MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Hãy ngồi yên khi Tổ quốc cần"

12-03-2020 - 17:54 PM | Sống

Những bàn tay được sát khuẩn, những nụ cười dù giấu dưới khẩu trang, nhất định sẽ làm nên những vòng tròn an toàn lớn dần, lan rộng. Mà muốn thế, hãy đừng tháo chạy và hãy ngồi yên lại khi Tổ Quốc ...

Những ngày gần đây, ca nhiễm Covid-19 tăng lên khiến cảm giác bất an cũng gia tăng. Sau mỗi thông tin có người nhiễm, nghi nhiễm, người được đưa đi cách ly thì khu vực dân cư đó đều có những xáo trộn nhất định.

Như trong khu chung cư tôi đang sống, dù ban quản lý toà nhà đã sắp xếp những thang máy riêng cho những người đang phải thực hiện việc cách ly tại cộng đồng thì điều đó cũng không khiến những người trong cộng đồng đó yên tâm được.

Họ tìm cách đi khỏi khu vực có người bị cách ly.

Dù vừa mấy hôm trước, chính họ đã lên tiếng thoá mạ bệnh nhân thứ 17 về việc đi chơi khắp nơi lây nhiễm cho nhiều người. Hay cũng mấy hôm trước, họ lên tiếng mắng chửi một ông bầu chân dài từ chối cách ly. Nhưng họ vẫn cứ thu gom đồ đạc và lên đường về quê với suy nghĩ: Về quê an toàn hơn.

Bài học bệnh nhân 31 ở Hàn Quốc, thành viên giáo phái Tân Thiên Địa hay thực trạng ở Italia trước khi phong toả khiến hàng ngàn người lây nhiễm, hàng trăm người tử vong dường như vẫn chưa đủ để tỉnh thức và ngăn chặn những cuộc chạy trốn khỏi vùng dịch. Dù trên mạng xã hội, những status kêu gọi "Hãy ngồi xuống khi Tổ quốc cần" liên tục được nhiều KOL’s hay các nghệ sỹ post lên nhưng dường như là chưa đủ, chưa thuyết phục nổi làn sóng bỏ về quê của nhiều người. Có lẽ, trong cơn hoảng loạn của mình, những người ấy chỉ quan tâm đến sự an toàn (tưởng tượng) của chính mình thôi vậy.

Tôi là chủ 2 doanh nghiệp kinh doanh Rèm và Hoa. Trước thực trạng người người bỏ về quê, nhà nhà bỏ về quê, tôi với vợ mình cũng đã tính đến giải pháp đóng cửa nếu như nhân viên của mình cũng tham gia làn sóng đấy. Mùa dịch dã, khách hàng đã ít ỏi mà không có nhân viên nữa thì doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa.

Vợ chồng tôi đã tính phải ngồi lại với nhân viên để lên tinh thần cho họ. Nhưng thú thật là tôi cũng không biết sẽ phải nói gì với nhân viên của mình khi mà tôi cũng làm sao có thể cam kết với họ rằng họ ở lại đây sẽ an toàn hơn về quê? Dù khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn đủ cả. Nhưng số người nhiễm Covid-19 vẫn tăng. May thay, toàn bộ nhân viên của chúng tôi đều lựa chọn việc ở lại. Nhưng nhiều doanh nghiệp khác không may mắn được đến thế.

Xung quanh tôi, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa vì không thể chống lại tâm lý đám đông trong mùa dịch. Những cuộc điện thoại từ dưới quê ời ời gọi con cái, gọi chồng, gọi vợ đang làm việc trên Hà Nội về quê ngay cũng gây áp lực rất lớn. Tâm lý "tiền kiếm cả đời, không làm việc ở đây thì đi kiếm việc chỗ khác. Không may mắc dịch khổ ra" khiến nhiều người lao động vứt bỏ tất cả để về. Nó giống hệt với tâm lý của phần đông cha mẹ khi quyết định cho con nghỉ học. Làm sao trách được họ? Làm sao giận được họ?

Nhưng. Nhưng những cuộc tháo chạy kia có khác nào mang virus đi khắp nơi như các bệnh nhân đã nhiễm Covid-19 vừa qua? Có ai biết mình đã mắc virus? Nếu biết đã chẳng đi khắp nơi như thế. Thời hiệu 14 ngày (các chuyên gia y tế còn cảnh báo nhiều trường hợp là 21 ngày), chúng ta không ai biết mình đã nhiễm Covid-19 cho đến khi ho, sốt, khó thở và đi chẩn đoán chờ 3-4h mới có kết quả. Liệu có khi nào bạn nghĩ rằng mình đang mang virus về quê lây cha mẹ mình, con cái mình, hàng xóm láng giềng của mình không???

Tôi hiểu, Covid-19 vốn là không đáng sợ khi mà chúng ta đã nhận diện được nó, có cách phòng vệ trước nó. Chưa có ai ở Việt Nam chết vì Covid-19 cả. Người ta sợ Covid-19 bởi tâm lý đám đông. Bởi những tin giả tạo ra nỗi sợ hãi lây lan, kích động. Bởi việc phải cách ly 14 ngày. Bởi chính sự kỳ thị của đám đông dành cho những người bị nghi nhiễm. Đó mới là nỗi sợ hãi mà mọi người đang hứng chịu. Nên cho dẫu các KOL’s như tôi, như nhiều nghệ sỹ, nhà báo khác có kêu gọi bao nhiêu mọi người vẫn không dừng lại sự tháo chạy. (Giá như những vụ đánh nhau ngoài phố hay cảnh sát vây bắt trọng phạm, chúng ta cũng biết tháo chạy thay vì túm tụm lại xem).

Tôi nghĩ, thứ có thể ngăn chặn dòng người tháo chạy hôm nay chỉ có thể là việc mọi người ngưng kỳ thị những người nghi nhiễm hay những người bị cách ly tại cộng đồng. Hãy đeo khẩu trang vào và giúp họ rồi về nhà rửa tay sát khuẩn. Hãy tận dụng những khách sạn đang mùa ế ẩm để biến nó thành khu cách ly có trả phí. Hãy tạo ra những cộng đồng tự cách ly bằng việc kết hợp các doanh nghiệp mùa ế ẩm vào phục vụ riêng cho cộng đồng đó.

Ai sẽ ở yên đó. Siêu thị dành riêng cho mỗi nhóm cộng đồng tự cách ly sẽ giúp thành phố không cần tổ chức phong toả. Rồi cứ sau 14 ngày, những cộng đồng tự cách ly không có người nhiễm sẽ nối kết lại với nhau tạo thành vùng an toàn. Tôi tin, điều đó hẳn sẽ giúp thành phố nói riêng, cả nước nói chung sẽ dần loại bỏ được ca nhiễm mới.

Cùng với đó, việc chốt chặn kiểm dịch tại sân bay, các đường biên giới sẽ được khoanh vùng giới hạn. Để làm được việc đó cần nhiều cánh tay cùng kết nối lại. Những bàn tay được sát khuẩn, những nụ cười dù giấu dưới khẩu trang, nhất định sẽ làm nên những vòng tròn an toàn lớn dần, lan rộng. Mà muốn thế, hãy ngồi yên lại khi Tổ quốc cần vậy!

Hãy ngồi yên khi Tổ quốc cần - Ảnh 1.

Theo Hoàng Anh Tú

Trí thức trẻ

Trở lên trên