Hệ hành tinh khác hứng "tận thế" trước mắt người Trái Đất
"Mắt thần" James Webb vừa chụp được một vụ va chạm tung bụi mù gấp 100.000 lần những gì tiểu hành tinh giết khủng long từng gây ra.
- 10-06-2024NASA lập kế hoạch tiếp cận 25 hành tinh có thể sống được
- 09-06-2024Hành tinh cách 1.800 năm ánh sáng giữ bí mật về số phận Trái Đất 5 tỷ năm nữa
- 07-06-2024Lộ diện "hành tinh bất tử" Phượng Hoàng, già hơn Trái Đất
Theo Live Science, những hình ảnh khốc liệt mà kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb vừa ghi nhận được là do 2 tiểu hành tinh khổng lồ đã lao mình vào hệ sao non trẻ là Beta Pictoris, nằm cách chúng ta 63 năm ánh sáng trong chòm sao Hội Giá.
Vụ va chạm đã phóng ra lượng bụi gấp 100.000 lần so với cú va chạm của tiểu hành tinh Chicxulub đã giết chết loài khủng long trên Trái Đất 66 triệu năm trước.
Trước James Webb, một kính viễn vọng khác là Spitzer của NASA đã chụp ảnh cùng một khu vực 20 năm trước.
Nhờ đó, một nhóm nghiên cứu từ Đại học John Hopkins đã chú ý đến những khối bụi silicat khổng lồ vốn không có trong hình ảnh của Spitzer. Điều này khẳng định về một vụ va chạm mới xảy ra gần đây, ngay trước mắt người Trái Đất, dù quá xa để thấy bằng mắt thường.
Beta Pictoris chỉ mới ra đời được 20 triệu năm, rất trẻ so với hệ Mặt Trời "trung niên" 4,5 tỉ tuổi của chúng ta.
Vì vậy, bên trong hệ sao này vẫn còn đĩa tiền hành tinh, là một đĩa lớn dày đặc khí bụi. Có 2 hành tinh khí khổng lồ đang dần hình thành bên trong đó.
Các nhà khoa học tin rằng hệ sao này tiếp tục hình thành các hành tinh đá phía bên trong, cũng giống như Trái Đất và các hành tinh đá xung quanh hình thành muộn hơn Sao Mộc trong hệ Mặt Trời thuở sơ khai.
Điều đó có nghĩa là hệ sao khổng lồ này vô tình trở thành một mô hình tái hiện lại quá khứ của Thái Dương hệ, thuở mà các hành tinh non trẻ có thể phải đối mặt với nhiều tác động vũ trụ khốc liệt.
Do vậy, phát hiện này cũng là cơ hội để nhân loại hiểu được các vụ va chạm sơ khai có giá trị như thế nào trong việc định hình các hệ sao và sự hình thành, tiến hóa của các hành tinh bên trong nó.
Người Lao Động