MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu “giải cứu”, diện tích chuối ở Đồng Nai tiếp tục tăng bất chấp rủi ro

11-11-2017 - 18:50 PM | Thị trường

Diện tích trồng chuối tăng đã phá vỡ quy hoạch, giá chuối giảm sâu dẫn đến “chiến dịch giải cứu chuối” mới diễn ra đầu năm nay ở Đồng Nai.

Những tưởng nông dân sẽ cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn cây trồng phát triển kinh tế, nhưng bất ngờ, diện tích trồng chuối không những không giảm mà còn tăng lên, đi kèm với những kỳ vọng khá mơ hồ của những người nông dân.

Diện tích chuối già cấy mô ở Trảng Bom tiếp tục tăng

Diện tích chuối già cấy mô ở Trảng Bom tiếp tục tăng

Chặt tiêu, trồng chuối

Các xã Cây Gáo, Thanh Bình là vùng chuyên canh cây chuối tập trung lớn nhất của huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Đây cũng là nơi mà đầu năm nay, nhiều nông dân “khóc ròng” khi chuối không bán được, phải đổ cho bò, cho dê ăn.

Phóng viên trở lại đây sau một vụ chuối bết bát, vẫn là những rẫy chuối bạt ngàn, chủ yếu là giống chuối già cấy mô dành cho xuất khẩu. Ở vùng này, cây chuối và cây hồ tiêu là 2 cây trồng chủ lực.

Ông Hồ Thềnh Chi (ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo) vừa phá bỏ 2 mẫu hồ tiêu già, năng suất thấp. Nhưng thay vì đầu tư lứa tiêu mới, ông thay thế bằng 2 mẫu chuối già cấy mô.

Theo ông Chi, cây chuối có nhiều lợi thế hơn so với cây tiêu như chi phí đầu tư thấp, thời gian cho thu hoạch ngắn, rủi ro sâu bệnh, công chăm sóc cũng ít hơn.

Nên nếu may mắn, chuối được giá thì cũng “có ăn”, do đó ông chọn cây chuối dù không chắc chắn giá cả năm nay sẽ thế nào.

 Ông Hồ Thềnh Chi vừa thay thế 2 mẫu tiêu bằng 2 mẫu chuối

Ông Hồ Thềnh Chi vừa thay thế 2 mẫu tiêu bằng 2 mẫu chuối

Tình trạng chặt tiêu, trồng chuối mở rộng diện tích diễn ra khá phổ biến tại huyện Trảng Bom khiến diện tích trồng chuối ở địa phương này tiếp tục tăng lên.

So với năm trước, chỉ riêng xã Cây Gáo diện tích chuối tăng thêm khoảng 10 ha, xã Thanh Bình thậm chí tăng thêm hơn 40ha. Tính chung cả huyện Trảng Bom, diện tích chuối năm nay đạt 414 ha, tăng 132 ha so với cùng thời gian này năm trước.

UBND huyện Trảng Bom cho hay, huyện đã tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không tăng diện tích chuối nhằm tránh tình trạng không tiêu thụ được do cung vượt quá cầu. Nhưng thực tế là diện tích chuối vẫn tăng.

Mơ hồ đầu ra, mạnh ai nấy làm

Chuối già cấy mô thu hoạch rộ vào thời điểm sau tết âm lịch khoảng 20 ngày và kéo dài trong 2 đến 3 tháng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của giống chuối này là Trung Quốc thông qua thương lái.

Sở dĩ vụ chuối đầu năm 2017 vừa rồi nông dân thua lỗ nặng do chuối đồng loạt đến kỳ thu hoạch, nhưng thị trường Trung Quốc lại đột ngột ngừng mua, hoặc mua một cách nhỏ giọt khiến chuối bị ứ đọng không thể tiêu thụ. Còn thị trường trong nước không mấy ưa chuộng giống chuối này.

Bài học xương máu vẫn còn nguyên do nông dân phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc và các thương lái. Thế nhưng thay vì cẩn trọng giữ hoặc giảm diện tích, tìm đầu ra ổn định thì nông dân bất chấp rủi ro lại cố gắng mở rộng diện tích trồng chuối dù không có gì đảm bảo năm nay thị trường chuối sẽ sôi động hay không.

Ông Trần Văn Pháp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom tỏ ra lo lắng khi năm ngoái phải nhờ các doanh nghiệp cứu chuối mà năm nay lại tăng diện tích trồng chuối trong khi vẫn chưa có đầu ra.

 Nông dân tăng diện tích trồng chuối bất chấp rủi ro

Nông dân tăng diện tích trồng chuối bất chấp rủi ro

Dù được coi là vùng chuyên canh cây chuối lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, song tình trạng chung hiện nay của nông dân trồng chuối ở Trảng Bom vẫn là mạnh ai nấy làm, không theo một quy trình, quy chuẩn thống nhất.

Ông Nguyễn Đức Quang, Phó chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng chuối xã Thanh Bình nhận định, cây chuối Đồng Nai có nhiều lợi thế, nhưng chính việc canh tác theo kiểu mạnh ai nấy làm đã khiến lợi thế cây chuối Đồng Nai không được phát huy.

Theo ông Quang, để quả chuối có triển vọng xuất khẩu với giá trị cao hơn thì vấn đề mấu chốt là phải tìm được tiếng nói chung giữa những người trồng chuối.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài tìm đến đặt vấn đề hợp tác thu mua chuối xuất khẩu với nông dân, nhưng đa số người trồng chuối từ chối bởi họ kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc vốn được giá lại không đòi hỏi nhiều về quy chuẩn, kỹ thuật. Còn các thị trường khác đòi hỏi nhiều quy trình phức tạp nên nông dân “ngại” không muốn tham gia.

Nhìn sang những địa phương khác như tỉnh Long An thời gian vừa qua đã xuất khẩu thành công quả chuối sang các thị trường khó tính nhờ trồng chuối công nghệ cao, mới thấy những rủi ro mà nông dân tỉnh Đồng Nai phải đối mặt nếu tiếp tục canh tác theo kiểu "mạnh ai nấy làm" như hiện nay./.

Theo Xuân Lượng

VOV

Trở lên trên