Hãy thông cảm cho sự nóng nảy của phụ huynh với việc "vuông tròn tam giác", cũng chỉ vì họ xót cho con trẻ mà thôi
Trong khi những người trẻ đang gào thét phê bình những người thắc mắc về cơn bão "tròn tròn vuông vuông", ở ngoài kia, có quá nhiều bậc phụ huynh lo lắng, bối rối và sốt ruột trước tốc độ cải cách chóng mặt của giáo dục.
- 06-09-2018Phụ huynh hoang mang khi sách lớp 1 dạy trẻ đọc bằng ô vuông, hình tròn: Tìm hiểu kỹ trước khi tranh luận
- 05-09-2018Phụ huynh lo ngại trước bộ sách Tiếng Việt lớp 1: "Các thành ngữ đều nặng nề, bài đọc thì xỉa xói nhiều hơn là giáo dục"
- 27-08-2018Hoang mang cách đánh vần “lạ”cho học sinh lớp 1: “Đến giáo sư còn rối, huống chi phụ huynh”
“Gọi số gà là x, số chó là y, ta có hệ phương trình…” là hạ sách mà mọi phụ huynh đều đã từng ít nhất một lần nghĩ đến.
Thử đặt mình vào vị trí một người phụ huynh có con đang đi học, năm nay thi kiểu này, năm sau lại thí điểm kiểu khác. Giở sách giáo khoa lớp 1 để học chữ - một phạm trù kiến thức cơ bản nhất của con người, mà choáng váng vì không hiểu gì, ai mà chẳng sốt ruột?
Chẳng nói đâu xa, hãy bình tĩnh, ngồi xuống và hỏi chính cha mẹ của bạn, khi thấy con mình nhoay nhoáy sử dụng các thiết bị công nghệ cao, những thứ họ chẳng tài nào hiểu nổi, họ có buồn không? Ngồi cả ngày để mày mò một chiếc iPhone với quá nhiều tính năng, tác vụ, chỉ dẫn bằng tiếng Anh, mãi mà không thể thực hiện được một thao tác đơn giản như gọi điện cho con cái? Liệu họ có lo lắng, sợ hãi trước nguy cơ bị tụt hậu không?
Với các cụ ta ngày xưa, có tiền cho con đi học là tốt lắm rồi. Học được thì học, không học được thì về làm ruộng. Phụ huynh bây giờ không như vậy, họ kì vọng rất nhiều vào việc học của con. Cuộc sống ngày càng hiện đại, phụ huynh càng muốn can thiệp sâu hơn vào việc học đó và dành sự quan tâm cho chương trình học là điều đương nhiên.
Với rất nhiều bậc cha mẹ, hiểu được cách tính điểm trung bình để xếp loại học lực của con đã là một kì tích. Họ sẵn sàng ngồi cả ngày ngâm cứu cách tính điểm học bạ và điểm thi để đỗ vào cấp ba một trường công lập ở Hà Nội. Có những vị mà con mới đậu vào lớp 10 đã tỉ mẩn tra khảo cách thức xét tuyển vào đại học thông qua kì thi trung học phổ thông quốc gia.
Dạy con đã khó, không hiểu người ta dạy con mình cái gì, ắt nảy sinh bức xúc. Tôi và chính bạn, chắc chắn đã không dưới một lần thốt lên: “Ủa bọn trẻ đang được học cái gì thế? Chúng ta - những người chưa có gia đình - lo một, thì ngoài kia, hàng triệu phụ huynh đang có con đi học sẽ lo gấp trăm, gấp ngàn lần.
Bạn đã bao giờ nhìn thấy ánh mắt buồn thiu của một đứa trẻ khi trót lơ đãng lời cô giáo giảng bài, để rồi không làm được bài tập về nhà? Rồi ánh mắt ấy còn nặng trĩu hơn nữa khi thấy bố mẹ, anh chị cùng nhau “bó tay”? Trong lòng đứa trẻ ắt nảy sinh suy nghĩ: đến người lớn còn chẳng làm được thì mình sao làm được?
Nếu bạn là một người mẹ, nhìn thấy con mình như vậy, bạn có xót xa không?
Hãy hiểu cho phụ huynh, những người cách con mình đến vài chục năm, tương đương với vài chục lần cải cách của giáo dục. Giảm tải bớt chương trình, hạn chế gợi lại nỗi đau chiến tranh là những động thái cải cách không ai có thể phản đối được. Tuy nhiên, tốc độ cải cách chóng mặt, nay thế này, mai thế khác, khiến những bậc làm cha mẹ có con đi học không khỏi chóng mặt. Bạn hãy đếm đi, từ năm 2013 đến giờ, có bao nhiêu hình thức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học?
Chưa nói sâu đến vấn đề thi cử, chữ nghĩa, việc đọc, việc viết, việc đánh vần là những viên gạch đầu tiên trên con đường tri thức. Phụ huynh có thể không giải được bài toán kinh điển “vừa gà vừa chó, bó lại cho tròn” nhưng đến việc đọc, việc viết, việc đánh vần của học sinh lớp 1 mà còn khiến họ bối rối, thì bảo sao họ không phản ứng dữ dội như vậy trên mạng xã hội - nơi duy nhất họ có tiếng nói?
Hỡi những người trẻ đầy năng lượng chỉ trích, bạn đang chứng minh điều gì trong cơn lốc tròn tròn vuông vuông?
Tỏ ra mình khôn ngoan, lí trí, nhuần nhuyễn tiếng Việt thực hành nhờ đã được đào tạo, và còn gì nữa? Khi nhóm người người bạn chỉ trích là thiếu hiểu biết, “sồn sồn”, bao gồm cả những vị phụ huynh chỉ đang hết lòng quan tâm đến việc học của con mình?
Còn nhớ nhân vật Hoàng trong truyện ngắn Đôi Mắt của nhà văn Nam Cao, ông ta khinh khỉnh với anh thanh niên vác bó tre đọc thuộc lòng bài “ba giai đoạn”, nhưng không nhìn thấy tinh thần yêu nước và đóng góp trực tiếp bằng hành động để chứng minh lòng yêu nước ấy? Đằng sau những sự “sồn sồn” của nhóm phụ huynh mà các bạn coi là “thiếu hiểu biết” ấy cũng chỉ là một tình yêu thương bao la dành cho con cái, sự sát sao, quan tâm đến việc học và hơn tất cả là một tinh thần cầu thị, mong mỏi nền giáo dục được cải cách theo hướng tốt hơn, hiệu quả hơn, dễ tiếp cận hơn.
Trước khi phản bác, hãy tìm hiểu, trước khi chỉ trích, hãy cảm thông. Ngày qua ngày, mạng xã hội sẽ bớt độc hại, ít cãi cọ, hạn chế “sứt mẻ quan hệ” đi rất nhiều khi mỗi người chúng ta đếm đủ 10 giây bình tĩnh trước khi lao vào cơn lốc vuông vuông tròn tròn hay bất kì sự kiện gì nóng trên mạng mà dễ dàng chia dư luận thành hai phe đối lập, nhiệt liệt ném đá vào nhau.
Bố mẹ mải mê chê cách giảng dạy tiếng Việt mới, anh chị điên cuồng chỉ trích những người chê cách giảng dạy tiếng Việt mới (và biết đâu đó lại chỉ trích chính quan điểm của bố mẹ). Và chúng ta còn lại gì?
Còn lại những đứa trẻ chưa biết đọc, vẫn đang ngơ ngác...
Helino