Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn rời rạc
Các thành phần của một hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã có đủ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp.
Năm 2016 được Chính phủ chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, với mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai với Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Nhìn lại năm qua, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ sở ươm tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh... tăng cả số lượng và chất lượng.
Có thể nói, năm 2016 là năm khởi nghiệp doanh nghiệp của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công như Lozi - Mạng xã hội về ẩm thực, mua bán đồ thời trang và điện tử, Beeketing với giải pháp marketing online, Hệ thống đặt phòng trực tuyến Vntrip.vn...
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Mạng Lozi có khoảng 400.000 người dùng và doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng và ngay trong tháng 11 vừa qua, đã nhận được khoản đầu tư 1 triệu USD từ Hàn Quốc. Beeketing đã xuất sắc được Quỹ đầu tư 500 startups tại thung lũng Silicon, Mỹ lựa chọn đầu tư 150.000 USD và được định giá 2,5 triệu USD.
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công, anh Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công nghệ Hệ thống đặt phòng trực tuyến Vntrip.vn cho biết, điều quan trọng các nhà đầu tư quan tâm là định hướng của công ty cùng với đội ngũ đang vận hành, làm việc cùng công ty như thế nào.
“Một ví dụ cụ thể đối với Vntrip.vn là các nhà đầu tư rất quan tâm đến việc có bao nhiêu khách hàng quay lại Vntrip hơn là việc hệ thống có thêm bao nhiêu khách hàng mới”, anh Thái cho biết.
Tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Các mô hình này đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
Đứng thứ 3 trong danh sách những quốc gia tốt nhất thế giới nên đầu tư vào, Việt Nam đang thu hút các Quỹ đầu tư mạo hiểm trên khắp thế giới. Tháng 2 Triipme gọi vốn được 10 tỷ đồng; MoMo do Công ty cổ phần M_Service sở hữu đã nhận được khoản đầu tư lên tới hơn 600 tỷ đồng và tháng 5 Gotlt nhận được khoản 200 tỷ đồng và lọt vào Top 2 ứng dụng Apple Store..
Hiện nay các thành phần của một hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã có đủ, nhưng hoạt động còn rời rạc ở quy mô nhỏ, cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể bùng nổ như các nước khác.
Theo ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT Ventures, đó là do việc thực thi chính sách hỗ trợ còn thiếu đồng bộ, thủ tục phức tạp, các quy định về đầu tư mạo hiểm - thành phần cốt yếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp cũng chưa được rõ nét.
“Câu chuyện về hành lang pháp lý để doanh nghiệp có thể thành lập và giải thể được thuận lợi, dễ dàng là vấn đề Việt Nam cần cải tiến. Các quốc gia khác đang chạy với gia tốc rất nhanh. Việt Nam có cải tiến hơn nhưng vẫn chưa bằng họ. Một doanh nghiệp ở Singapore trong vòng tối đa 2 ngày họ có được giấy phép đăng ký kinh doanh, tài khoản ngân hàng và sau đó họ đi vào hoạt động. Nhưng thủ tục đó ở Việt Nam ít nhất là 1 tuần. Nếu doanh nghiệp đó lại nhận đầu tư từ nước ngoài thời gian sẽ còn lâu hơn”, ông Đức cho biết.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp như: xây dựng cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương; kết nối mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với quốc tế; ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Qua đó, bước đầu hình thành và phát triển cả về hình thức và nội dung hoạt động của thị trường khoa học và công nghệ trong nước thông qua các hoạt động như: chợ công nghệ, thiết bị, kết nối cung - cầu công nghệ và Ngày hội khởi nghiệp công nghệ.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam cần phải đảm bảo môi trường pháp lý, công khai minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin từ các thủ tục thành lập, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp cho các nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp biết để dàng thâm nhập vào kho cơ sở dữ liệu. Điều đó mới giúp cho hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam thuận lợi. Ngoài ra các văn bản chính sách có liên quan đến việc đầu tư tại Việt Nam cũng cần được quy định rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.
Với tinh thần hỗ trợ khởi nghiệp và sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã dành một chương cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó hoạt động khởi nghiệp được đưa vào và hình thành quy định cụ thể.
Theo ý kiến chuyên gia, cần có chính sách riêng biệt cho từng loại hình khởi nghiệp. Nếu cá nhân chỉ đơn thuần mở dịch vụ quy mô nhỏ sẽ được tạo điều kiện thương mại thuận lợi giảm chi phí, phiền hà quy định hành chính. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao, đầu tư chất xám thì phải có chính sách hỗ trợ thiết thực nếu gặp thất bại sẽ tiếp tục nghiên cứu khởi nghiệp./.
VOV