Hé lộ cuộc sống nơi huyện ‘già nhất’ Trung Quốc: Thu nhập bình quân hơn 6.300 USD/người, gia đình 2 con được giảm giá mua nhà nhưng vẫn ‘đìu hiu’
Trường học nhường chỗ cho viện dưỡng lão, đó là những gì đang diễn ra ở huyện Như Đông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
- 24-05-2023Nhà Trắng cảnh báo kịch bản tồi tệ nếu nước Mỹ vỡ nợ: Thị trường chứng khoán có thể sụt giảm 45%, suy thoái sâu sẽ ập đến ngay trong quý 3/2023
- 24-05-2023Trải nghiệm tuyến đường sắt Lào - Trung trị giá 6 tỷ USD: Nhà ga hoành tráng như sân bay, dịch vụ miễn chê so với giá vé, dân địa phương gật gù hài lòng
- 23-05-2023Bất ngờ được cấp nhà ở xã hội, đôi vợ chồng mừng như “bắt được vàng”: Hé lộ tình trạng "khát" nhà ở tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu
Hệ quả xuất hiện sau hơn 60 năm
“Ăn được ngủ được là tiên”, ông Xiao nói rằng người già chỉ cần có thế. Người đàn ông 75 tuổi này ở cùng phòng với một đôi vợ chồng tầm 80 tuổi. Họ sống ở một trường tiểu học được cải tạo thành viện dưỡng lão. Ông Xiao cho biết điều tuyệt vời nhất ở đây là người già không phải tự nấu ăn.
Cuối thập niên 1960, huyện Như Đông thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đông dân đến nỗi được chọn để thí điểm cho chính sách một con của Trung Quốc. Gần 60 năm sau, nơi đây trở thành quận già nhất Trung Quốc với gần 39% dân số là người trên 60 tuổi, hơn gấp đôi mức trung bình cả nước là 18,7%.
Hậu quả là trường học đóng cửa. Các nông trại chật vật tìm công nhân, còn người cao niên thì sống qua ngày bằng khoản lương hưu ít ỏi.
Tình hình khó khăn ở Như Đông vẽ ra viễn cảnh tương lai về vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc. Quy mô cũng như tốc độ già hoá dân số của nước này có khả năng vượt cả Nhật Bản và Italy.
Đối với Bắc Kinh, dân số già sẽ làm thay đổi mô hình tăng trưởng đã đưa Trung Quốc thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Số tiền chi cho cơ sở hạ tầng và bất động sản sẽ chuyển sang cho lương hưu, chăm sóc sức khoẻ và nỗ lực tìm công nhân trẻ trong các nhà máy.
Trung Quốc cũng sẽ phải giải quyết tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng trong hệ thống lương hưu. Nhiều cư dân thành thị nhận được khoản trợ cấp cao hơn so với người lao động nhập cư và dân cư nông thôn.
Huang Wenzheng, một thành viên cấp cao của trung tâm Center for China and Globalization cảnh báo: “Những gì bạn nhìn thấy ở Như Đông hiện tại mới chỉ là khởi đầu. Một ngày nào đó, Như Đông sẽ hoá thành phố ma”.
Khi chính sách một con được đưa ra, người dân hy vọng những gia đình đông đúc sẽ được xoá đói giảm nghèo. Theo thời gian, chính sách này bén rễ và quy mô các gia đình giảm dần. Đến thập niên 1980, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, người trẻ bắt đầu rời Như Đông để tìm cơ hội ở các thành phố khác.
Đến khi Trung Quốc từ bỏ chính sách một con vào năm 2016, mọi thứ đã quá muộn với Như Đông. Từ năm 2010-2020, dân số của huyện đã giảm gần 12% xuống còn 880.000 người. Thu nhập bình quân năm 2022 là 43.645 NDT (6.315 USD)/người, cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng tụt hậu so với các khu vực khác của Giang Tô.
Người già lại càng khó khăn hơn. Nhiều người cao tuổi ở Như Đông cho biết lương hưu của họ là 300 NDT/tháng hoặc thấp hơn. Hầu hết họ không muốn xin tiền con cái vì sinh hoạt phí ở nước này ngày một tăng. Vì thế, họ tìm mọi công việc có thể để kiếm sống.
Nỗ lực của chính quyền địa phương
Trước cửa ngôi chùa cổ Guoqing ở Như Đông, một bà lão bán hương 77 tuổi cho biết bà vẫn làm việc vì không muốn trở thành gánh nặng cho con trai. Một người đạp xích lô 64 tuổi kể rằng ông không thể làm nghề mộc trước đây vì đã già. “Không ai muốn thuê tôi”, ông nói.
Trên những cánh đồng ở Như Đông, người ta có thể bắt gặp những người cao tuổi đang cặm cụi. Họ cuốc đất trồng hành và được trả 8 NDT/giờ. Người quản lý cho biết điều này tốt cho họ, vì họ sẽ bị ốm nếu chỉ quanh quẩn ở nhà.
Chính quyền Như Đông đang tìm mọi cách để thu hút lao động trẻ. Họ đưa ra nhiều đãi ngộ hấp dẫn từ lương thưởng đến trợ cấp nhà ở. Tại một nhà máy sản xuất, công nhân nam trẻ tuổi có thể nhận mức lương từ 6.500 NDT trở lên. Còn tại một khu nhà ở mới xây dựng, các nhà môi giới cho biết chính quyền địa phương giảm giá cho người mua là tiến sĩ, thạc sĩ hoặc gia đình 2 con.
Không chỉ ở Như Đông, các biện pháp khuyến khích này đang được triển khai trên khắp Trung Quốc. Các sáng kiến bao gồm hạn chế chi phí kết hôn, hỗ trợ cho gia đình có con thứ ba, kéo dài thời gian nghỉ thai sản…
Nhưng các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu các sáng kiến này có đủ để bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc khỏi suy giảm nhân khẩu học hay không. Để bù đắp điều này, chính phủ Trung Quốc sẽ cần khuyến khích mọi người làm việc ngoài tuổi nghỉ hưu và tìm việc ở các thành phố.
Nhưng cho đến khi các biện pháp đó được thực hiện toàn diện, các huyện bán nông thôn như Như Đông sẽ phải tiếp tục chật vật với già hoá dân số.
Tham khảo FT
Nhịp Sống Thị Trường