MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HDBank đang hưởng lợi từ hệ sinh thái khách hàng như thế nào?

20-02-2019 - 08:23 AM | Tài chính - ngân hàng

HDBank cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các tài khoản trung tâm của một số đối tác chính (Vietjet, Petrolimex, Vinamilk, Coop-mart), từ đó tiếp cận các thành viên trong chuỗi cung ứng của các đối tác này, bao gồm khách hàng (phân khúc bán lẻ) và nhà cung cấp (phân khúc hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp SME).

Với sự tăng tốc vào quý cuối năm, lợi nhuận sau thuế của HDBank đạt hơn 1.100 tỷ đồng trong quý 4/2018 và 4.005 tỷ đồng cho cả năm, hoàn thành 101,5% kế hoạch năm 2018. 

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với hạn mức tín dụng được bổ sung trong quý cuối năm, ngân hàng mẹ đã có thể tiếp tục mở rộng cho vay sau thời gian tạm thời ngưng tăng dư nợ vào quý 3/2018. Phần lớn các khoản vay được giải ngân trong quý cuối được sử dụng cho ba dự án năng lượng mặt trời (với dư nợ tổng cộng gần 3.000 tỷ đồng). 

HDBank cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các tài khoản trung tâm của một số đối tác chính (Vietjet, Petrolimex, Vinamilk, Coop-mart), từ đó tiếp cận các thành viên trong chuỗi cung ứng của các đối tác này, bao gồm khách hàng (phân khúc bán lẻ) và nhà cung cấp (phân khúc hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp SME). VDSC cho rằng phương pháp này tỏ ra có hiệu quả khá tốt bởi khi ngân hàng mở rộng cho vay mạnh mẽ thì hiệu quả hoạt động được cải thiện và chi phí dự phòng không bị ảnh hưởng do chất lượng tài sản được đảm bảo.

Việc tận dụng tốt hệ sinh thái khách hàng hiện có và cải thiện quy trình vận hành bằng cách phân bổ nguồn nhân lực hợp lý, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin cũng đã giúp HDBank cải thiện chi phí hoạt động. Năm 2018, chi phí hoạt động của nhà băng chỉ tăng 13,4% trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng tới 28,4%, nhờ đó giảm tỷ lệ CIR riêng lẻ từ 48,4% xuống còn 42,7%. 

Trong khi đó, với phương pháp cho vay hướng đến các đối tượng khách hàng thuộc hệ sinh thái có nguồn thu nhập đáng tin cậy và ổn định, chất lượng tài sản của HDBank được đảm bảo hơn. Tại ngân hàng mẹ, hơn 90% danh mục cho vay là cho vay bảo đảm. Mặc dù cho vay được mở rộng và tập trung vào phân khúc bán lẻ cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, tốc độ hình thành nợ xấu mới không phải là vấn đề đáng lo ngại với HDBank. Tổng mức nợ xấu hình thành trong năm 2018 của ngân hàng mẹ là 208 tỷ (0,2% tổng dư nợ), giảm từ 272 tỷ đồng (0,4% tổng dư nợ) của 2017 và 318 tỷ (0,6% tổng dư nợ) của 2016. Do đó, năm 2018, chi phí dự phòng của ngân hàng mẹ chỉ chiếm 4,2% của thu nhập hoạt động (so với 8,8% trong năm trước) trong khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng không thay đổi (giữ ở mức 1,1%). 

Đối với các khoản nợ VAMC, ngân hàng đã thu hồi được 431 tỷ đồng trong năm 2018, giảm dư nợ trái phiếu đặc biệt xuống còn 492 tỷ đồng (tương đương 0,4% tổng dư nợ).VDSC cũng kỳ vọng ngân hàng mẹ sẽ có thể tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019.

HD Saison cũng đẩy mạnh cho vay trong quý cuối, đạt mức tăng trưởng 12,7% trong cả năm (tăng từ 6,6% trong quý 3/2018), tuy nhiên VDSC cho rằng tín hiệu phục hồi này vẫn cần quan sát để nhận định xu hướng tăng trưởng của ngành tài chính tiêu dùng. Chất lượng tài sản của HD Saison cũng là một vấn đề đáng lưu tâm khi tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 6,5% (từ 5,9% trong năm 2017) và dự phòng bao nợ xấu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 51,0%. 

Mặt tích cực là HD Saison đã có khả năng cải thiện hiệu quả hoạt động trong khi vẫn duy trì chiến lược mở rộng theo chiều ngang. Mặc dù tổng số POS đã tăng từ 11.502 lên hơn 13.825 (tăng20.2%), số lượng nhân viên chỉ tăng nhẹ (3%), do đó chi phí vận hành gần như không thay đổi. Nhờ đó, CIR giảm từ 65,3% xuống 55,1%. 

VDSC cho rằng chiến lược hiện tại của HDBank phụ thuộc rất nhiều vào việc tăng trưởng dư nợ tín dụng, trong khi điều này lại bị ảnh hưởng lớn bởi định hướng thắt chặt tiền tệ của NHNN. Trong trường hợp việc sáp nhập với PGBank được phê duyệt thì nhiều khả năng HDBank sẽ có được nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng hơn.

Dự báo tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ là 18% và HD Saison là 15% trong năm 2019; NIM của ngân hàng mẹ sẽ tăng từ 2,7% lên 2,8% và của ngân hàng hợp nhất sẽ giữ nguyên ở mức 4,1%. Thu nhập từ dịch vụ được dự báo tăng 54,5% nhờ tăng trưởng ở cả ngân hàng mẹ và HD Saison. Nhìn chung, thu nhập hoạt động hợp nhất được kỳ vọng đạt 11.539 tỷ đồng (tăng 22,2%) và lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 5.023 tỷ đồng (tăng 25,4%).

Theo VDSC, giá mục tiêu của HDBank hiện tại ở mức 34.000 đồng, tương ứng với mức P/B dự phóng 2019 là 1,8 lần. Hiện nay HDBank đang được giao dịch với mức giá 30.400 đồng (đóng cửa vào ngày 17/02), tương đương với mức P/B 1,6 lần. Kết hợp với cổ tức tiền mặt dự kiến chi trả trong 12 tháng tới là 1.000 đồng, tổng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng là 15,1%. 

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên