MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hệ lụy đấu giá đất Thủ Thiêm: Ai là nạn nhân của cơn 'địa chấn'?

Sau phiên đấu giá thành công 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM) và thông tin các nhà đầu tư đã ký hợp đồng mua bán khi trúng đấu giá, không chỉ giá đất ở Thủ Thiêm mà đất ở cả thành phố (TP) Thủ Đức cũng tăng vọt.

Tăng gấp đôi

Phiên đấu giá đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM) với mức cao nhất lên tới gần 2,5 tỷ đồng/m2 ngay lập tức đã kéo theo “cò’’ đất, “sóng giá đất” nổi lên. Theo khảo sát của PV Tiền Phong, giá căn hộ ở Khu đô thị Thủ Thiêm xung quanh khu vực 4 lô đất vừa được đấu giá đều thuộc dạng siêu sang thì nay tiếp tục tăng lên mức giá đắt đỏ. Cụ thể, một dự án có khoảng 1.100 căn hộ trên đường Nguyễn Cơ Thạch (TP Thủ Đức) mở bán năm 2020 với giá khoảng 100 triệu đồng/m2 thì sáng 20/12 ghi nhận giao dịch ở mức 140-150 triệu đồng/m2, cao hơn 20-30 triệu đồng so với tháng trước.

Một dự án căn hộ hạng sang khác nằm trên đường Lương Định Của có giá giao dịch từ 150 đến 220 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với hồi đầu năm dù chưa bàn giao. Với những dự án sắp mở bán, nhiều chủ đầu tư ngưng kế hoạch ra hàng dịp cuối năm, dù chủ đầu tư đã ký hợp đồng môi giới với sàn F1, trả lại tiền cọc cho khách hàng. Dự kiến, giá bán mới tăng 1-1,5 tỷ đồng/căn hộ.

Hệ lụy đấu giá đất Thủ Thiêm: Ai là nạn nhân của cơn địa chấn? - Ảnh 1.

Việc doanh nghiệp đấu giá thành công 4 lô đất ở Thủ Thiêm khiến thị trường bất động sản tăng giá mạnh

Thế nhưng, đất nền mới là phân khúc tăng giá mạnh nhất sau khi phiên đấu giá thành công. Từng có 15 năm làm môi giới nhà đất ở khu Đông, chị Lê Thị Bảo chưa bao giờ thấy giá đất tăng mạnh như 1 tuần qua. Chẳng hạn, trước phiên đấu giá, một căn biệt thự rộng 500m2 trong Khu đô thị Sala có giá bán 150 tỷ đồng thì nay đã được đẩy lên gần 250 tỷ đồng.

Tương tự, một căn nhà phố trên đường Nguyễn Cơ Thạch trước đây được bán với giá 35 tỷ đồng thì nay đang giao dịch với mức 45-47 tỷ đồng/căn. Chị Bảo cho biết thêm, trước kia mỗi lần bất động sản tăng giá, mọi người lại đổ cho môi giới thế nhưng lần này giá tăng chỉ xuất phát từ người bán. Họ thấy giá đấu giá cao quá nên đẩy lên thôi.

“Giá này là giao dịch thật, không phải đầu cơ hay môi giới mua để lướt sóng ăn chênh lệch. Giá tăng cao khiến môi giới cũng lao đao vì rất khó ra hàng. Hơn nữa, cả khách mua lẫn chủ đất đều lần lữa nghe ngóng nên chưa ai chịu chốt. Có hợp đồng đã đi được 95% cũng bị hủy vì chủ đòi tăng giá”, chị Bảo nói.

Không chỉ khu vực Thủ Thiêm mà cả TP Thủ Đức, giá đất cũng tăng theo vụ đấu giá. Cụ thể, giá đất tại khu Đông Thủ Thiêm, khu Nam Rạch Chiếc, khu Cát Lái, khu Đảo Kim Cương… trước kia được giao dịch 160-164 triệu đồng/m2 thì nay đã rao bán 200-250 triệu đồng/m2. Tại quận 9 cũ (cách Thủ Thiêm 20km) các nền đất 100m2 cũng đã tăng 1-2 tỷ đồng/nền. Các lô đất lớn từ 300m2 trở lên tăng thêm 8-10 triệu đồng/m2. Cá biệt, mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp đã được rao bán 200 triệu đồng/m2.

Tác động tiêu cực

Sau phiên đấu giá, hệ quả dễ thấy nhất là đất nền tiếp tục tăng, doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đầu tư quanh khu vực Thủ Thiêm cũng chịu ảnh hưởng. Giá đất tăng lên, thuế sẽ tăng, tiền sử dụng đất theo khung mới áp dụng theo giá thị trường cũng tăng. Doanh nghiệp sẽ chịu thuế cao hơn và xa hơn nữa giá thành căn hộ cũng theo đó tăng, việc sở hữu nhà càng xa tầm tay với người thu nhập thấp.

Dưới góc độ doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land tỏ ra bàng hoàng với mức giá đất tăng sau 4 phiên đấu giá đất Thủ Thiêm. Bà Hương cho biết, bà không hiểu vì sao các nhà đầu tư có thể đưa ra mức giá không tưởng như vậy để có được các lô đất này. Từ kết quả đó, bà Hương lo ngại giá đất ở Thủ Thiêm và các khu vực lân cận tiếp tục leo thang. Những lô đất sắp đấu giá trong năm 2022 cũng gây áp lực lớn cho các nhà đầu tư khi bỏ giá. Bởi lẽ, khi giá khởi điểm quá cao, các doanh nghiệp sẽ rất e dè.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, mức giá quá cao từ các lô đất được bán thành công sẽ ảnh hưởng đến cả khu vực, cũng như kéo mặt bằng giá bất động sản ở các khu xung quanh lên một mức cao mới. Một trong những tác động của việc giá đất tăng cao là các kế hoạch bình ổn thị trường nhà ở tại TPHCM đứng trước thách thức, khó thành hiện thực. Các nhà phát triển bất động sản khó tìm được quỹ đất giá phù hợp để phát triển nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu của phần lớn người dân TPHCM.

“Trước mắt, các khu vực xung quanh Thủ Thiêm, bất động sản hàng hiệu, hạng sang sẽ tiếp tục leo thang. Với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà giá thấp như hiện tại thì trong thời gian tới, nhà giá thấp lại càng biến mất, sẽ bất lợi cho việc ổn định cung cầu, an sinh xã hội... Bởi lẽ, các doanh nghiệp sẽ triệt tiêu phân khúc nhà giá thấp để chuyển sang các loại nhà giá cao, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận của mình”, ông Châu nói.

Chủ tịch HoREA cho biết thêm, việc trúng giá cao thể hiện việc kỳ vọng vào tương lai Thủ Thiêm của nhà đầu tư, chắc hẳn họ đã có kế hoạch của mình. Tuy nhiên, khi mức giá quá cao phần nào đó tác động xấu đến việc thu hút đầu tư vào Thủ Thiêm trong tương lai, bởi đây là khu vực được TPHCM định hướng trở thành trung tâm tài chính của cả nước. Vì vậy, đây là câu chuyện hiệu quả thực tế của tiến trình thực hiện nghĩa vụ sau khi đấu giá, từ việc đóng tiền lẫn triển khai dự án. Quá trình này hoàn tất đúng kế hoạch thì mới khẳng định được việc đấu giá thành công.

Tương tự, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Ngô Viết nói rằng, giá trị địa ốc không bao giờ tăng cao đột biến nếu thiếu những động lực cần thiết, như quy hoạch tốt, hạ tầng tốt, chính sách đặc thù tốt... Ông Sơn đánh giá, đấu giá đất của một dự án tại Khu đô thị Thủ Thiêm hiện nay như vậy là quá cao, không phải đáng mừng mà đáng lo và cần có kế hoạch ứng phó. Một nhà đầu tư không thể duy ý chí, tác động làm cho giá đất khu vực xung quanh tăng cao bất thường giống như vậy được, vì xây xong nhà bán sẽ không có ai mua.

Theo Duy Quang

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên