong nước uống của chúng ta, cho dù là từ vòi hay đóng chai. Các hạt này có thể xâm nhập vào nước tại nguồn, trong quá trình xử lý và phân phối, hoặc, trong trường hợp nước đóng chai, từ bao bì của nước.
Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy, mỗi người có thể tiêu thụ hàng chục nghìn hạt vi nhựa mỗi năm. Vẫn chưa rõ hạt vi nhựa được cơ thể con người hấp thụ, phân phối, chuyển hóa và bài tiết như thế nào. Và nếu không được bài tiết ngay lập tức, chúng có thể tồn tại trong bao lâu...
Trẻ sơ sinh có thể phải đối mặt với mức phơi nhiễm đặc biệt cao. Một nghiên cứu nhỏ trên 6 trẻ sơ sinh và 10 người lớn phát hiện, trẻ sơ sinh có nhiều hạt vi nhựa trong phân hơn người lớn. Nghiên cứu cho thấy, vi nhựa có thể xâm nhập vào thai nhi qua nhau thai. Trẻ sơ sinh cũng có thể nuốt phải các hạt này qua sữa mẹ. Việc sử dụng bình sữa bằng nhựa và đồ chơi mọc răng làm tăng nguy cơ trẻ em tiếp xúc với hạt vi nhựa.
Các hạt vi nhựa cũng lơ lửng trong không khí. Nghiên cứu được tiến hành tại Paris để ghi lại mức vi nhựa trong không khí tại nhà cho thấy, nồng độ dao động 3-15 hạt/m3 không khí. Nồng độ hạt vi nhựa ngoài trời thấp hơn nhiều.
Các hạt trong không khí có thể trở thành mối lo ngại lớn hơn so với các hạt trong thực phẩm. Một nghiên cứu được báo cáo vào năm 2018, đã so sánh lượng vi nhựa có trong con trai đánh bắt ngoài khơi bờ biển Scotland với lượng vi nhựa có trong không khí tại nhà. Việc tiếp xúc với các hạt vi nhựa từ không khí trong bữa ăn cao hơn nhiều so với nguy cơ ăn phải vi nhựa từ chính những con trai.
Dựa trên nghiên cứu này, nhà miễn dịch học Nienke Vrisekoop (Trung tâm Y tế Đại học Utrecht, Hà Lan) cho biết, "Nếu tôi để một miếng cá trên bàn trong 1 giờ, có lẽ nó đã tích tụ nhiều vi nhựa từ không khí xung quanh hơn là từ đại dương".
GS.TS Loren Wold (chuyên khoa Tim mạch, Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Tiểu bang Ohio, Mỹ) cho biết, việc dùng những vật liệu phổ biến như nylon và polyester là nguyên nhân hàng đầu khiến hạt vi nhựa xâm nhập vào máu. Việc ăn uống trực tiếp đồ ăn thức uống từ hộp đựng bằng nhựa là một cách khác mà vi nhựa xâm nhập vào cơ thể chúng ta.
PGS.TS Paul Takhistov (chuyên ngành Khoa học thực phẩm, Đại học Rutgers, Mỹ) đã trình bày chi tiết về cách thức hoạt động của quá trình này.
"Nguồn gốc của vi nhựa không chỉ đến từ chai nhựa. Các polyme là vật liệu được chế tạo và có thể bị lão hóa. Khi bị lão hóa, chúng mất đi một chút độ đàn hồi và các vết nứt nhỏ phát triển", chuyên gia giải thích.
Bắt đầu từ thực phẩm nông trại được thu thập trong các thùng hoặc hộp nhựa, sau đó chúng tiếp xúc với máy móc. Chỉ một số ít vật liệu được phép tiếp xúc với thực phẩm trong ngành công nghiệp được quản lý chặt chẽ này. Họ làm mọi thứ có thể để đảm bảo an toàn, nhưng bạn không thể tránh khỏi quá trình sản xuất và giai đoạn cuối cùng của bao bì. Gần đây, người ta phát hiện, ngay cả những vật liệu polyme an toàn nhất cũng có thể tạo ra hạt vi nhựa.
Mới đây, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Hazardous Materials, bởi nhóm nghiên cứu của Bệnh viện An Trịnh, Bắc Kinh, Trung Quốc còn phát hiện, hạt vi nhựa xuất hiện trong các thủ thuật y tế. Cụ thể là qua thủ thuật can thiệp mạch vành qua da (CPI), kim tiêm, dây truyền dịch.
Với những mảnh nhựa không thể nhìn thấy bằng mắt thường, thật khó để biết khi nào bạn có nguy cơ tiêu thụ vi nhựa. Khi chúng ở trong không khí, hệ thống nước và thực phẩm của chúng ta - làm thế nào để mọi người tránh chúng? Câu trả lời đơn giản là bạn không tránh được. Bạn chỉ có thể giảm thiểu nguy cơ nạp chúng vào cơ thể.
Làm thế nào để giảm thiểu tối đa nguy cơ nạp hạt vi nhựa vào cơ thể?
Hầu hết, mọi người đều có thể có vi nhựa trong máu. Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất là cơ thể được thiết kế để đào thải chúng ra ngoài.
Các chuyên gia đề xuất sử dụng chai đựng nước, dụng cụ nấu ăn làm bằng kim loại hoặc các vật liệu khác để giảm khả năng nuốt vi nhựa trực tiếp.
Không gian sống cần thường xuyên được thông gió, bao gồm mở cửa sổ ở nhà, hút bụi thường xuyên và lọc không khí. Điều đó có thể loại bỏ bụi thường chứa vi nhựa khỏi bề mặt và không khí.
Người tiêu dùng cũng có thể tránh chọn mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân có chứa vi nhựa. Mua quần áo làm từ vải tự nhiên như cotton, lanh và gai dầu, thay vì từ các vật liệu tổng hợp như acrylic và polyester.
Các thiết bị loại bỏ vi nhựa chuyên dụng, bao gồm bóng giặt, túi giặt và bộ lọc gắn vào máy giặt, được thiết kế để giảm số lượng sợi nhỏ xâm nhập vào đường nước.
Không nên hâm nóng hộp nhựa trong lò vi sóng, ngay cả khi chúng được dùng trong thực phẩm. Không để chai nước bằng nhựa dưới ánh nắng mặt trời.
Ít sống phụ thuộc vào nhựa hơn.
Trước khi mua một thứ gì đó, hãy nghĩ xem bạn có thực sự cần nó không và liệu nó có cần thiết phải là nhựa không.
(Nguồn: Sciencenews, Health, Afro)
Tổ