Hậu kết luận kiểm toán đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT yêu cầu báo cáo chi tiết
Trong quá trình triển khai xây dựng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra một số kết luận, kiến nghị chủ đầu tư xử lý. Quá trình thực hiện kết luận của kiểm toán, Ban quản lý dự án đường sắt đã có một số kiến nghị, nhưng chung chung, chưa đủ cơ sở để xem xét, giải quyết, nên lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu báo cáo chi tiết.
- 04-09-2022Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đón lượng khách kỷ lục trong ngày Quốc khánh
- 19-06-2022Vì đâu vừa mới đi vào khai thác, doanh nghiệp quản lý đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có khoản lỗ lũy kế 160 tỷ đồng?
- 17-06-2022Đầu tư 18.000 tỷ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến chỉ thu về chưa đến 80 tỷ từ bán vé năm 2022
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có thông báo kết luận cuộc họp của Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy với Ban Quản lý dự án đường sắt và các đơn vị liên quan kiểm điểm tình hình thực hiện Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông . Trong đó có việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án và kiến nghị điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án.
Dù tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào khai thác sau thời gian dài thi công, nhưng hiện dự án này vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần tiếp tục giải quyết, đặc biệt liên quan tới thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Bộ GTVT cho hay, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã đưa ra một số kiến nghị liên quan tới thực hiện kết luận của kiểm toán, nhưng rất chung chung, nên chưa đủ cơ sở để xem xét, giải quyết. Do đó, ông Huy yêu cầu ban này có báo cáo chi tiết, đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện kết luận kiểm toán một cách rõ ràng. Báo cáo cần thể hiện rõ đối với từng nhóm vấn đề, lý do, nguyên nhân, trách nhiệm, chủ thể liên quan. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị xử lý cho từng vấn đề cụ thể để giải quyết dứt điểm.
Tàu Cát Linh - Hà Đông đã đi vào vận hành thương mại, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước (thông báo kết luận kiểm toán tháng 12/2018), dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội là chưa thực hiện đúng quy định.
Tổng số tiền cần giảm trừ, thu hồi tại dự án trên 874 tỷ đồng (khoảng 38 triệu USD), nhà nước có thể tiết kiệm được khoản tiền này thông qua cơ chế thu hồi hoặc cắt giảm khi thanh quyết toán với tổng thầu EPC (nhà thầu Trung Quốc), gồm các khoản: Giảm trừ thanh toán do tính sai khối lượng trên 175 tỷ đồng; chủ đầu tư thương thảo với tổng thầu để giảm trừ thêm trên 428 tỷ đồng; hạch toán giảm chi phí đầu tư, quản lý, nợ gốc, lãi vay... trên 269 tỷ đồng…
Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu chủ đầu tư chấn chỉnh công tác đầu tư, xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán; xem xét xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân có sai sót.
Cũng tại dự án này, việc áp dụng đơn giá nhân công trong tính chi phí cũng được kiểm toán kiến nghị điều chỉnh, và phải mất nhiều năm các bên mới thống nhất được để xử lý.
Ban Quản lý dự án Đường sắt cũng kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án tới tháng 11/2023, trùng thời điểm hết bảo hành (sau 2 năm đưa vào sử dụng). Nội dung này đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng, sau đó, thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT đã có văn bản lấy thêm ý kiến Bộ Xây dựng, KH&ĐT, Tài chính và UBND TP.Hà Nội. Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường sắt tiếp tục giải trình với các bộ và địa phương liên quan.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông dài hơn 13km, tổng mức đầu tư khi được duyệt lần đầu trên 8.769 tỷ đồng (tương đương hơn 552,8 triệu USD), sau đó tăng lên 18.000 tỷ đồng (tương đương hơn 868 triệu USD; tăng thêm trên 9.231 tỷ đồng). Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và phần vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức được đưa vào khai thác thương mại từ tháng 11/2021.
Tiền phong