Trải nghiệm tuyến đường sắt Lào - Trung trị giá 6 tỷ USD: Nhà ga hoành tráng như sân bay, dịch vụ miễn chê so với giá vé, dân địa phương gật gù hài lòng
“Chúng tôi yêu đường sắt", một hành khách địa phương tên Sang thốt lên.
- 23-05-2023Bất ngờ được cấp nhà ở xã hội, đôi vợ chồng mừng như “bắt được vàng”: Hé lộ tình trạng "khát" nhà ở tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu
- 23-05-2023Nợ chồng nợ: Nỗi bất an treo lơ lửng trên đầu các doanh nghiệp phương Tây
- 22-05-2023Thương vụ kỳ lạ tuổi đôi mươi của huyền thoại Warren Buffett: Tưởng "điên rồ" nhưng hoá ra là nước đi cao tay mang về lợi nhuận lớn
Lào là một quốc gia với 2/3 dân số sống ở các cộng đồng nông thôn. Một tuyến đường sắt bóng loáng do Trung Quốc tài trợ đang đi qua những khu vực này.
Tuyến đường sắt Lào – Trung Quốc là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử của Lào. Đó là một mạng lưới tàu hoả khổng lồ dài 1.000 km kết nối Lào, Thái Lan và thành phố Côn Minh của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Phóng viên ảnh Marielle Descalsota của Insider đã có chuyến trải nghiệm thực tế hành trình trên tuyến đường sắt này. Đầu tháng 4, cô bay từ Singapore sang Lào để tận mắt chứng kiến xem công trình đang phát triển ra sao. Descalsota từng đi một chuyến tàu giường nằm từ Chiang Mai đến Bangkok ở Thái Lan. Còn đây là lần đầu tiên cô đi tàu hoả ở Lào.
Vào thời điểm đến thăm Lào, toàn bộ tuyến đường sắt vẫn chưa hoàn thành. Cô phóng viên chỉ có thể trải nghiệm một đoạn đường. Hành trình của Descalsota bắt đầu từ Viêng Chăn, thành phố lớn nhất ở Lào và là nơi sinh sống của phần lớn dân thành thị.
Đối với du khách quốc tế, Lào nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp: thác nước hùng vĩ, núi đồi trập trùng và những con sông lớn. Đây là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không giáp biển.
Trên TikTok, khách du lịch chia sẻ những thước phim thơ mộng về bầu trời trong xanh và núi non ngút ngàn. Nhưng khi đáp xuống Sân bay Quốc tế Wattay, Descalsota thấy làn khói trắng che mờ cả tầm nhìn. Hoá ra, ngày cô đặt chân đến thủ đô Lào, một số đám cháy đang diễn ra. Thị trấn Vang Vieng, cách Viêng Chăn khoảng 128km về phía bắc, là điểm đến cuối cùng của cô. Cô hy vọng sẽ được đến đó hít thở bầu khí trong lành hơn so với thành phố.
Một vé tàu hạng nhất đến Vang Vieng là 200.000 Kip Lào, tương đương khoảng 12 USD. Descalsota trả thêm khoảng 7 USD khi đặt vé trực tuyến qua công ty du lịch 12Go có trụ sở ở Thái Lan. Cô khuyên du khách tốt nhất nên mua vé trực tiếp nếu có thể.
Tuyến đường sắt mới của Lào là dự án có tổng chi phí xây dựng là 6 tỷ USD. Số tiền đầu tư khổng lồ ấy thể hiện qua nhà ga hoành tráng Vientiane Railway Station.
Nhà ga tàu hoả của Viêng Chăn dường như là công trình kiến trúc hiện đại nhất thành phố. Quyền sở hữu tuyến đường sắt được chia cho 3 công ty quốc doanh Trung Quốc và chính phủ Lào.
Hầu hết du khách là người dân địa phương, nhưng cũng có thể thấy sức ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua các biển hiệu và bảng thông báo song ngữ Lào - Trung. Một số tấm biển có cả tiếng Anh nhưng không quá nhiều.
Một người dân địa phương tên Sang nói với Descalsota: “Chúng tôi yêu đường sắt. Lần trước, tôi mất 6 tiếng mới đến được Luang Prabang (một thành phố phía bắc Viêng Chăn). Giờ chỉ hết có 2 tiếng”.
Chuyến tàu đến Vang Vieng khởi hành đúng giờ. Hành khách hối hả xếp hàng lên tàu nhưng rất trật tự. Hành trình hôm đó chỉ có một vài khách du lịch nước ngoài, còn lại là du khách địa phương. Họ thậm chí còn chẳng mang theo nhiều đồ đạc.
Phóng viên bị ấn tượng khi thấy con tàu sáng bóng và mới tinh. Mỗi cửa lên xuống đều có nhân viên mặc đồng phục túc trực. Chiếc CR200J do nhà sản xuất đầu máy xe lửa CCRC chế tạo. Tàu có thể di chuyển 160 km/h và có biệt danh giống siêu anh hùng “Hulk” vì lớp sơn màu xanh lá bên ngoài.
Bên trong toa, hàng chục nhân viên chào đón khách giống như tiếp viên hàng không. Cảm nhận của Descalsota là khoang hạng nhất trông không quá sang trọng, nhưng rộng và sạch sẽ. Ghế ngồi ở toa hạng nhất thoải mái, có thể ngả ra sau, có chỗ để chân và bàn ăn gập. Cô cho rằng dịch vụ không có gì để chê với một mức giá như vậy.
Khi đoàn tàu bắt đầu rời ga, khung cảnh thay đổi hẳn so với nhà ga hoành tráng. Đi sâu hơn vào vùng nông thôn của Lào, hành khách có thể nhìn thấy những cánh đồng hoa màu trải rộng tít tắp trong khói mờ, cũng như môi trường sống của người dân nông thôn. Những ngôi nhà được bao quanh bởi cây cối xum xuê, vì mật độ dân cư ở nông thôn khá thưa thớt.
Giống như đường sắt, nhiều con đường cao tốc của Lào được Trung Quốc tài trợ. Những con đường này có kế hoạch kéo dài từ Viêng Chăn đến Boten. Đường cao tốc Viêng Chăn-Vang Vieng thuộc sở hữu của Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Vân Nam, ngoại trừ 5% cổ phần của chính phủ Lào. Hiện tại, số lượng phương tiện di chuyển trên tuyến đường cao tốc này còn khá vắng.
Khi đoàn tàu tiến gần hơn đến Vang Vieng, nguyên nhân của những làn khói mờ lộ diện. Nông dân ở Lào đốt nương làm rẫy, giống như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Đôi khi, hệ quả của hành động này có thể gây ra cháy rừng và các bệnh về đường hô hấp.
Sau khoảng 1 tiếng, tàu đến Vang Vieng. Nhưng Descalsota đã không có cơ hội được hít thở bầu khí trong lành, vì khói trắng bao phủ khắp nơi. Những vách đá tuyệt đẹp của thị trấn cũng bị khói che khuất. Nhiệt độ cao khiến bầu khí thêm ngột ngạt.
Tuy nhiên, người dân dường như đã quen với điều này. Một số người đi ngoài trời mà chẳng cần đeo khẩu trang. Họ vẫn lái xe tuk-tuk, làm việc dưới nắng và phục vụ khách tại khách sạn.
Tham khảo BI
Nhịp Sống Thị Trường