MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hầu hết các nhà chiến lược đều dự báo sai về thị trường tài chính Trung Quốc?

29-04-2018 - 19:04 PM | Tài chính quốc tế

Vào cuối năm 2017, đa phần các nhà chiến lược am hiểu thị trường Trung Quốc đều dự báo rằng trong năm 2018 các chỉ số chứng khoán chính ở Đại lục sẽ tăng điểm, trong khi giá trái phiếu giảm xuống và đồng Nhân dân tệ yếu đi, nhưng tới nay họ đã "việt vị".

Dù vậy, những ai bán khống (sell short) chứng khoán Trung Quốc, đặt cược (go long) vào việc đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ mạnh lên và tăng mua nợ chính phủ Trung Quốc (trái phiếu chính phủ - TPCP và các loại tài sản tương đương) bất ngờ thắng lớn vào năm 2018.

Thị trường tài chính Trung Quốc đã đẩy các nhà chiến lược rơi vào thế “việt vị” trong năm nay, nơi mà các biến động hết sức khó lường khiến Trung Quốc vừa có cả tài sản hoạt động tốt nhất và tệ nhất thế giới cùng lúc. Chỉ số Shanghai Composite hiện giảm gần 8% về khoảng 3.082 điểm so với mức 3.348 điểm vào đầu năm, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm từ mức hơn 4% vào nửa cuối tháng 1/2018 (thời điểm xảy ra đợt bán tháo TPCP Trung Quốc) xuống chỉ còn 3,67%, và đồng NDT đã mạnh lên nhiều hơn so với dự báo của hầu hết các nhà phân tích.

Hầu hết các nhà chiến lược đều dự báo sai về thị trường tài chính Trung Quốc? - Ảnh 1.

Biểu đồ biến động của các loại tài sản ở Trung Quốc kể từ đầu năm 2018 tới nay.

I. Màu trắng là đồng NDT ở đại lục CNY (Trung Quốc có 2 loại đồng NDT. 1 là CNY giao dịch ở Đại lục. 2 là đồng CNH, giao dịch ở nước ngoài, chủ yếu là tại Hong Kong). Từ đầu năm tới nay, CNY vẫn tiếp tục mạnh lên so với đồng USD.

II. Màu tím là giá trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm, giá của loại tài sản này đã liên tục tăng kể từ đầu năm.

III. Màu xanh dương là chỉ số chứng khoán Thượng Hải, Shanghai Composite Index, chỉ số này giảm đều kể từ đầu năm.

Lo ngại rằng xung đột thương mại với Mỹ sẽ làm tổn hại nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang chậm lại, khiến giới đầu tư đổ xô tới các tài sản an toàn và bán tháo cổ phiếu vốn có mức định giá ngất ngưởng từ cuối tháng 1. Rủi ro lạm phát giảm xuống và số liệu tệ kinh tế tệ hơn dự báo đã biến trái phiếu trở thành một tài sản trú ẩn, chứng minh sự đúng đắn của những người giao dịch ngược xu hướng (contrarian) như Jean-Charles Sambor, người đã đưa ra quan điểm lạc quan (bullish) về thị trường nợ của Trung Quốc kể từ khi lợi suất đạt đỉnh điểm [giá trái phiếu xuống mức thấp nhất]vào tháng 11 năm ngoái.

Sambor, người quản lý các tài sản nợ trị giá 3,7 tỷ USD của BNP Paribas Asset Management cho biết: "Các nhà đầu tư đã có những bước đi sai lầm trên thị trường Trung Quốc khi kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ [điều khiến cổ phiếu tăng giá], áp lực lạm phát tăng lên và sự mạnh tay trong quá trình giảm đòn bẩy và khả năng thắt chặt tiền tệ [điều khiến lợi suất trái phiếu tăng lên và giá trái phiếu giảm xuống]. Rõ ràng, những kỳ vọng trên đều không diễn ra như mong đợi".

Và trong khi các nhà đầu tư cổ phiếu hoan nghênh các dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc sẵn sàng giảm bớt chiến dịch thắt chặt tín dụng và đòn bẩy, thì cổ phiếu đã mất đi hầu hết đà tăng trong năm 2018, thậm chí chỉ số Shanghai Composite còn giảm so với năm 2017. Đồng NDT không cách quá xa so với mức đỉnh kể từ khi Trung Quốc bắt đầu phá giá đồng nội tệ của mình vào năm 2015, ngay cả vào hôm 25/4 khi các nhà hoạch định chính sách cho phép nới lỏng dòng vốn chảy ra khỏi Đại lục. Và mặc dù lợi suất Trái phiếu chính phủ Trung Quốc kì hạn 10 năm đã tăng lên trong tuần này [lợi suất tăng thì trái phiếu giảm giá], thì nó vẫn đang hướng đến mức giảm hàng tháng lớn nhất trong gần 2 năm [nghĩa là TPCP Trung Quốc có tháng tăng giá mạnh nhất trong vòng 2 năm].

Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa tăng 0,2% hôm 27/4, sau khi giảm 0,8% trong phiên giao dịch trước đó.

Đặt cược một chiều là điều mà chúng ta thường thấy ở Trung Quốc, đặc biệt là với thói quen đầu tư bầy đàn, đầu tư theo đám đông, tăng nhanh giảm nhanh. Đối với các nhà đầu tư dài hạn và chấp nhận mức độ rủi ro cao, việc bỏ ngoài tai những biến động cổ phiếu bất thường như vậy là một thách thức đã trở nên quá quen thuộc.

Howard Wang, người giám sát quỹ Greater China của JPMorgan Asset Management tại Hong Kong cho biết: "Sự biến động là một đặc tính của Trung Quốc - thị trường Đại lục thường bị phóng đại theo cách này hay cách khác. Bạn cần chấp nhận điều này và tìm các công ty đang hoạt động rất tốt. Chúng tôi nghĩ mức định giá phù hợp đối với cổ phiếu loại A sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số so với năm trước”.

Đó là một mức đòi hỏi quá cao so với các chỉ số chứng khoán chính của Đại lục khi mà Shanghai Composite, CSI 300 Index và FTSE A50 Index đều giảm ít nhất 6,5% trong năm. Các đợt giảm giá, cũng như tăng trưởng kinh tế chậm lại, khiến các nhà chiến lược Morgan Stanley đã hạ dự báo của họ cho các chỉ số chứng khoán chuẩn của Trung Quốc hồi đầu tháng này.

Ngoài ra, rủi ro còn là việc các dòng tiền của các tổ chức có thể rút khỏi cổ phiếu và chảy sang các tài sản an toàn hơn như trái phiếu, khi Trung Quốc đẩy mạnh việc kiểm soát đòn bẩy, theo các nhà chiến lược của Morgan Stanley.

Dù đã bị hoãn thi hành, các quy định mới, vốn được đưa ra để điều chỉnh ngành sản phẩm quản lý tài sản trị giá 16 nghìn tỷ USD, sẽ tập trung vào việc kiềm chế rủi ro và có thể gây ra các vụ tháo chạy của các nhà đầu tư, theo nhận định các nhà chiến lược.

Jonathan Garner, Giám đốc chiến lược thị trường mới nổi của Morgan Stanley tại Hong Kong cho biết: “Thật khó có thể nói các biến động gần đây trong giá cổ phiếu và trái phiếu phản ánh các điều cơ bản của nền kinh tế và các thay đổi luật lệ tác động đến chúng như thế nào. Các số liệu kinh tế của tháng 4 rõ ràng sẽ cho chúng ta biết nền kinh tế đang thực sự đi đến đâu".

Theo Phương Anh

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên