Hé lộ về đồng tiền tệ mới của BRICS: Được hỗ trợ bằng vàng, sẽ sớm đe doạ vị thế dẫn đầu của đồng USD?
Nhiều báo cáo mới đây cho thấy đồng tiền mới của BRICS có thể được hỗ trợ bằng vàng chứ không phải USD hay các đồng tiền tệ khác.
BRICS đang đặt mục tiêu cho ra mắt một đồng tiền tệ mới được hỗ trợ bởi vàng nhằm cạnh tranh với đồng USD. Đồng tiền chung của khối sẽ giúp BRICS mở ra một kỷ nguyên tài chính mới và trở thành nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của nhóm các quốc gia đang phát triển này.
Nhiều báo cáo mới đây cho thấy đồng tiền mới của BRICS có thể được hỗ trợ bằng vàng chứ không phải USD hay các đồng tiền tệ khác. Khối này đặt mục tiêu quay lại chế độ bản vị vàng và duy trì một thế giới đa cực đối với mọi hoạt động thương mại, giao dịch.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết các nước BRICS đang là bên mua vàng lớn nhất kể từ năm 2022 và đang tích luỹ hàng tấn kim loại quý này trong kho dự trữ.
Nhà kinh tế Thorsten Polleit nhận định, việc BRICS tạo ra một đồng tiền được hỗ trợ bằng vàng sẽ “gây bão” cho thị trường tài chính. Ông chỉ ra: “Một đồng tiền giao dịch quốc tế mới, được hỗ trợ bằng vàng, dường như chính là đồng tiền mà họ đang sẵn có. Và đây cũng là một thách thức lớn đối với vị thế thống trị của đồng USD.”
Trung Quốc hiện vẫn là “nhà đầu tư” lớn nhất trong khối đối với vàng. WGC cho biết, Trung Quốc đang khuyến khích các quốc gia BRICS khác mua kim loại quý này để dự trữ chứ không phải đồng USD. Chỉ trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã nắm giữ hơn 300 tấn vàng trị giá 561 tỷ USD.
Đồng tiền chung được hỗ trợ bằng vàng của BRICS có thể là nhân tố “thay đổi cuộc chơi” trên thị trường tài chính và có thể gây bất lợi cho đồng USD. Thời gian gần đây, các nước đang phát triển có xu hướng né tránh đồng USD và sử dụng các lựa chọn thay thế để giao dịch xuyên biên giới. Theo đó, bước tiến với đồng tiền tệ mới này sẽ càng củng cố vị thế của BRICS và các nền kinh tế mới nổi khác, khiến đồng USD bị bỏ xa.
Hội nghị thượng đỉnh sắp tới được tổ chức vào tháng 10 sẽ làm rõ hơn các kế hoạch của BRICS trong quá trình phi đô la hoá.
Việc ra mắt đồng tiền tệ mới nằm trong nỗ lực của BRICS nhằm né tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây và tăng lợi nhuận của lĩnh vực dầu mỏ. Với nỗ lực tích luỹ vàng và sản xuất dầu, kế hoạch phi đô la hoá của BRICS đã cho thấy hiệu quả trong năm nay.
So với các đồng tiền tệ khác trên toàn cầu, giá trị và uy tín của đồng USD phần nào đã giảm. Khi BRICS ngày càng có nhiều thành viên và nhận được sự quan tâm lớn, ngày càng nhiều quốc gia trên toàn thế giới đang nỗ lực chuyển sang một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới, không phải đồng bạc xanh.
Nếu BRICS và các quốc gia khác ngừng sử dụng đồng bạc xanh, kinh tế Mỹ có thể bước vào giai đoạn siêu lạm phát. Giá của các loại hàng hoá thiết yếu có thể tăng vọt, trong khi tiền lương trên cả nước vẫn trì trệ. Hơn nữa, có thể một loạt đợt cắt giảm nhân sự sẽ diễn ra khi các doanh nghiệp gặp áp lực về chi phí hoạt động.
Tuy nhiên, báo cáo mới công bố của Trung tâm Địa kinh tế thuộc Atlantic Council cho thấy đồng USD vẫn đứng đầu trong dự trữ ngoại hối, thanh toán thương mại và giao dịch tiền tệ trên toàn cầu. Vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng tiền này vẫn được đảm bảo trong ngắn và trung hạn.
Tổng hợp
Nhịp sống thị trường