Hậu Brexit, nhiều hãng hàng không phải bỏ trụ sở tại Anh
Tiến trình đưa Anh “ly dị” với Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) đang cận kề, giữa trăm ngàn mối lo.
Tiến trình đưa Anh “ly dị” với Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) đang cận kề, giữa trăm ngàn mối lo. Ngành Hàng không Anh đối mặt với bài toán khó khi châu Âu yêu cầu các hãng hàng không phải chuyển trụ sở và tăng đa số cổ phần thuộc sở hữu châu Âu nếu không muốn mất quyền khai thác các tuyến bay quan trọng trong khu vực này.
Chuyển về châu Âu hoặc mất tuyến?
Guardian đưa tin độc quyền cho biết, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo các hãng hàng không như: EasyJet và Ryanair rằng, họ cần phải di dời trụ sở hoặc bán hết cổ phần cho các quốc gia châu Âu nếu muốn tiếp tục bay các tuyến châu Âu sau Brexit.
Giám đốc điều hành 5 hãng hàng không lớn tại Anh được nhắc nhở trong cuộc họp riêng, diễn ra gần đây với giới chức châu Âu. Theo đó, có khả năng các hãng hàng không này sẽ phải tái cơ cấu, chuyển trụ sở dẫn đến nhiều hậu quả kinh tế đối với Anh, trong đó có cả việc sẽ mất việc làm.
Động thái mạnh mẽ từ châu Âu có thể kích động Anh dùng các quy định về quốc tịch để đáp trả, khiến các hãng hàng không thuộc sở hữu của EU đứng giữa những “ngã ba đường”. Hệ quả, các hãng này sẽ phải giảm đầu tư tại Anh trong ngắn hạn dù cho họ kịp thời thành lập các chi nhánh riêng tại đây.
Theo Guardian, với các công ty có mạng lưới hàng không rộng khắp EU như EasyJet, khả năng giảm đầu tư tại Anh vốn là một phần trong mô hình kinh doanh của họ. Do đó, các hãng này sẽ không ngần ngại tiếp tục giảm và tăng cường đầu tư bên ngoài Anh nhằm duy trì thị phần.
Hãng hàng không Quốc gia Anh British Airways vốn không phải là hãng bay nội địa châu Âu. Tuy nhiên, công ty mẹ của British Airways là IAG có khả năng phải giảm đầu tư tại Anh để trở thành công ty có cổ phần chủ yếu tại châu Âu. Từ đó, IAG có thể cho phép các hãng hàng không đăng ký tại châu Âu khác tiếp tục hoạt động tại khu vực này.
Người phát ngôn IAG cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định về kiểm soát và quyền sở hữu liên quan”.
Chuyên gia hàng không đến từ Công ty Luật Clyde & Co, ông Thomas van der Wijngaart cho biết, nếu các hãng hàng không thay đổi cấu trúc tài chính, hoạt động và xây dựng sự hiện diện mạnh mẽ hơn tại châu Âu, Anh sẽ đối mặt với hậu quả kinh tế đáng kể.
“Có lẽ, các hãng hàng không buộc phải chọn cách mở các chuyến bay nội địa trong khu vực châu Âu, hoạt động theo giấy phép mới do liên minh này cấp. Do đó, họ phải giảm lượng nhân viên tại Anh”, ông cảnh báo.
Rục rịch chuyển hướng cơ cấu
Nhiều hãng hàng không đã bắt đầu tìm kiếm trụ sở thay thế và xem lại cách thức để có thể đảm bảo phần lớn cổ phần của họ thuộc sở hữu ở châu Âu. Dĩ nhiên, họ buộc phải giảm đầu tư tại Anh.
EasyJet đang thành lập một công ty hoạt động tại châu Âu, để có thể xin được giấy phép hoạt động hàng không của EU và dự kiến ra thông báo trong vài tuần tới. Nhưng, công ty này khẳng định, họ sẽ tiếp tục duy trì trụ sở tại Anh.
Ngoài ra, EasyJet hiện có 84% cổ phần thuộc sở hữu của các nhà đầu tư đến từ châu Âu nhưng sau Brexit, con số này sẽ giảm xuống 49% vì hai nhà sáng lập Stelios Haji-Ioannou có hai quốc tịch Anh - Cộng hòa Síp và nay được xếp vào “hạng mục thuộc Anh”.
Còn Hãng Hàng không Ryanair có trụ sở tại Ireland, sẽ không phải di dời trụ sở. Nhưng có thông tin, 60% cổ phần của hãng thuộc sở hữu của các nhà đầu tư châu Âu. Sau Brexit, nếu loại bỏ cổ phần của các nhà đầu tư Anh, số cổ phần này sẽ chỉ còn 40%. Do đó, điều quan trọng với Ryanair lúc này là tăng cổ phần của các nhà đầu tư EU để đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, nhiều hãng hàng không khác vẫn hy vọng Ủy ban châu Âu áp dụng quy định trong thỏa thuận hàng không hiện nay một cách linh động. Song, trong cuộc họp, giới chức EU tuyên bố rõ ràng, sự việc sẽ không được xử lý một cách mềm dẻo.
Về phía mình, Anh cũng khá cứng rắn trong tiến trình thỏa thuận Brexit. Hiện nay, Anh là một thành viên trong thỏa thuận hàng không, được quản lý dưới cùng một nhà điều hành tại Cơ quan An toàn hàng không châu Âu, một tòa án đóng vai trò trọng tài phân xử dựa trên các quy định chung và tòa án hành pháp EU (ECJ).
Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh, ông David Davis khẳng định: “Sau Brexit, không có chuyện Anh tiếp tục là một thành viên trong các thỏa thuận bầu trời mở với châu Âu”. Đồng thời, Thủ tướng Anh Theresa May muốn rút Anh ra khỏi ECJ - cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc phân xử xung đột giữa các bên về thỏa thuận Brexit, khiến bất đồng giữa hai bên càng gia tăng.
Dù sao, người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết: “Rõ ràng, cả hai bên (Chính phủ Anh và EU đều có lợi ích khi đàm phán để duy trì các thị trường hàng không hội nhập chặt chẽ. Ngành Hàng không Anh đang đứng ở vị trí lớn nhất châu Âu, đón 250 triệu lượt khách và 2,3 triệu tấn hàng trong năm 2016 vừa qua, mang lại lợi ích cho khách hàng và việc kinh doanh tại EU và Anh”.
“Vương quốc Anh vốn đã hợp tác sâu rộng với ngành Hàng không và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hiểu rõ hơn mọi rủi ro, cơ hội trước mắt để tiếp tục mang đến thành công lớn cho nền kinh tế Anh”, người phát ngôn Chính phủ Anh khẳng định.
Báo Giao thông