MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Hậu tận thế": Nông dân trên toàn thế giới "chật vật" đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực, tìm ra giải pháp bằng mọi giá hay chấp nhận số phận?

15-11-2021 - 20:30 PM | Tài chính quốc tế

"Hậu tận thế": Nông dân trên toàn thế giới "chật vật" đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực, tìm ra giải pháp bằng mọi giá hay chấp nhận số phận?

Thế giới đang phải đối mặt với một kỷ nguyên mới mà giá lương thực tăng nhanh chóng, có thể đẩy gần 2 tỷ người vào cảnh thiếu đói vì khủng hoảng khí hậu nếu trường hợp xấu nhất xảy ra.

Các nhà khoa học dự đoán lũ lụt, hạn hán, sương giá và nắng nóng thiêu đốt đã gây ra tình trạng ngày càng tồi tệ cho các nông trại từ Brazil đến Canada và Đông Nam Á trong những thập kỷ tới. Năng suất cây trồng toàn cầu có thể giảm khoảng 30% do biến đổi khí hậu, trong khi nhu cầu lương thực dự kiến ​​sẽ tăng 50%, theo ước tính của Liên hợp quốc.

Zitouni Ould-Dada, phó giám đốc Văn phòng Biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và môi trường của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết thủy sản và nguồn cung cấp nước ngày càng hạn hẹp.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với nông dân hiện nay là không có sự điều phối quy mô lớn hoặc khả năng tiếp cận các nguồn vốn là yếu tố quan trọng để thực hiện bước chuyển đổi cần thiết. FAO đang kêu gọi các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 cam kết nhiều hành động toàn cầu hơn để giúp nông dân mở rộng các giải pháp. Nhóm đang nhắm mục tiêu đầu tư hàng năm từ 40 đến 50 tỷ USD cho đến năm 2030 để tài trợ cho nhiều dự án như đổi mới trong nông nghiệp kỹ thuật số.

Nếu không có sự thay đổi rộng rãi, kết quả có thể là giá lương thực sẽ tăng cao hơn và sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến các quốc gia nhập khẩu. Từ Nga đến Ấn Độ, đây là cái nhìn cận cảnh về các biện pháp đang được nông dân ở các quốc gia trên toàn cầu thực hiện.

Úc

Với nhiều người dân tại Úc, bằng chứng ớn lạnh nhất của hạn hán là sự im lặng. Cây cối đứng im, tiếng chim đánh nhau tranh mồi không còn nữa. Thằn lằn và đà điều đã bỏ đi từ lâu, trong khi chuột túi mẹ không thể nuôi đàn con, đá các con ra khỏi túi, khiến chúng bỏ mạng trong cái nóng kinh hoàng.

Hậu tận thế: Nông dân trên toàn thế giới chật vật đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực, tìm ra giải pháp bằng mọi giá hay chấp nhận số phận? - Ảnh 1.

Chuột túi chết trơ xương do nắng nóng

Đối mặt với những dự đoán thảm khốc, những người nông dân đã bắt đầu thích nghi. Tại trang trại của Jody Brown, một nông dân sống tại Úc, cô đang thử nghiệm các phương pháp canh tác tái sinh phù hợp hơn với hạn hán. Và trên toàn cầu, nông dân đang tìm ra các cây trồng thay thế, chuyển đổi hạt giống, tăng cường tưới tiêu và thậm chí đeo khẩu trang cho đàn bò của họ để vừa tăng sản lượng vừa giảm lượng khí thải. Trong khi đó, các công ty bao gồm Syngenta Group, tập đoàn nông nghiệp khổng lồ của Thụy Sĩ, đang phát triển các giống rau mới như cải bắp có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt hơn.

Brazil

Lucas Lancha Alves de Oliveira đang có một sự thay đổi mạnh mẽ trong trang trại của mình ở vùng nông thôn của bang Sao Paulo. Anh chặt bỏ một nửa cà phê của mình để trồng ngô và đậu tương. Đó là một bước đi táo bạo bởi vì cây cối thường là một khoản đầu tư cần chăm nuôi trong nhiều năm, nhưng Oliveira buộc phải thay đổi hướng đi sau khi cây cà phê bị ảnh hưởng bởi hạn hán và sau đó là sương giá khắc nghiệt - một sự kết hợp tối độc hại đối với những cây nhạy cảm.

Hậu tận thế: Nông dân trên toàn thế giới chật vật đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực, tìm ra giải pháp bằng mọi giá hay chấp nhận số phận? - Ảnh 2.

Cánh đồng cà phê phủ đầy sương giá

Oliveira đang điều hành Labareda Agropecuaria, một công ty gia đình tập trung vào việc bán cà phê chất lượng cao, cho biết: "Bảy tháng trời không mưa. Tiếp nối hạn hán là bệnh đạo ôn làm thiệt hại 20% diện tích cây trồng. Số lượng lớn đậu đã bị đóng băng. Những khoản lỗ trong năm tới sẽ rất lớn".

Nhưng đây chỉ là sự thay đổi tạm thời. Sau vụ thu hoạch của năm tới, Oliveira sẽ bắt đầu trồng lại cây cà phê dần dần, và có một sự thay đổi quan trọng: cây trồng sẽ được tưới đầy đủ. Đây là một khoản chi phí trả trước rất lớn, nhưng với tình trạng hạn hán khắc nghiệt ​​trong vài năm, Oliveira đánh cuộc rằng khoản đầu tư này xứng đáng. Ông nói: "Chúng tôi sẽ chỉ trồng cà phê bằng hệ thống tưới từ bây giờ".

Nam Phi

Francois Slabbert, một nông dân ở Northern Cape, cho biết sự chuyển đổi mùa vụ buộc những người trồng nho phải gieo các loại cây trồng khác như hạt hồ đào. Mùa đông nơi đây thường xảy ra từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8, thì bây giờ tới chậm một tháng, khiến cây nho phải chịu sương giá làm hỏng mùa màng của họ. Slabbert cho biết mặc dù phải mất tới 11 năm để cây hồ đào bắt đầu cho quả, nhưng loại cây này có thể sinh lợi vì khoảng 95% sản lượng ở Nam Phi được xuất khẩu.

Hậu tận thế: Nông dân trên toàn thế giới chật vật đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực, tìm ra giải pháp bằng mọi giá hay chấp nhận số phận? - Ảnh 3.

Đất nứt nẻ khiến cây trồng chết khô

Trong khi đó, đối với Japhet Nhlenyama, một nông dân chăn nuôi gia súc ở phía đông tỉnh KwaZulu-Natal, hạn hán đã trở nên tồi tệ đến mức khiến đàn gia súc của anh tiều tụy vì không có cỏ để ăn. Anh đang cân nhắc từ bỏ công việc đồng áng. Trong những năm trước, anh đã nhận được một khoản hỗ trợ của chính phủ, nhưng năm nay thì không nhận được bất kỳ viện trợ nào. Nhlenyama tuyệt vọng: "Những con vật nuôi còn sống của tôi bị gió thổi bay và một số khác chết vì hạn hán và không có thức ăn. Thực lòng chúng tôi không biết phải làm gì để tồn tại".

Nga

Evgeniy Agoshkin đã làm nông nghiệp được 20 năm, ông trồng lúa mì và ngô cùng với các loại cây khác. Giống như nhiều trang trại của đất nước, các cánh đồng của ông nằm ở vùng Voronezh, phía nam Moscow. Nhưng hạn hán kéo dài trong vài năm đã khiến ông phải di chuyển khoảng 750 km về phía đông bắc vào vùng Ulyanovsk.

Ông đã mua 12.000 mẫu đất theo lời khuyên của một người bạn. Agoshkin vẫn đang giữ một số mảnh đất ở Voronezh và phải bay qua lại giữa hai nơi để quản lý các cánh đồng. Ở Ulyanovsk và một số vùng phía bắc của Nga, "mọi người đã bắt đầu trồng hạt ngũ cốc, ngô, hạt hướng dương, đây là điều mà 20 năm trước đây bất khả thi", Agoshkin nói.

Mỹ

Với tình trạng hạn hán đang hoành hành ở California, bang trồng trọt lớn nhất của Mỹ, Fritz Durst đã phải giảm một nửa số lúa mà anh thường trông mỗi vụ, và bỏ hoang hai trong số năm cánh đồng. Anh không phải người duy nhất. Diện tích trồng lúa trên toàn tiểu bang năm nay giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1992, một năm hạn hán tồi tệ khác.

Hậu tận thế: Nông dân trên toàn thế giới chật vật đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực, tìm ra giải pháp bằng mọi giá hay chấp nhận số phận? - Ảnh 4.

Hạn hán khiến dòng sông khô cạn tại bang California, Mỹ

Ở một vùng mà khô hạn đã trở thành điều bình thường, Durst đang làm mọi cách để giữ nước. Anh bịt kín các đường ống thoát nước trên cánh đồng để giữ lại lượng mưa ít ỏi. Bên cạnh đó, Durst cũng sẽ trồng các loại cây che phủ để giúp đất màu mỡ hơn và chống xói mòn. Tuy nhiên, ở một khu vực của đất nước luôn thay đổi từ sự kiện thời tiết khắc nghiệt này sang sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác, anh khó có thể dự đoán các tình trạng tiếp theo.

Pháp

Vườn nho tại trang trại trải qua hơn 20 thế hệ của gia đình Samuel Masse đã bị tàn phá bởi cả khô hạn và băng giá trong vài mùa qua. Sản lượng nho năm nay giảm 70% do mùa xuân lạnh giá và thời tiết khắc nghiệt không ngừng.

Hơn thế nữa, kế hoạch trồng 200 cây ô liu của Masses vào mùa thu này đã bị hoãn lại do mưa và hạn chế tài chính do bù đắp thiệt hại của sương giá, làm nổi bật những thách thức mà người nông dân phải đối mặt khi chuyển đổi cây trồng. Vụ mùa có thể sẽ bắt đầu vào năm tới và ông cũng đang cân nhắc việc trồng sung, lựu hoặc hạnh nhân trong tương lai.

Hậu tận thế: Nông dân trên toàn thế giới chật vật đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực, tìm ra giải pháp bằng mọi giá hay chấp nhận số phận? - Ảnh 5.

Các vườn nho bị thiệt hại nghiêm trọng do sương giá

Masse nói: "Bây giờ chúng tôi không biết thế nào là một năm bình thường vì luôn có thiên tai nào đó xảy ra. Vấn đề bây giờ là cách và tốc độ chúng tôi thực hiện những thay đổi để thích nghi".

Ấn Độ

Lúa gạo, một trong những mặt hàng chủ lực của thế giới, cũng là nguồn thải ra khí mê-tan lớn, vì những cánh đồng ngập nước ngăn chặn oxy và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nhưng những nông dân như Prasan Kumar Biswal ở bang Odisha, miền đông Ấn Độ đang đi tiên phong trong các phương pháp mới. Trên một nửa diện tích 4 mẫu đất của mình, anh cẩn thận rải cây giống, đồng thời xen kẽ giữa làm ướt và phơi ruộng. Rễ cây mọc sâu hơn và năng suất được cải thiện.

Tuy nhiên, không dễ dàng để thoát khỏi truyền thống. Anh vẫn sử dụng cách làm ngập thông thường trên một số cánh đồng, và em họ của anh, Jagannath Biswal, chỉ sử dụng phương pháp này để thử nghiệm. Phương pháp cũ giúp ngăn chặn cỏ dại và tốn ít tiền thuê nhân công hơn. Jagannath Biswal nói: "Tổ tiên của chúng tôi đã dạy chúng tôi về cách trồng lúa ngập nước. Tôi chưa bao giờ thử trồng lúa với ít nước hơn".

Hy Lạp

Trên đảo Sifnos, George Narlis đang dựa vào các phương pháp lịch sử để trồng trọt với nguồn nước ngày càng khan hiếm. Hiện nay trời hiếm khi mưa sau tháng 2 và nhiệt độ mùa xuân đã ấm hơn nhiều. "Năm nay lần đầu tiên trong đời chúng tôi không có mùa xuân, hiện tại chỉ có mùa hè. Nhiều hoa và cây trồng đã bị chết", ông nói.

Hậu tận thế: Nông dân trên toàn thế giới chật vật đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực, tìm ra giải pháp bằng mọi giá hay chấp nhận số phận? - Ảnh 6.

Hạn hán dẫn đến cháy rừng nghiêm trọng tại Hy Lạp

Để cung cấp cho trang trại nhỏ và nhà hàng của mình, ông đã đi khắp hòn đảo để thu thập hạt giống dưa hấu và cà chua gia truyền phát triển mạnh trong điều kiện khô cằn. Đây tương tự như các kỹ thuật mà cha mẹ và ông bà của ông đã sử dụng, khi những điều kiện cho việc trồng trọt có hạn.

Philippines

Raffy Aromin, một nông dân đến từ tỉnh Cavite ở phía nam Manila, cho biết việc sản xuất rau diếp và bắp cải đã thay đổi rất nhiều chỉ trong 5 năm anh làm nông nghiệp. Nhiệt độ cao vào buổi chiều trong tháng 10 khiến cây trồng bắt đầu héo. Theo đó, Aromin sử dụng nhựa có thể chống lại tia UV khắc nghiệt để che phủ rau của mình. Anh có thể sản xuất tới 200 kg mỗi tuần, cung cấp cho chuỗi siêu thị địa phương và ước tính nhựa tiết kiệm được khoảng 80% lượng cây lương thực.

"Những người nông dân Philippines là những chiến binh", anh dự đoán rằng mình có thể tiếp tục làm nông nghiệp trong nhiều năm nữa. "Gia đình chúng tôi sống dựa vào nghề nông để mưu sinh. Chúng tôi phải tìm ra giải pháp bằng mọi giá".

Linh Chi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên