Hãy coi chừng: Đây là 4 kiểu nhân viên dễ bị sa thải nhất trong thời kỳ suy thoái, trớ trêu người thu nhập cao là đối tượng hàng đầu
Thông qua nghiên cứu 17.000 người bị sa thải mới đây, các nhà kinh tế học đã có phát hiện bất ngờ.
- 25-01-2023Lý giải sự cố gây náo loạn sàn giao dịch chứng khoán New York: Chúng ta đã biết những gì?
- 25-01-2023Ngày này năm xưa, 25/1, cuộc gọi điện thoại xuyên lục địa đầu tiên thành công đã làm thay đổi tương lai viễn thông nhân loại
- 24-01-2023Sàn NYSE gặp sự cố khiến thị trường hỗn loạn: Hàng chục cổ phiếu lớn rơi tự do ngay sau khi mở cửa, phải ngừng giao dịch
Trong khoảng thời gian từ năm 2021, những lao động chuyên môn dường như không phải đối mặt với nhiều biến động. Một đợt tuyển dụng chưa từng có mang đến cơ hội cho hàng triệu người Mỹ tìm đến những công việc tốt hơn.
Những người tham gia làn sóng đại từ chức (Great Resignation) đã được tăng lương, được hưởng đãi ngộ tuyệt vời. Như một số hãng tin viết, đó là “năm của người lao động”.
Sau đó, các vết nứt bắt đầu xuất hiện vào năm 2022. Lúc đầu, việc sa thải chỉ giới hạn trong một số công ty khởi nghiệp gặp khó khăn. Nhưng chẳng bao lâu sau, tất cả các công ty, từ Netflix đến ngân hàng JPMorgan bắt đầu cắt giảm số lượng nhân viên. Thị trường việc làm nóng đỏ bắt đầu có dấu hiệu nguội lại.
Chỉ trong 3 tháng, trang web Layoffs.fyi đã thống kê được hơn 40.000 người đã bị sa thải. Giữa tình trạng đóng băng tuyển dụng và sa thải nhân viên, mọi người có lẽ bắt đầu lo lắng: Tôi có phải là người tiếp theo bị sa thải không?
Để trả lời câu hỏi đó, các nhà kinh tế học thuộc nhà cung cấp dữ liệu về lực lượng lao động Revelio Labs đã nghiên cứu danh sách 17.000 chuyên gia bị sa thải kể từ tháng 3/2022. Các nhà kinh tế đọc hồ sơ trên LinkedIn và so sánh họ với những nhân viên khác tại công ty.
Và kết quả vô cùng bất ngờ. Dữ liệu đã chỉ ra 4 kiểu nhân viên đang bị sa thải nhiều nhất.
1. Người mới được tuyển
“Vào sau, ra trước”: Đó là cách các công ty thường quyết định ai ở lại và ai ra đi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong làn sóng sa thải hiện nay, các nhân viên kỳ cựu được đảm bảo công việc hơn.
Trong phân tích của Revelio Labs, nhân viên bị sa thải trung bình đã làm việc cho công ty trong 1,2 năm, nghĩa là rất có thể họ đã được tuyển dụng vào thời điểm bắt đầu Great Resignation. Nhiều khả năng những người được giữ lại khi họ gia nhập công ty trước đại dịch Covid-19.
Một yếu tố khiến thâm niên trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay là khoảng cách lương lớn giữa những người lâu năm và người mới được tuyển. Các công ty buộc phải cạnh tranh khốc liệt để thu hút nhân tài trong thời kỳ Great Resignation, vì thế họ đã trả lương cao hơn so với mức trung bình của nhân viên hiện tại là 7%. Trong một số ngành công nghệ, khoảng cách đó lên tới 20%.
Trên thực tế, đó là chính là lý do khiến số lượng người Mỹ nhảy việc kỷ lục. Họ biết rằng bản thân có thể nhận được mức lương cao hơn bằng cách tìm công ty khác. Nhưng khoản tăng lương khổng lồ đó đi kèm với một rủi ro tiềm ẩn. Khi nền kinh tế chậm lại, các nhà tuyển dụng sẽ lại cân nhắc về chi phí vận hành công ty.
2. Người có thu nhập cao
Những nhân viên có lương cao trở thành một đối tượng có nguy cơ bị sa thải nhiều nhất. Các công ty sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn khi cắt giảm những nhân sự lương cao.
Revelio Labs phát hiện ra rằng lương của những người bị sa thải cao hơn đáng kể trong nhiều ngành nghề khác nhau so với lương của những người vẫn giữ được công việc của họ.
Ví dụ, một kỹ sư bị sa thải trung bình kiếm 86.000 USD, cao hơn mức trung bình chung là 75.000 USD. Những người nắm vai trò điều hành, quản trị, bán hàng và tiếp thị kiếm được nhiều hơn khoảng 10.000 USD so với các đồng nghiệp.
Lương càng cao, nguy cơ càng lớn.
3. Thế hệ thiên niên kỷ (Millennials)
Trong một phân tích trước đây, Revelio Labs đã phát hiện ra rằng các chuyên gia trẻ tuổi có nhiều khả năng nhảy việc hơn so với các đồng nghiệp lớn tuổi hơn trong thời kỳ Great Resignation. Thời điểm này mang đến một cơ hội vàng cho thế hệ thiên niên kỷ, những người đã làm việc cật lực trong nhiều năm với những chức vụ được trả lương thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Với thị trường việc làm nóng đỏ sau đại dịch, cuối cùng họ đã có thể kiếm thêm nhiều tiền hơn.
Nhưng giờ đây, quyết định sa thải quay trở lại với những lao động trẻ ở độ tuổi cuối 20 đầu 30. Đợt sa thải hiện tại là hiện tượng nghìn năm có một. Các nhà tuyển dụng mà Revelio Labs theo dõi đã thực hiện cắt giảm nhân sự. Thế hệ thiên niên kỷ chiếm 79% lực lượng lao động, nhưng chiếm 94% đối tượng bị sa thải.
Tỷ lệ sa thải tính theo thế hệ.
Những nhân viên thuộc thế hệ X và thế hệ bùng nổ dân số phần lớn không bị sa thải. Những lao động trẻ như thế hệ Z cũng không nằm trong tầm ngắm. Còn thế hệ thiên niên kỷ bị kẹt ở giữa. Mức lương của họ cao hơn những người mới vào nghề, nhưng lại chưa đủ dày dặn kinh nghiệm như các đồng nghiệp có thâm niên để được giữ lại.
4. Nhà tuyển dụng và lập trình viên
Trong làn sóng sa thải gần đây, không ai có nguy cơ bị cắt giảm nhiều hơn các nhà tuyển dụng. Trong thời kỳ đại dịch, cơ hội việc làm cho các chuyên gia nhân sự tăng 130%, mức tăng lớn nhất trong số các nghề nghiệp mà Indeed theo dõi. Kể từ đó, con số này đã giảm khoảng 40%.
Tỷ lệ sa thải của các ngành nghề.
Các kỹ sư phần mềm cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt cắt giảm việc làm gần đây. Điều đó khiến các chuyên gia ngạc nhiên, bởi vì đợt sa thải mà Revelio Labs nghiên cứu chủ yếu tập trung trong ngành công nghệ. Các công ty công nghệ nổi tiếng là nơi mà lập trình viên được đối xử như những vị thần. Họ thường là đối tượng cuối cùng bị sa thải.
Những phát hiện này dẫn các nhà kinh tế học đi đến một kết luận rằng nguy cơ bị sa thải hiện tại phụ thuộc vào mức độ hưởng lợi từ thời kỳ đại từ chức. Song, thủ phạm thực sự ở đây là việc các công ty đã đưa ra những quyết định không bền vững trong quá trình tuyển dụng ồ ạt.
Một bài học từ dữ liệu dành cho người lao động cũng như người sử dụng lao động: Sự bùng nổ không bao giờ kéo dài. Cho dù bạn đang tìm kiếm một công việc tốt hơn hay tranh giành các vị trí trong công ty của mình, thì điều quan trọng là đừng phản ứng thái quá.
Theo BI
Nhịp Sống Thị Trường