MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu biến cố kiện tụng, Amazon ra mắt tính năng mới, cố lấy lại những gì đã mất

11-10-2023 - 11:16 AM | Tài chính quốc tế

Động thái như một cách để gã khổng lồ công nghệ cải thiện doanh thu và trải nghiệm mua sắm.

Hậu biến cố kiện tụng, Amazon ra mắt tính năng mới, cố lấy lại những gì đã mất - Ảnh 1.

Amazon vừa thử nghiệm tính năng mới trên ứng dụng nhằm thu hút người dùng quay trở lại mua hàng. Động thái như một cách để gã khổng lồ công nghệ cải thiện doanh thu và trải nghiệm mua sắm.

Cụ thể, công ty tiến hành thử nghiệm nguồn cấp dữ liệu mang tên “Buy Again” (Mua lại), tận dụng lịch sử đặt hàng của người dùng để đưa ra các gợi ý, đề xuất. Amazon, vốn chứng kiến số lượng thành viên Prime tăng trưởng chậm hơn trong những năm gần đây, đang tìm cách thúc đẩy khách hàng chi tiêu thường xuyên hơn. Một tính năng mang tên “Subscribe & Save” (Đăng ký và Lưu) cũng được triển khai để khuyến khích người dùng trở thành thành viên của nền tảng.

Theo các nhà phân tích, sau nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng, số lượt đăng ký thành viên Prime của Amazon đang chậm lại. Khách hàng nhìn chung đều chi tiêu ít hơn.

Công ty nghiên cứu Consumer Intelligence Research Partners cho biết, chi tiêu trung bình hàng năm của các thành viên Prime đã giảm từ khoảng 1.400 USD vào năm 2018 xuống còn 1.100 USD vào năm ngoái. Số tiền chi tiêu của các thành viên hạng thường, không phải Prime cũng giảm trong cùng thời gian, từ trung bình khoảng 600 USD/năm xuống còn 500 USD/năm.

Amazon trước đây đã thử nhiều cách khác nhau để khuyến khích khách hàng đặt lại sản phẩm. Chẳng hạn, trợ lý Alexa sẽ thông báo tới một số tài khoản các tùy chọn đặt hàng tiềm năng dựa trên lịch sử mua sắm. Daniel Buchuk, nhà nghiên cứu tại Watchful Technologies, chuyên phân tích các hoạt động thử nghiệm của Amazon, cho biết, ngoài việc tăng doanh thu từ người dùng hiện tại, việc giúp dịch vụ đăng ký trở nên thú vị, nổi bật hơn có thể là cách hữu hiệu giúp Amazon cải thiện số lượng đơn đặt hàng.

“Trong bối cảnh hiện tại, câu hỏi đặt ra là 'Làm cách nào để tăng doanh thu? Lịch sử mua hàng rất hữu ích. Lượt đăng ký có thể tăng lên. Đó là xu hướng không chỉ đối với Amazon mà còn đối với những công ty khác”, Daniel Buchuk nói.

Không rõ liệu Amazon có cung cấp tính năng mới cho tất cả khách hàng hay không. Đại diện công ty cho biết khách hàng đang “có nhiều sự lựa chọn mua sắm hơn và đó là lý do vì sao Amazon phải không ngừng đổi mới”. Được biết tuần này, Amazon sẽ tổ chức “Prime Big Deal Days” - một trong những sự kiện bán hàng lớn nhất trong năm.

Theo WSJ, khách hàng Amazon trong những năm gần đây không thực sự hài lòng với các trải nghiệm mua sắm. Công ty đang nỗ lực phục hồi sau đà suy thoái của thương mại điện tử, trong khi Giám đốc điều hành Andy Jassy nỗ lực cắt giảm chi phí và tìm kiếm nguồn doanh thu mới.

Quý II/2023, Amazon ghi nhận doanh thu 134,4 tỷ USD, cao hơn 3 tỷ USD so với dự báo của các nhà nghiên cứu thị trường. Dịch vụ web (Amazon Web Service - AWS) đạt doanh thu 22,1 tỷ USD, trong khi doanh thu quảng cáo là 10,7 tỷ USD.

Ngoài ra, thu nhập ròng của Amazon cũng đạt 6,7 tỷ USD trong quý, đảo ngược so với khoản lỗ ròng 2 tỷ USD trong quý II/2022 và vượt qua ước tính 3,6 tỷ USD lợi nhuận của các nhà phân tích Phố Wall. Thành quả vượt trội cho thấy nỗ lực cắt giảm chi phí liên tục của CEO Andy Jassy bắt đầu ‘nảy trái ngọt’.

Được biết hiện Amazon đang phải đối mặt với loạt cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền mà bên nguyên là Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ FTC. Vụ kiện do 17 tổng chưởng lý bang đứng đơn, tiếp nối cuộc điều tra kéo dài 4 năm về hoạt động kinh doanh của Amazon - nền tảng bị cho là đã chủ đích thay thế các kết quả tìm kiếm bằng quảng cáo để hướng đến các thương hiệu của riêng mình thay vì sự lựa chọn có giá thành và chất lượng cạnh tranh hơn.

Theo: WSJ

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên