MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ chế tác đồng hồ độc lập cuối cùng trên thế giới: “Với Patek Philippe, vấn đề không phải là doanh thu và lợi nhuận"

12-10-2019 - 23:28 PM | Sống

Kế thừa sản nghiệp trăm năm của thương hiệu đồng hồ sở hữu gia đình độc lập cuối cùng của Geneva - Patek Philippe, Thierry Stern chia sẻ với phóng viên báo Trí Thức Trẻ bên thềm triển lãm nghệ thuật đồng hồ 2019 tại Singapore rằng, ông chỉ là người canh giữ, phải làm tốt để thế hệ sau có thể kế thừa.

Hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ chế tác đồng hồ độc lập cuối cùng trên thế giới: “Với Patek Philippe, vấn đề không phải là doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 1.

- Cách đây đúng một thập kỷ, ông nối nghiệp cha mình trở thành Chủ tịch Patek Philippe. Cha ông - ngài Philippe Stern – người đánh dấu sự chuyển mình của thương hiệu có ảnh hưởng ra sao tới niềm đam mê, sự lựa chọn của ông?

- Ông ấy không thực sự tác động tới tôi và cũng chưa từng thúc ép tôi kinh doanh. Cha tôi luôn nói rằng: "Đó là lựa chọn của con. Ta sẽ chỉ dạy nếu con hỏi nhưng sẽ không ép con phải tuân theo".

Văn hóa châu Á và châu Âu có sự khác biệt lớn. Ở châu Á, nếu gia đình kinh doanh, bạn không có lựa chọn nào ngoài việc tiếp quản. Rất khó để nói: "Xin lỗi, nhưng con muốn làm thứ khác". 

Ở châu Âu, điều đó cũng không dễ dàng nhưng không quá khắc nghiệt. Cha khiến tôi hiểu rằng: "Con chỉ có một cuộc đời để sống, hãy chọn những gì con nghĩ là tốt cho mình và con sẽ vui vì điều đó".

Đó là lý do tại sao cha không thực sự tác động tới tôi. Ông ấy đưa tôi đi dự sự kiện nhưng là vì tôi thích chúng. Đối với ông, đó không phải là điều gì khó khăn bởi tôi là người xin đi cùng.

Hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ chế tác đồng hồ độc lập cuối cùng trên thế giới: “Với Patek Philippe, vấn đề không phải là doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 2.

- Cá nhân ông truyền nhiệt huyết và sự đam mê của bản thân và dòng tộc cho các thế hệ sau thế nào?

- Từ bé, khi tôi nói: "Con muốn làm đồng hồ", cha tôi luôn bảo: "Con vẫn còn thời gian. Cứ học đi, đi vòng quanh thế giới đi, rồi chúng ta sẽ bàn lại chuyện này". 

Và tôi chẳng bao giờ ngừng bảo ông: "Con muốn làm đồng hồ". 

Tôi luôn là người hối thúc ông. Các con trai của tôi chưa từng thúc giục nhiều đến thế. Tôi vẫn nói với chúng: "Cứ học hành đi, rồi chúng ta sẽ xem xét. Nhưng các con không có nghĩa vụ phải gánh vác Patek Philippe. Cha không quan tâm điều đó. Cha quan tâm tới các con và hạnh phúc của các con". 

Thực tế, việc kế thừa không dễ dàng chút nào.

Tôi biết cảm giác ở trong một công ty gia đình, nơi mọi người nhìn bạn và nói: "Cậu sẽ tiếp quản cơ nghiệp của gia đình chứ?". Thử tưởng tượng đó mới chỉ là một đứa trẻ mới 14 tuổi nhưng đã phải gánh vác trọng trách lớn thế nào trên vai, cảm giác sẽ thế nào?

Đó là lý do tại sao tôi thấy những người bạn châu Á của mình không mấy khi vui vẻ. Họ bảo: "Tôi phải tiếp quản cơ nghiệp của gia đình nhưng chẳng có tí đam mê nào. Tôi không có động lực". Làm như vậy, bạn không chỉ hủy hoại cuộc đời của con cái, mà còn hủy hoại cả công ty.

Tôi có con không phải để tiếp quản Patek Philippe, tôi có con vì tình yêu. Tôi bảo với chúng rằng: "Nếu các con muốn làm bác sĩ, hãy trở thành bác sĩ, một bác sĩ thật giỏi".

Hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ chế tác đồng hồ độc lập cuối cùng trên thế giới: “Với Patek Philippe, vấn đề không phải là doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 3.

- Kế thừa sản nghiệp có lịch sử hàng trăm năm của gia đình vì tình yêu mãnh liệt với đồng hồ, điều gì làm ông trăn trở và cảm thấy khó khăn mỗi ngày?

- Đó là làm việc thật tốt. Điều ấy thực sự rất khó bởi tôi đã ở trong lĩnh vực kinh doanh rất lâu rồi. Một khi ở quá lâu trong ngành, sẽ có những thứ bạn không thể nhìn thấy.

Tôi đã học được 2 điều, một là phải biết thực tế, hai là đừng để cái tôi quá cao. Tôi đã gặp nhiều người có cái tôi quá cao và phải nói với họ rằng: "Tôi chưa bao giờ thấy ai thông minh hơn vì không cười".

Hãy khiêm nhường và thực tế.

Bạn phải chấp nhận sự thật rằng không phải cứ thông minh bẩm sinh là làm chủ được thương hiệu lớn như thế này. Chỉ là tôi may mắn được trở thành một phần của gia đình này. Vì thế, phải biết sử dụng những kỹ năng mà bản thân có.

Đối với những điểm yếu, bạn phải chấp nhận thực tế và tiếp xúc với những người tài giỏi hơn mình. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người thừa kế không chấp nhận điều đó. "Tôi là thế hệ kế tiếp, tôi phải biết mọi thứ". Nhưng điều đó là bất khả thi.

Ngày nay, kinh doanh là lĩnh vực quá rộng lớn, tôi không thể là chuyên gia trên mọi lĩnh vực. Ví dụ, tôi thích khía cạnh sáng tạo, chế tác bộ máy hay thương mại và không thích tài chính lắm nhưng vẫn phải làm. Do đó, tôi phải tuyển những người cực kỳ tài giỏi để giúp mình trong lĩnh vực nhân sự.

Nhân sự là một cơn ác mộng!

Chúng tôi may mắn được trợ giúp bởi những người có năng lực và kinh nghiệm. Tất cả các đội ngũ của Patek Philippe ở đây, bạn có thể thấy họ rất chuyên nghiệp. Chúng tôi rất hạnh phúc khi được làm việc cùng nhau dù điều đó không hề dễ dàng. Hầu hết họ đều có thâm niên làm việc lâu hơn tôi. Tôi chỉ là kẻ đến sau trong cả lịch sử dài ấy, vậy nên tôi phải tôn trọng điều này. Đó là tinh thần làm việc nhóm. Chừng nào bạn hiểu được điều đó, tôi nghĩ bạn sẽ thành công.

Hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ chế tác đồng hồ độc lập cuối cùng trên thế giới: “Với Patek Philippe, vấn đề không phải là doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 4.

- Sau triển lãm tại Dubai 2012, Munich 2013, London 2015 và New York 2017, Singapore vừa là điểm đến tiếp theo để tổ chức triển lãm 2019. Đây còn là triển lãm đồng hồ lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Vì sao ông quyết định chọn Singapore?

- Thứ nhất, đơn giản là vì họ có không gian tổ chức rộng rãi nhất. Việc tìm ra không gian đủ rộng cho sự kiện như thế này thật không dễ chút nào.

Thứ hai, Singapore là trung tâm của toàn bộ khu vực Đông Nam Á, là thành phố hấp dẫn và là thị trường rất mạnh. Chúng tôi có rất nhiều khách hàng ở đây và dễ dàng quản lý sự kiện thông qua văn phòng ở nơi này.

Khi tổ chức sự kiện tầm cỡ thế giới, chúng tôi cần đến rất nhiều người. Vì có rất nhiều công việc phải hoàn thành nên việc chuẩn bị đã tốn đến 3 năm.

Hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ chế tác đồng hồ độc lập cuối cùng trên thế giới: “Với Patek Philippe, vấn đề không phải là doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 5.

- Ông đánh giá thế nào về thị trường châu Á hiện nay?

- Đó luôn là thị trường tiềm năng. Tôi nghĩ châu Á sẽ phát triển hơn nữa. Nhiệm vụ của tôi là duy trì sự cân bằng, bởi tôi không muốn tập trung vào một thị trường duy nhất. Ngày hôm nay, châu Á là thị trường mạnh, nhưng ngày mai thì sao? Nếu mọi thứ sụp đổ, tôi buộc phải lớn mạnh hơn ở các thị trường khác.

Cha tôi kể rằng, chúng tôi từng đối mặt với khó khăn vì thị trường sụt giảm. Khi điều đó xảy ra, bạn sẽ muốn trở nên mạnh mẽ hơn ở mọi thứ, nếu không tất cả sẽ chấm dứt. Vì thế, tôi không muốn chỉ tập trung vào thị trường này.

Tôi biết châu Á rất lớn nhưng châu Âu cũng lớn, Trung Đông cũng lớn, Châu Mỹ cũng lớn. Tôi đã thấy nhiều hãng dồn hết tất cả về nơi đây và cũng hiểu vì sao họ làm vậy. Người đứng đầu công ty có thể điều hành trong 5 năm, với nhiệm vụ là kiếm tiềm, làm hài lòng các cổ đông – đó là điều bình thường và tôi tôn trọng điều đó.

Nhưng tôi buộc phải nhìn về tương lai vì muốn Patek Philippe tiếp tục tồn tại và phát triển đến thế hệ sau này của gia đình. Đó mới là cách mà chúng tôi thực hiện. Điều này không hề dễ, bởi chúng tôi đâu thể thỏa mãn toàn bộ thị trường. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng cũng không cho phép chúng tôi sản xuất nhiều hơn nữa.

- Đó có phải là lý do ông đưa triển lãm này ra toàn cầu?

- Đúng vậy. Tôi nghĩ thị trường nào cũng quan trọng. Và từng khách hàng đều quan trọng đối với Patek Philippe. Bạn có thể có 500 chiếc đồng hồ Patek Philippe tuyệt đẹp hoặc bạn chỉ có 1 chiếc duy nhất, chúng tôi vẫn sẽ có sự tôn trọng như nhau dành cho bạn.

Có những người may mắn, làm việc chăm chỉ để mua được 500 chiếc. Nhưng điều đó không có nghĩa là người chỉ mua 1 chiếc không đam mê bằng những người còn lại. Đó là điều bạn cần trân trọng.

Hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ chế tác đồng hồ độc lập cuối cùng trên thế giới: “Với Patek Philippe, vấn đề không phải là doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 6.

- Ông từng nhận định dù nhiều thị trường rất lớn, tiềm năng nhưng Patek Phillipe cũng không có dư đồng hồ để đem sang bán. Phải mất tới 40 năm hiện diện ở khu vực, hãng mới mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về thị trường này?

- Việt Nam là thị trường đã lớn mạnh và sẽ còn lớn mạnh hơn nữa trong tương lai. Khi mở cửa hàng tại đó, tôi thấy có rất nhiều người có đam mê đồng hồ và rất vui vì những vị khách mà tôi phục vụ hướng tới những chiếc đồng hồ tuyệt đẹp, không chỉ tinh xảo mà còn là đồ thủ công hiếm có. 

Chắc chắn nhu cầu sẽ tăng cao, kéo theo yêu cầu về việc sản xuất. Tôi sẽ phải biến nó thành hiện thực. Mỗi năm, chúng tôi sản xuất ra 62.000 chiếc đồng hồ trên toàn thế giới. Vì thế, rất khó để phân phối sản phẩm.

Tôi tin vào niềm đam mê của giới mộ điệu nơi này. Tôi đã đến Việt Nam và thấy được điều đó. Giờ đây, chúng tôi đã có một cửa hàng nằm trong khách sạn Metropole. Chắc chắn, đó không phải là cửa hàng duy nhất. Nhưng chúng tôi sẽ đi từng bước bởi không muốn mọi thứ quá nhanh. Tôi muốn làm tuần tự bởi bản thân có thời gian. 

Tôi nghĩ đó cũng là điều mọi người kỳ vọng ở Patek Philippe, rằng chúng tôi sẽ làm đúng đắn, thay vì gấp gáp.

Hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ chế tác đồng hồ độc lập cuối cùng trên thế giới: “Với Patek Philippe, vấn đề không phải là doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 7.

- Với những thị trường mới và non trẻ hơn, các ông có cách tiếp cận thế nào?

- Tôi nghĩ là nhờ sự cải tiến. Bạn phải có khả năng tạo ra sản phẩm mới để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, không được bỏ quên sở thích của khách hàng lớn tuổi. Không ai muốn trông già đi cả.

Chúng tôi sáng tạo mẫu đồng hồ mới – Aquanaut – vốn được thiết kế dành riêng cho những người mới chơi, người trẻ. Nhưng không ai trong số họ có thể sở hữu chúng trong 2 năm. Tại sao ư? Vì nhà sưu tầm nào cũng nói: "Tôi cũng muốn một cái để đeo vào cuối tuần". Điều này gây khó khăn bởi tôi sẽ nói: "Không, cái này chỉ dành cho người trẻ".

Điều cần làm là sáng tạo ra sản phẩm mới và cải tiến. Bạn phải xem xét màu sắc, bộ máy hay kích cỡ, rất nhiều việc. Bạn cần phải cẩn thận sao cho sản phẩm không quá thời trang, bởi thời trang chỉ kéo dài trong 1 năm hoặc 6 tháng rồi hết. Tôi muốn đồng hồ của mình phải tồn tại lâu hơn.

Chiếc Nautilus là ví dụ điển hình khi có tuổi đời hơn 40 năm và vẫn được săn đón trên thị trường. Làm sao để sáng tạo mà không khiến sản phẩm thời trang đến mức biến mất mới là điều tôi muốn. Điều này không dễ dàng chút nào. Bản thân tôi đã phải học hỏi mất nhiều năm.

Hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ chế tác đồng hồ độc lập cuối cùng trên thế giới: “Với Patek Philippe, vấn đề không phải là doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 8.

- Hãng có chiến lược thế nào về chất liệu để tạo nên những chiếc đồng hồ siêu phẩm?

- Chiến lược của chúng tôi là sử dụng chất liệu để cải thiện độ chính xác và hoàn thiện của bộ máy. Chúng tôi không sẵn lòng sử dụng chất liệu mới cho vỏ đồng hồ hoặc dây đeo. 

Đối với bộ máy, nếu tìm được những chất liệu mới có thể cải thiện độ chính xác, tôi sẽ sử dụng. Chẳng hạn như silicon, chúng tôi dùng bên trong bộ máy và tạo ra những bộ phận tuyệt đẹp. Với chất liệu thường, chúng tôi không thể tạo ra kiệt tác như vậy. Đó chính là tinh thần chính của Patek Philippe.

- Đâu là thách thức của hãng khi là dòng họ chế tác đồng hồ độc lập cuối cùng còn tồn tại?

- Thách thức nằm ở chỗ, bạn phải trở nên độc lập. Tôi nghĩ đó là điều rất quan trọng hiện nay. Bởi nó cho phép chúng tôi được làm bất cứ điều gì chúng tôi tin là đúng để tạo ra chiếc đồng hồ đích thực.

Nếu ở trong một hội nhóm, họ sẽ chỉ hối thúc tôi kiếm tiền, mà tôi lại không muốn thế. Đó không phải là điều mà tôi tin tưởng. Có một chút cổ phần thì mọi người đều rất hạnh phúc. Nhưng với Patek Phillipe, vấn đề không phải là doanh thu và lợi nhuận. Vấn đề là tạo ra những tuyệt tác đồng hồ. Những chiếc đồng hồ mà tôi làm ra vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cho tới tận 20-50 năm sau. Đó cũng là thách thức.

Ngoài ra, chúng tôi phải sản xuất được độc lập. Hầu hết các thương hiệu khác đều cố kinh doanh theo chiều dọc, có nghĩa là họ mua từ rất nhiều nhà cung cấp. Nhưng với Patek Phillipe, chúng tôi phải chuẩn bị sẵn mọi thứ để chế tác. 

Nếu chúng tôi làm việc với nhiều nhà cung cấp khác, cánh cửa cơ hội sẽ bị đóng lại. Vì thế, việc chúng tôi có thể sản xuất khép kín là rất quan trọng. Đó là điều mà tôi nghĩ đã giúp hãng chúng tôi làm tốt hơn các thương hiệu khác.

Hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ chế tác đồng hồ độc lập cuối cùng trên thế giới: “Với Patek Philippe, vấn đề không phải là doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 9.

- Sau tất cả những nỗ lực đó, với vai trò là hậu duệ đời thứ 4 của nhà Stern, ông muốn để lại di sản gì cho Patek Philippe?

- Tôi không phải là người sáng lập ra Patek Philippe, cũng không phải người sẽ kết thúc nó. Tôi chỉ là "người canh giữ". 

Việc của tôi là phải làm tốt, để thế hệ sau có thể kế thừa, để mọi người được vui vẻ, để việc kinh doanh được trơn tru, thông tin được giữ gìn.

Ngày nay, việc khó nhất là phân loại thông tin. Với email và máy tính, bạn có thể lưu trữ hàng trăm, hàng nghìn email hoặc dữ liệu trên 1 máy tính hoặc nhiều máy tính. Chúng có hữu ích không? Bạn có đọc nó sau này không? Không, đó là điều không thể. Vì thế, tôi tự hỏi bản thân: "Mình nên giữ gìn thứ gì cho thế hệ mai sau có thể sử dụng?".

Tôi không muốn mọi người nhớ tới mình, mà nhớ tới Patek Philippe. Đó là cách tôi nhìn mọi thứ. Có lẽ tôi không có cái tôi lớn và chỉ làm theo những gì mình tin là đúng, rồi tận hưởng chúng.

Cảm ơn ông!

Hồng Đăng
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Hồng Đăng

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên