MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy cẩn trọng với lời nói của bạn, vì chúng có thể khiến người bị trầm cảm suy sụp thêm: Câu chữ vô tình nhưng sức "sát thương" là thật

21-09-2020 - 11:35 AM | Sống

Trò chuyện là việc rất quan trọng, nhưng nếu không hiểu rõ cách làm, những nỗ lực của bạn có thể tác động tiêu cực đến người bị trầm cảm thay vì tích cực.

Khi ai đó mà bạn quan  tâm bị trầm cảm, bạn thường có thói quen cho họ lời khuyên với mục đích tốt. Tuy nhiên, ngôn từ mà bạn dùng chưa chắc đã truyền tải đúng thông điệp mà bạn muốn gửi gắm - đặc biệt là nếu bạn không hiểu bản chất của bệnh trầm cảm và các chứng rối loạn tâm lý.

Bạn phải nhớ rằng trầm cảm là một bệnh lý cần được điều trị bằng thuốc hoặc phương pháp trị liệu. Khi nói chuyện với bệnh nhân trầm cảm, việc lặp đi lặp lại những lời nói sáo rỗng có thể khiến họ cảm thấy bạn đang xem nhẹ cảm xúc của họ.

Khi bạn bộc lộ cảm xúc của mình, những cụm từ đó có vẻ rõ ràng và đúng trọng tâm. Tuy nhiên, trong con mắt của những người bị trầm cảm, chúng có thể bị hiểu nhầm hoặc gây tổn thương sâu sắc.

Hãy cẩn trọng với lời nói của bạn, vì chúng có thể khiến người bị trầm cảm suy sụp thêm: Câu chữ vô tình nhưng sức sát thương là thật - Ảnh 1.

Đừng bảo họ phải cố gắng 

Bạn không nên động viên kiểu: “Đừng như thế nữa!”, “Cố lên!”.

Động viên một người cố lên trong khi họ đã nỗ lực hết sức có thể khiến người bị trầm cảm mất tinh thần và cảm thấy bất lực.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm và người bệnh không thể kiểm soát được tất cả các yếu tố nguy cơ có liên quan. Khi một người bị trầm cảm, vấn đề không phải là “thuyết phục” họ đừng xuống tinh thần nữa. 

Giống như đái tháo đường hay suy giáp, trầm cảm xảy ra vì cơ thể không sản sinh đủ các hợp chất cần thiết để hoạt động bình thường. Người bị tiểu đường không thể bắt cơ thể sản xuất thêm insulin được. Vì thế, người bị trầm cảm vì chỉ số chất dẫn truyền thần kinh thấp cũng không thể “thuyết phục” cơ thể sản xuất thêm.

Nếu bệnh nhân tiểu đường cần phải điều trị bằng insulin, bệnh nhân trầm cảm cũng cần được can thiệp y tế và động viên. Đối với một số người, họ buộc phải uống thuốc đề giải quyết tình trạng mất cân bằng hóa học - nguyên nhân gây ra trầm cảm.

Đừng đơn giản hóa vấn đề

Những lời hô hào như “Vui lên!”, hay “Mỉm cười nào” nghe thì có vẻ thân thiện và mang tính ủng hộ. Tuy nhiên, chúng lại đơn giản hóa cảm giác buồn bã thường xuất hiện ở bệnh trầm cảm.

Người bị trầm cảm không thể bắt não bộ sản sinh thêm serotonin, vì thế họ không thể tự dựng buộc mình phải hạnh phúc được. Cố gắng suy nghĩ tích cực có thể đem lại những lợi ích nhất định, nhưng điều đó là không đủ để chữa trầm cảm.

Hãy cẩn trọng với lời nói của bạn, vì chúng có thể khiến người bị trầm cảm suy sụp thêm: Câu chữ vô tình nhưng sức sát thương là thật - Ảnh 2.

Đừng tỏ thái độ ngờ vực

“Những người cần được giúp đỡ thường trông không giống như người cần được giúp đỡ”, tác giả sách Glennon Doyle từng nói. Nói cách khác, vẻ ngoài của một người chưa chắc đã phản ánh cảm xúc bên trong của họ. 

Điều này cũng đúng khi nói về các chứng rối loạn tâm lý. Vì vậy, bạn không nên nói với người trầm cảm những câu như: “Nhưng trông bạn có chán nản gì đâu!”, “Bạn đâu có vẻ buồn!”, “Tôi thấy chẳng thấy bạn khác gì cả”

Thông thường, những người bị trầm cảm và rối loạn lo âu sẽ cố gắng tỏ ra “mình ổn” và che giấu cảm xúc thực sự. Trên thực tế, những suy nghĩ này có thể rất cực đoan và là một phần đặc điểm của bệnh trầm cảm, cho dù nó không phản ánh thực tế.

Nhiều bệnh nhân cố gắng che giấu cảm xúc của mình vì xấu hổ, bối rối, cảm thấy tội lỗi hoặc sợ người khác phát hiện ra họ bị trầm cảm. Họ lo ngại rằng mình sẽ bị đánh giá là thiếu năng lực tại cơ quan hoặc trong gia đình. Họ sợ rằng gia đình và bạn bè sẽ ngừng yêu thương mình.

Chỉ vì họ cố gắng che giấu bệnh tình không có nghĩa là họ muốn bị xem nhẹ khi quyết định nói ra cảm xúc thật. Họ phải rất dũng cảm mới có thể mở lòng về nỗi đau của mình. Nếu ai đó tỏ ý ngờ ngực, họ sẽ cảm thấy việc trò chuyện về trầm cảm là không an toàn.

Ngoài ra, những câu nói này còn khiến họ nghi ngờ bản thân, từ đó cản trở việc họ đi khám bác sĩ. 

Đừng coi nhẹ nỗi đau do trầm cảm gây ra

Khi bạn nói chuyện với một người bị trầm cảm hoặc đang ở trong thời điểm khó khăn, đừng so sánh nỗi đau của họ với mình. Bạn phải nhớ rằng nỗi đau là một phạm trù mang tính chủ quan và tương đối.

Bạn cần tránh nói các câu như: “Làm gì tệ đến thế”, “Tưởng phải tệ đến mức nào”, “Bạn nghĩ mình bạn cảm thấy tệ chắc”.

Có những thứ chỉ khiến bạn khó chịu hay bất tiện, nhưng lại là thử thách không thể vượt qua với người bị trầm cảm. 

Trầm cảm không phải là thứ để so đo. Mỗi người đều có một trải nghiệm khác nhau. Vì thế, dù quan tâm và muốn giúp đỡ ra sao, bạn cũng không thể hiểu hết được những cảm xúc thật sự của họ.

Hãy cẩn trọng với lời nói của bạn, vì chúng có thể khiến người bị trầm cảm suy sụp thêm: Câu chữ vô tình nhưng sức sát thương là thật - Ảnh 3.

Có thể cuộc sống còn nhiều điều tệ hại hơn, nhưng đối với căn bệnh trầm cảm, vấn đề không nằm ở việc mọi chuyện tồi tệ đến mức nào. Vấn đề là bạn cảm thông với nỗi buồn của họ vào lúc đó.

Bạn đừng nên so sánh hoặc “ganh đua” xem cuộc sống của ai mới tệ hơn. Làm vậy chẳng những không giúp ích gì, mà còn khiến người bị trầm cảm cảm thấy bạn đang xem nhẹ bệnh tình của họ và không thực sự lắng nghe câu chuyện của họ.

Đừng đổ lỗi

Dù nguyên nhân trầm cảm là do sự thiếu hụt các hợp nhất điều chỉnh tâm trạng trong não bộ, bạn cũng không nên nói với người bệnh: “Tất cả là từ đầu bạn mà ra”, “Đây là lỗi của bạn”, “Bạn tưởng tượng ra mà thôi”.

Hơn nữa, trầm cảm còn có thể biểu hiện dưới dạng các triệu chứng trên cơ thể, gây đau đớn thực sự cho người bệnh.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh lý trầm cảm, chẳng hạn như gen, môi trường, stress triền miên….

Thay đổi lối sống cũng có thể tác động phần nào tới các triệu chứng. Tuy nhiên, việc khuyên người bệnh thay đổi lối sống một cách đột ngột có thể phản tác dụng. Các dấu hiệu trầm cảm (như mệt mỏi và thiếu động lực) có thể khiến các hoạt động thể chất và tinh thần trở nên quá sức và mệt mỏi.

Hãy cẩn trọng với lời nói của bạn, vì chúng có thể khiến người bị trầm cảm suy sụp thêm: Câu chữ vô tình nhưng sức sát thương là thật - Ảnh 4.

Đừng tỏ ra thờ ơ

Khi ai đó bị trầm cảm, họ sẽ mang cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Họ có thể cảm thấy như mình là gánh nặng của người khác. Những cảm giác này có thể khiến bệnh tình thêm trầm trọng và dẫn tới ý nghĩ tự sát hoặc các hành vi làm hại bản thân.

Xem nhẹ nỗi đau của người khác không giúp ích gì cho họ.Với người bị trầm cảm, điều này gây tổn thương và có hại cho họ.

Kể cả khi quan tâm đến người bị trầm cảm, bạn có thể nói ra những điều gây tổn thương khi cảm thấy lo lắng và bực bội. Nếu bạn nghĩ “Ai mà thèm quan tâm?” khi lắng nghe người khác, có thể đây là dấu hiệu cho thấy bạn bị kiệt sức.

Bạn cần phải chú ý đến chính sức khỏe tâm thần của mình trước khi lo cho người khác.

Đừng khiến họ cảm thấy xấu hổ

Đôi khi, những người bị trầm cảm trông có vẻ quá bận rộn với cuộc đời mình, nhưng điều này không khiến họ ích kỷ. Vì thế, đừng khiến họ cảm thấy xấu hổ vì cảm xúc của mình bằng những câu như: “Bạn chỉ nghĩ cho mình thôi”, “Ai mà chả gặp vấn đề”, “Bạn nghĩ quá nhiều về bản thân mình rồi”.

Chỉ trích bệnh nhân trầm cảm thiếu quan tâm tới người khác sẽ khiến họ càng cảm thấy xấu hổ và tội lỗi. Trên thực tế, họ vẫn quan tâm đến những người xung quanh.

Đừng bỏ mặc họ

Kể cả khi bạn cũng bị trầm cảm, trải nghiệm của bạn cũng khác với người ta. Nếu chưa từng bị trầm cảm, sẽ rất khó để bạn cảm thông với họ. Dù thuộc trường hợp nào, điều tốt nhất bạn có thể làm là mở lòng và sẵn sàng tìm hiểu để giúp đỡ người bị trầm cảm.

Thay vì bỏ cuộc và nói “Tôi không thể hiểu được”, hoặc tỏ ra mình hiểu trong khi thật ra chẳng hiểu gì, bạn nên trấn an bệnh nhân trầm cảm rằng bạn quan tâm đến họ.

Hãy cẩn trọng với lời nói của bạn, vì chúng có thể khiến người bị trầm cảm suy sụp thêm: Câu chữ vô tình nhưng sức sát thương là thật - Ảnh 5.

Tránh nói những lời động viên sáo rỗng

Dù những lời nói có đúng đến đâu, người bị trầm cảm cũng chẳng thể tiếp nhận ý tưởng này, chưa nói gì đến việc tin tưởng điều đó. Những lời nói sáo rỗng, rập khuôn không đem lại hy vọng cho họ. Vì thế, bạn không nên động viên kiểu “Rồi mọi chuyện sẽ qua”, “Mặc kệ nó đi”, “Bạn sẽ vượt qua thôi”.

Người bị trầm cảm sẽ gặp khó khăn trong việc hình dung ra tương lai, bởi họ đang bị hiện tại kìm kẹp. Sẽ không dễ để “mặc kệ” hay “chạy trốn” khỏi quá khứ, nhất là đối với những người đã trải qua mất mát và đau thương.

Bạn có thể sẽ cảm thấy mình đang đem lại hy vọng cho họ bằng cách nói “rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn”. Tuy nhiên, người bệnh sẽ càng bực bội, tự hỏi họ còn phải chờ tới bao giờ.

(Theo Very Well Mind)

Linh Hân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên