"Hãy tìm cách làm miếng đậu phụ này trông nhỏ hơn, nhưng không được dùng dao cắt nó": Câu hỏi phỏng vấn mà chỉ 2/100 thí sinh trả lời và được lựa chọn làm chuyên viên cấp cao
Giá trị quan trọng nhất mà các nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm ở nhân viên không phải 1 câu trả lời chính xác đến từng chữ, mà chính là năng lực tư duy đột phá khác biệt.
- 06-12-2019Kể cả ngày đông giá rét, mẹ vẫn bắt tôi đi bộ đi học suốt 16 năm và bây giờ khi 30 tuổi, tôi biết ơn vì có được thói quen tự kỷ luật đáng quý nhất cuộc đời
- 06-12-2019Người 20 tuổi thấy núi là núi, sông là sông; người 35 tuổi nhìn núi lại không phải núi, sông lại không phải sông; chỉ có người 50 tuổi mới đạt tới cảnh giới trí tuệ cuối cùng
- 02-12-2019Thế nào là nghệ thuật "win-win" làm 1 được 10? Làm người, đừng chỉ biết cạnh tranh và lừa lọc lẫn nhau, sống còn phải vì lương tâm
Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội và nền kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân cũng được cải thiện, người ta cũng ngày càng chú ý nhiều hơn đến chất lượng giáo dục. Ngày càng có nhiều người được đào tạo bài bản và uy tín, có nền tảng kỹ năng cao, góp phần đưa xã hội phát triển đi lên. Nhưng cũng chính vì thế, áp lực cạnh tranh giữa môi trường làm việc cũng trở thành một vấn đề đáng sợ. Cho dù bạn là một sinh viên mới ra trường hay một nhân viên kỳ cựu đã có kinh nghiệm, cho dù đang bắt đầu tìm kiếm công việc đầu tiên hay nhảy việc sang một doanh nghiệp khác, thì ai cũng phải đối mặt với những bài kiểm tuyển dụng trước tiên.
Chắc chắn tất cả mọi người từng đi làm đều từng có kinh nghiệm phỏng vấn. Và không ít người phải gặp những tình huống hóc búa vì người phỏng vấn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi bất ngờ, thậm chí là đố mẹo để thử thách tư duy của các ứng viên chứ không chỉ liên quan đến các kỹ năng nghề nghiệp.
Trên thực tế, cho dù năng lực chuyên môn của một người không tệ nhưng điều đó không có nghĩa là họ hoàn toàn phù hợp với công việc, và có tiềm năng để phát triển vươn xa. Khi đó, vai trò của người phỏng vấn chính là kiểm tra tất cả các khía cạnh của mỗi ứng viên và lựa chọn được người phù hợp nhất, có nhiều tiềm năng nhất.
Tiểu Vương, 24 tuổi, là một sinh viên mới vừa tốt nghiệp đại học tháng trước. Sau nhiều lần nộp đơn ứng tuyển cho các doanh nghiệp nổi tiếng, cuối cùng anh cũng nhận được lời mời phỏng vấn từ một công ty.
Vào ngày phỏng vấn, sau nhiều vòng kiểm tra năng lực, chỉ còn lại không đến một nửa các ứng viên bước vào vòng thi cuối cùng. Tất cả đều đã chuẩn bị tâm lý đối mặt với một câu hỏi cực kỳ thách thức nhưng vẫn không hỏi bất ngờ khi nghe quản lý nói: “Làm thế nào để một miếng đậu phụ trông nhỏ hơn mà không cần dùng tới dao cắt hay tác động của lực?”.
Nhiều ứng viên thể hiện sự hoài nghi và không thoải mái trước câu hỏi này.
Có người đứng dậy nhận xét: "Tôi không biết cụ thể phải làm thế nào, nhưng tôi không nghĩ câu hỏi này của quý công ty có liên quan gì tới chuyên ngành cũng công việc mà bản thân tôi đang ứng tuyển bây giờ".
Nhưng mặt khác, cũng có rất nhiều người thi nhau đưa ra các câu trả lời khác nhau. Nổi bật nhất trong đó là 2 câu trả lời cực kỳ thông minh.
Một người đáp: “Vấn đề này thật ra rất dễ. Nếu bây giờ tôi đặt miếng đậu phụ đó dưới một nguồn chiếu sáng, điều chỉnh góc độ sao cho cái bóng của miếng đậu phụ trải dài và phóng đại hơn chính bản thể. Vậy thì khi nhìn lại bản thể, tự nhiên trông nó sẽ nhỏ hơn mà chẳng cần dao kéo”.
Một người thì cho rằng: “Phương pháp của tôi còn đơn giản hơn vậy nữa. Chỉ cần tôi ra chợ, tới một cửa hàng khác để mua thêm 1 bánh đậu lớn hơn. Đặt 2 bánh đậu khác nhau về kích cỡ cạnh nhau, tự nhiên chúng ta sẽ thấy miếng đậu cũ trông nhỏ hơn, không phải sao?”.
Hai câu trả lời đã gây ấn tượng với tất cả mọi người có mặt trong buổi phỏng vấn đó. Nhà tuyển dụng cũng gật gù liên tục, thể hiện sự tán đồng trong cách sáng tạo của họ. Cuối cùng, chỉ có duy nhất 2 ứng viên đưa ra câu trả lời sáng tạo được lựa chọn để trở thành chuyên viên chính thức, còn Tiểu Vương ra về trong sự tâm phục khẩu phục.
Thông qua buổi phỏng vấn đó, dù không chinh phục được cơ hội việc làm nhưng Tiểu Vương đã học hỏi được rất nhiều. Khi đứng trước một vấn đề mà tưởng chừng như không thể giải quyết, điều chúng ta cần làm đó là thay đổi góc độ nhìn nhận chính vấn đề đó. Lần lượt thử tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau, chúng ta sẽ nhận ra, một vấn đề có thể được diễn giải thành nhiều phương hướng khác nhau thì cũng có thể tìm ra nhiều cách giải quyết khác nhau.
Mở lối tư duy chính là biện pháp hữu hiệu nhất để chúng ta làm tốt công việc của mình. Nếu chúng ta không thể cạnh tranh ở lĩnh vực này, hãy sáng tạo để đem tới đột phá cho bản thân trên một con đường khác. Giống như cách mà tỷ phú sáng lập tập đoàn Alibaba, Jack Ma từng nói rằng: “Đừng tìm cách cạnh tranh với trí tuệ thông minh nhân tạo, điều chúng ta cần làm là tìm cách tập trung phát triển trí tuệ độc đáo của chính con người.” Nếu thế giới không ngừng phát triển, con người không ngừng sáng tạo và đổi mới thì chúng ta sẽ không phải sợ hãi một tương lai bị trí thông minh nhân tạo chiếm lĩnh.
Điều quan trọng nhất mà máy móc không thể có được đó chính là sức sáng tạo. Không phải tự nhiên mà mọi tấm gương thành công đều đề cao tư duy sáng tạo, năng lực thực hành hơn hẳn so với tri thức và lý thuyết sách vở. Người thông minh nhất chưa chắc đã thành công, nhưng người sáng tạo sẽ luôn đạt được thành tựu của riêng mình nếu dám làm, dám sai và dám sửa.
Nhiều người tự mãn cho rằng bản thân đã có đủ tri thức, không cần phải học hỏi thêm gì nữa. Nhưng núi cao sẽ có núi cao hơn, người giỏi đến mấy vẫn có người giỏi hơn gấp bội. Chỉ có sự tự mãn mới là vật cản ngăn bước chúng ta tiến bộ mỗi ngày. Không ngừng rèn luyện tư duy, dùi mài năng lực phản ứng nhanh nhạy với các vấn đề, sự nỗ lực không ngừng mới là động lực chân chính nhất giúp chúng ta đi được càng xa, càng lâu hơn trên con đường sự nghiệp của mình.
Có được tư duy sáng tạo, chúng ta mới có phương hướng để xây dựng trí tuệ con người lên một tầng cao mới. Công việc của sự sáng tạo cũng giống việc xây dựng các lâu đài trên không, là một trong những hoạt động tinh thần thuần túy nhất, là chiếc vé đưa chúng ta tiếp cận tới giấc mơ của chính mình. Chỉ có sáng tạo và đột phá mới là cầu nối, là lối tắt duy nhất đưa chúng ta tiếp cận tới thành công nhanh hơn.