Hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan Thuế xử lý hàng triệu giao dịch mỗi phút
Cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý trên 58 triệu hóa đơn điện tử. Lúc cao điểm, hệ thống hóa đơn điện tử thực hiện tới 1,7 triệu giao dịch trong 1 phút.
- 21-04-2022TP Vũng Tàu triển khai thanh toán không dùng tiền mặt
- 21-04-2022Chuyên gia bàn chuyện pháp lý của các nền tảng số: Khi cài Uber, 18 điều khoản dài 400 trang, không người dùng nào đọc hết được!
- 21-04-2022"Khai tử" hóa đơn giấy từ 1/7
Tháng 3/2022, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) chính thức triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định. Các địa phương này chiếm khoảng 60% lượng doanh nghiệp và khoảng 70% hóa đơn điện tử của cả nước.
Theo số liệu thống kê, cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý trên 58 triệu hóa đơn, trong đó có 44 triệu hóa đơn có mã đã gửi cơ quan thuế. Hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là trên 5,5 triệu hóa đơn. Hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp đến cơ quan thuế là 8,6 triệu hóa đơn.
Thủ tướng tham dự buổi kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử. Ảnh: Tổng cục Thuế
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thành công trong triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 là nền tảng quan trọng để triển khai thực hiện giai đoạn 2 trên phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, với việc công bố, đưa vào vận hành 2 ứng dụng, gồm Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam và ứng dụng EtaxMobile, ngành thuế đã cung cấp thêm sự lựa chọn tối ưu cho người nộp thuế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, khai, nộp thuế bằng phương thức điện tử thông qua điện thoại thông minh hay máy tính bảng.Ở thời gian cao điểm, hệ thống hóa đơn điện tử thực hiện tới 1,7 triệu giao dịch trong 1 phút. Mỗi giao dịch cấp mã hóa đơn chỉ mất khoảng 0,01 giây. Theo lộ trình của cơ quan thuế, đến 10/5 phải hoàn thành tối thiểu 50%, và đến hết ngày 30/6, toàn bộ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu cơ quan thuế các cấp cần quán triệt đến toàn hệ thống thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử, đảm bảo đến trước ngày 1/7, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực triển khai hóa đơn điện tử và cho rằng, kết quả bước đầu cho thấy việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử là 'mũi tên trúng nhiều đích', góp phần thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả triển khai hệ thống hóa đơn điện tử. Ảnh: Tổng cục Thuế |
Thủ tướng lưu ý thời gian tới, ngành thuế cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, bảo đảm việc kê khai thuế, nộp thuế điện tử đơn giản và dễ dàng nhất. Mục tiêu đến cuối năm 2022, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng cần có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, ứng dụng mạnh mẽ KHCN, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong lĩnh vực quản lý thuế. “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là động lực của chuyển đổi số và vận động người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Tư duy đột phá sẽ tạo ra nguồn lực”, Thủ tướng nói.
Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu một cách thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ thực hiện công tác quản lý thuế mà còn phải phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống hóa đơn điện tử để hình thành hệ sinh thái dịch vụ thuế thông minh và là 1 trong 4 trụ cột của hệ sinh thái tài chính số.
Công tác triển khai hóa đơn điện tử phải bảo đảm dữ liệu chính xác, công khai, minh bạch; bảo đảm an toàn thông tin; tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích dữ liệu để phát hiện kịp thời hành vi gian lận gây thất thu thuế. Đẩy mạnh quản lý thuế theo nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế và thúc đẩy quản lý thuế đối với TMĐT và các giao dịch xuyên biên giới.
Ngành Thuế cũng cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu hóa đơn điện tử trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ ngành, địa phương; đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số; phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cập nhật các công nghệ mới trong hóa đơn điện tử.
ictnews