“Hậu” đổi tiền, lạm phát ở Venezuela vẫn tăng chóng mặt
Giới quan sát dự báo lạm phát của Venezuela sẽ tiếp tục tăng vượt tầm kiểm soát...
- 22-10-2018Đòn trả thù kinh hoàng của Coca-Cola: Thâu tóm 18 nhà máy đóng chai Pepsi, sơn đỏ 4.000 xe chở hàng và hàng chục ngàn điểm phân phối, “xóa sổ” Pepsi khỏi Venezuela chỉ trong 1 ngày
- 20-09-2018Venezuela nhận 5 tỉ USD từ Trung Quốc để cứu nền kinh tế
- 01-09-2018Bí ẩn bao trùm tiền ảo Venezuela
Nỗ lực gần đây nhất của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nhằm chặn tốc độ lạm phát "kinh hoàng" ở quốc gia Nam Mỹ này có vẻ như đang thất bại, ít nhất là theo những gì một chỉ số cho thấy.
Bloomberg Café Con Leche Index, một chỉ số đo lạm phát ở Venezuela thông qua giá một cốc cà phê tại một cửa hiệu ở thủ đô Caracas, cho thấy tốc độ lạm phát hàng năm ở nước này hiện là 149.900%, bất chấp việc đổi tiền.
Con số lạm phát trên được ghi nhận sau khi Chính phủ Venezuela vào tháng 8 vừa qua tiến hành một đợt đổi tiền, theo đó phát hành một đồng tiền mới có tên "Bolivar chủ quyền". Mỗi Bolivar chủ quyền có trị giá tương đương 100.000 đồng Bolivar cũ - đồng nghĩa với việc xóa 5 chữ số 0 trên đồng tiền cũ.
Mục đích của việc đổi tiền này là bình thường hóa các giao dịch hàng ngày sau nhiều năm người dân Venezuela vật lộn với siêu lạm phát. Đồng tiền mới của Venezuela được neo buộc vào đồng Petro, một đồng tiền kỹ thuật số do Chính phủ Venezuela phát hành mà nhiều chuyên gia nước ngoài cho là thực chất không có giá trị gì.
Về lý thuyết, một cốc cà phê ở Caracas có giá 2,5 triệu Bolivar trước đổi tiền, thì sau đổi tiền, giá cà phê sẽ có giá là 25 Bolivar.
Trong thời gian đầu sau đổi tiền, đồng Bolivar chủ quyền giữ tỷ giá trong khoảng 95-115 Bolivar đổi 1 USD. Tuy nhiên, sự ổn định đó đang ngày càng suy giảm. Hôm thứ Hai, tỷ giá đồng nội tệ của Venezuela đã sụt về mức gần 277 Bolivar tương đương 1 USD - hãng tin CNBC dẫn dữ liệu từ Monitor Dolar cho hay.
Siêu lạm phát ở Venezuela diễn ra trong bối cảnh quốc gia sở hữu trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới đương đầu với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Sự lao dốc của nền kinh tế kết hợp với mức lạm phát "khủng" đã đẩy Venezuela vào tình trạng khan hiếm nghiêm trọng thực phẩm, thuốc men và các hàng hóa cơ bản khác.
Gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela, theo đó áp trừng phạt lên hàng chục cá nhân có liên quan đến chính quyền ông Maduro, bao gồm đệ nhất phu nhân nước này Cilia Flores. Hồi tháng 9, Bộ Tài chính Mỹ còn tịch thu một máy bay tư nhân trị giá 20 triệu USD thuộc về Diosdado Cabello, Phó chủ tịch Đảng Xã hội Venezuela.
Giới quan sát dự báo lạm phát của Venezuela sẽ tiếp tục tăng vượt tầm kiểm soát. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 6 cho rằng lạm phát ở Venezuela sẽ đạt mức 1 triệu phần trăm trong năm nay, nhấn mạnh rằng nước này "đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội sâu sắc".
Trong báo cáo cập nhật vào tháng trước, IMF dự báo lạm phát ở Venezuela sẽ lên tới mức 10 triệu phần trăm vào năm 2019.
Siêu lạm phát ở Venezuela được giới chuyên gia kinh tế cho là kết quả của tình trạng thâm hụt ngân sách chính phủ nghiêm trọng và ngân hàng trung ương nước này ồ ạt in tiền. Trong khi đó, ông Maduro cho rằng những khó khăn kinh tế mà Venezuela đang phải đương đầu là do một cuộc chiến tranh kinh tế do các thế lực thù địch bên ngoài nhằm vào nước này.
Giá cả tăng từng ngày, thậm chí từng giờ khiến nhiều nhà hàng và siêu thị ở nước này không còn niêm yết giá trên thực đơn hay hàng hóa nữa, mà thay vào đó sẽ báo giá khi nào khách hàng hỏi. Nhiều dịch vụ như thăm khám nha sỹ, thẻ tập gym… đã được tính giá bằng USD thay vì Bolivar.
VnEconomy