Hãy biết thế nào là Đủ, vì đằng sau mỗi sự kỳ vọng đều là những nỗi sợ hãi: Sợ không có được và sợ bị mất đi
Khi chưa có được điều mà ta mong muốn như tiền bạc, tình cảm, địa vị, danh tiếng... thì chúng ta mất ăn mất ngủ suy nghĩ, tính toán để có nó. Và khi đã đạt được rồi, chúng ta lập tức sẽ lại muốn nhiều thêm, đồng thời lo sợ về việc bị mất đi những gì mà ta đã tốn công để đạt được.
Có ai đó đã nói rằng: tiền có thể mua được một căn nhà nhưng không mua nổi một mái ấm, mua được một chiếc giường nhưng không mua nổi giấc ngủ ngon, mua được chiếc đồng hồ sang trọng nhưng không mua nổi thời gian, mua được địa vị nhưng không mua được sự tôn trọng, mua được sự hài lòng nhất thời nhưng không mua nổi một đời bình an.
Thuở xưa, Đại đế Alexander xứ Hy Lạp là một vị hoàng đế bách chiến bách thắng. Ông chinh phục các nước láng giềng, mở rộng bờ cõi từ Hy Lạp cho đến Ấn Độ. Khi lên ngôi hoàng đế, Alexander tâm sự với thầy mình là vị hiền triết Aristotle: “Con sẽ chinh phục Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.”
Aristotle hỏi: “Rồi sao nữa?”
“Rồi con sẽ đem quân đi đánh Ba Tư và các nước Trung Đông.”
“Rồi sao nữa?”
“Con sẽ tấn công Afghanistan và Ấn Độ.”
“Rồi sao nữa?”
Alexander suy nghĩ một hồi: “Sau đó thì con có thể ngủ một cách bình an.”
Aristotle mỉm cười nói: “Con hỡi, tại sao con không ngủ một giấc bình an ngay đêm nay có phải hơn không?”
Chúng ta cũng thế. Chúng ta cứ nghĩ rằng để có được hạnh phúc thì mình cần phải có thêm điều này, phải đạt được thứ kia. Chúng ta tự cột trói mình trong những nỗi kỳ vọng, tham muốn, bị chi phối bởi bao nhiêu thứ tiêu chuẩn của xã hội, tiêu chuẩn của những người xung quanh, tiêu chuẩn của bản thân mình, đến nỗi ngộp thở và mệt mỏi.
Khi còn nhỏ, chúng ta có thời gian và sức khỏe, chúng ta hào hứng với cuộc đời nhưng phần lớn chúng ta lại không có được tiền bạc, sự giàu có hay sự tự do. Khi trưởng thành, để trở nên giàu có và tự do thì chúng ta buộc phải đem thời gian và sức khỏe ra để đánh đổi. Rồi đến khi về già, chúng ta có thể có thời gian và tiền bạc, nhưng sức khỏe và nhiệt huyết với cuộc sống thì đã không còn.
Chúng ta bị chi phối bởi những yếu tố đó suốt cuộc đời và cứ luôn luẩn quẩn trong cái vòng tròn của sự căng thẳng, của nỗi thất vọng với lo toan. Chúng ta đặt quá nhiều áp lực lên đôi vai của mình.
Nền văn hóa vật chất khiến chúng ta không khi nào cảm thấy đủ. Khi so sánh bản thân với người khác, chúng ta luôn cảm thấy thiếu thốn, thấy không theo kịp người khác, thấy kém cỏi hơn nên đành phải không ngừng nỗ lực. Thậm chí phải nỗ lực một cách thiếu thực tế, nỗ lực một cách thiếu sáng suốt, nỗ lực đến nỗi kiệt quệ cả về sức khỏe lẫn tinh thần.
Cứ tưởng rằng xã hội càng phát triển thì cuộc sống của con người sẽ càng hạnh phúc. Nhưng không. Xã hội phát triển càng khiến cho căn bệnh trầm cảm, nỗi căng thẳng và lo âu mãn tính bùng nổ khắp toàn cầu.
Sống trong thời đại phát triển, chúng ta vô thức phải liên tục chạy đua với nó. Nền kinh tế tiêu dùng không ngừng mời gọi mọi người chi tiêu và hưởng thụ. Chính phủ kích cầu, ngân hàng mời gọi đủ các loại hình tín dụng hấp dẫn – chi tiêu trước, trả tiền sau. Chúng ta trở thành những con rối bị cuốn vào vòng xoáy chi tiêu, thanh toán hóa đơn và trả nợ.
Bạn có thấy xót xa không, khi ở những quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… vẫn nhan nhản những câu chuyện đau lòng kể về ai đó làm việc quá sức đến nỗi mất mạng? Hay những câu chuyện về người nổi tiếng – vô cùng giàu có và quyền lực nhưng lại phải chọn cái chết để giải thoát bản thân khỏi cái vòng xoáy áp lực không có lối ra.
Bạn có thấy xót xa không, khi Trái Đất ngày hôm nay đang phải oằn mình đau đớn trước biến đổi khí hậu, là hậu quả của lòng tham và thói tiêu dùng vô độ của con người?
Bạn có thấy xót xa không, khi thế hệ trẻ đang phải gánh chịu những nỗi bất an, sợ hãi cho tương lai của chúng, cho lời cảnh báo về cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang ở rất gần?
Chúng ta thường bật cười chế giễu bà vợ tham lam của ông lão đánh cá trong câu chuyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng", nhưng xét kỹ lại, liệu chúng ta có giống bà vợ ấy không? Liệu chúng ta đã bao giờ cảm thấy thỏa mãn hay hài lòng với những điều kiện mà mình đang có?
Chúng ta luôn có xu hướng tập trung vào những gì mà mình còn thiếu, chứ ít khi cảm thấy biết ơn cho những điều kiện mà chúng ta đã và đang may mắn có được trong đời.
Khi chưa có được điều mà ta mong muốn như tiền bạc, tình cảm, địa vị, danh tiếng, lợi ích... thì chúng ta mất ăn mất ngủ suy nghĩ, tính toán để có nó cho bằng được. Và khi đã đạt được rồi, chúng ta lập tức sẽ lại muốn nhiều thêm, đồng thời lo sợ về việc bị mất đi những gì mà ta đã tốn công để đạt được.
Liệu cách tư duy "càng nhiều càng tốt" có phải là đúng đắn? Nếu cứ tìm mọi cách để đáp ứng cho những tham vọng của bản thân thì có phải là cách để giúp chúng ta đạt được hạnh phúc hay không?
Đằng sau mỗi sự kỳ vọng đều là những nỗi sợ hãi: sợ không có được và sợ bị mất đi. Một khi có tham vọng là đồng thời sẽ có nỗi bất an và sợ hãi đi kèm.
Rồi sẽ đến lúc bạn thật sự cảm thấy mệt mỏi với những tham vọng và tiêu chuẩn đã đặt ra của chính bản thân mình. Đó cũng là lúc bạn nhận ra rằng: Khi chạy đuổi theo lòng tham thì bạn chưa bao giờ thực sự được sống. Việc chỉ chăm chăm theo đuổi những thành tựu ở bên ngoài không thể nào đem đến sự bình an và hạnh phúc nội tại cho bạn được.
Tất nhiên, những mong muốn và khát vọng thay đổi là cần thiết cho sự phát triển của cá nhân cũng như toàn xã hội, nhưng nó sẽ thực sự là thảm họa khi trở nên tham lam mù quáng và bất chấp hậu quả về sau. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng để trở nên tỉnh giác trước cách sống, trước mỗi sự lựa chọn, trước quyết định hành động của mình. Hãy tỉnh táo để không bị cuốn vào vòng xoáy cuồng mê về vật chất của thời đại.
Ám ảnh về việc thu thập và tích trữ không bao giờ có thể đem đến bình an. Hãy có cách nhìn thực tế và trung thực trước những nhu cầu của bản thân mình. Khi bạn nhận ra điều gì mới thực sự là cần thiết cho cuộc đời của mình thì bạn sẽ buông bỏ được những gánh nặng của tiêu chuẩn, của sự kỳ vọng, của lòng tham… Khi ấy bạn sẽ an vui vì lòng tham không còn làm khổ bạn thêm được nữa.
Dù ngày hôm nay bạn là ai, bạn đang ở trong hoàn cảnh nào thì bạn vẫn có thể lựa chọn cách nghĩ, cách sống hạnh phúc. Tất cả phụ thuộc vào việc bạn nhìn cuộc sống của mình ở góc độ nào, nhìn bằng tâm thái ra sao.
Câu chuyện về Anthony Ray Hinton, được trích trong cuốn sách "Hỷ lạc từ tâm" (nguyên tác "The Book of Joy" của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và Đức Tổng Giám mục Nam Phi Desmond Tutu), là một minh chứng kỳ diệu.
Anthony Ray Hinton đã bị bắt giam ở Alabama, Hoa Kỳ. Ông bị buộc tội và bị tuyên án tử hình vì một tội ác mà ông ấy không hề có liên quan. Ông bị biệt giam tại một trại giam tử tù trong suốt 30 năm chỉ vì bản thân là người da đen và không được pháp luật thời bấy giờ bảo vệ.
Sau 30 năm, tất cả các bạn tù từng được ông giúp đỡ đã kiến nghị với quản giáo trại giam và yêu cầu trả tự do cho người đàn ông tử tế và lương thiện này.
Một ngày nọ, ông Hinton đã tâm sự với người bạn của mình: "Thế giới không mang đến cho bạn niềm vui, cho nên thế giới không thể mang nó đi được. Bạn có thể để mọi người bước vào cuộc sống của mình và thậm chí phá hủy nó, nhưng tôi từ chối để cho bất cứ ai lấy đi niềm an vui của tôi.”
“Tôi thức dậy vào buổi sáng, và tôi không cần ai khác phải làm cho tôi cười. Tôi sẽ tự cười với chính mình, bởi vì tôi đã được ban phước để được nhìn thấy một ngày mới. Và khi bạn thấy mình được may mắn để có thêm một ngày mới, điều này sẽ tự động mang đến cho bạn niềm vui.”
“Tôi không sợ hãi chạy quanh và nói: 'Trời ơi, tôi không có đến một đồng đô la trong túi.' Tôi không quan tâm đến việc có một đô la trong túi, mà điều tôi thực sự quan tâm là tôi đã may mắn được nhìn thấy bình minh. Bạn biết có bao nhiêu người có tiền nhưng đã không thể thức dậy vào buổi sáng ngày hôm nay không? Vì vậy, cái nào tốt hơn - có một tỷ đô la và không thức dậy nữa, hay là cháy túi mà vẫn thức dậy được? Tôi sẽ chọn cháy túi để được thức dậy vào bất cứ ngày nào trong tuần.”
“Tôi đã nói với người dẫn chương trình CNN vào hồi tháng Sáu rằng tôi có ba đô la năm mươi xu trong túi, và vì một lý do nào đó mà ngày hôm ấy tôi cảm thấy mình được hạnh phúc nhất trong đời. Cô ấy liền hỏi: 'Với ba đô la năm mươi xu ư?' Tôi trả lời: 'Cô biết không, mẹ tôi chưa bao giờ dạy chúng tôi phải bươn chải ngoài xã hội để mà tìm cách kiếm được nhiều tiền nhất có thể. Mẹ tôi nói với chúng tôi về niềm hạnh phúc chân thực. Bà ấy nói với chúng tôi rằng khi các con hạnh phúc thì mọi người ở xung quanh các con cũng sẽ được hạnh phúc theo.”
“Tôi nhìn vào tất cả những người đang sở hữu rất nhiều nhưng họ lại không hạnh phúc. Vâng, tôi đã mất ba mươi năm dài, ngày này qua ngày khác, bị nhốt trong một căn phòng biệt giam chật hẹp. Các bạn ai cũng có những người quen mà họ chưa bao giờ phải ngồi tù - chưa bao giờ dù là một ngày, một giờ, hay một phút, nhưng họ lại không hạnh phúc. Tôi tự hỏi rằng: 'Tại sao vậy?' Tôi không thể giải thích cho bạn biết tại sao họ lại không hạnh phúc, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng tôi hạnh phúc bởi vì tôi đã lựa chọn sống hạnh phúc."
Cảm giác đầy đủ xuất phát từ bên trong chứ không phải đến từ điều kiện bên ngoài. Nó xảy ra khi bạn bắt đầu ngừng so sánh, khi bạn bắt đầu thay đổi cách nhìn của bản thân, khi mà bạn bắt đầu quan tâm đến những giá trị bên trong hơn là vật chất bên ngoài, khi mà bạn bắt đầu đi tìm niềm an vui đích thực.
Khi ngừng lại những kỳ vọng và mong muốn, bạn tự tạo ra một khoảng bình an ở trong tâm. Nơi đó không có toan tính, không có nỗi sợ hãi, không có cảm giác so sánh và mất an toàn. Chúng ta không bị áp lực phải tính toán và cố làm việc không ngừng nghỉ.
Chúng ta sẽ bắt đầu nhìn được bức tranh toàn cảnh một cách rõ nét và sáng sủa hơn. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn năng lực và giá trị thực của bản thân, để từ đó có thể phát huy tốt nhất khả năng và điều kiện của mình. Quan trọng nhất là chúng ta sẽ bắt đầu được chữa lành. Chúng ta sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc và bình an sâu thẳm.
Trí thức trẻ