Heineken nêu lý do dừng hoạt động nhà máy bia tại Quảng Nam
LĐại diện Heineken Việt Nam cho biết quyết định dừng hoạt động nhà máy bia tại Quảng Nam nhằm tối ưu hóa quy mô sản xuất và thích ứng với thực tế đang có nhiều thay đổi.
- 25-06-2024Vì sao các công ty bia của Sabeco, Habeco, Heineken đóng vai trò quan trọng 'hàng đầu' tại các địa phương?
- 24-06-2024Nhiều năm liền nộp ngân sách cả nghìn tỷ chỉ đứng sau THACO, Heineken tạm dừng nhà máy sẽ tác động lớn tới tỉnh Quảng Nam?
- 24-06-2024Một nhà máy của Heineken tại Việt Nam tạm dừng hoạt động
- 29-05-2024Từng lãi 10-12 nghìn tỷ mỗi năm tại Việt Nam, lợi nhuận 2023 của Heineken có thể đã sụt giảm gần một nửa nhưng vẫn lãi vượt xa Sabeco, Habeco
Ngày 25-6, đại diện Heineken Việt Nam xác nhận công ty đang tiến hành các thủ tục để tạm ngừng hoạt động dự án Nhà máy bia Heineken chi nhánh Quảng Nam vào tháng 6-2024.
Lý do là từ sau giai đoạn dịch COVID-19, nền kinh tế nói chung, bao gồm ngành bia, đã đối mặt rất nhiều thách thức, dẫn đến sự sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 100/2019 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi và hình thành thói quen tiêu dùng mới của người tiêu dùng.
Thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm 2 con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm 1 con số tính đến nay.
"Để có thể thích ứng với tình hình hiện tại, tiếp tục phát triển với thị trường đang và sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai, chúng tôi đã quyết định tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình" – đại diện Heineken cho biết.
Nhà máy bia Quảng Nam có công suất nhỏ nhất trong số 6 nhà máy của Heineken tại Việt Nam. Việc dừng hoạt động nhà máy này là nhằm tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam, qua đó hỗ trợ lực lượng lao động hiện hữu và duy trì hoạt động kinh doanh cùng chuỗi giá trị công ty này đang tạo ra.
Bên cạnh đó, quyết định này phù hợp với tham vọng, trách nhiệm của Việt Nam và Heineken Việt Nam trong việc hướng tới mục tiêu không phát thải các-bon trong hoạt động sản xuất. "Chúng tôi cần tiếp tục tối ưu hóa với ít nhà máy hơn nhưng mỗi nhà máy lớn hơn về quy mô" – đại diện Heineken nêu.
Để đi đến quyết định dừng hoạt động nhà máy ở Quảng Nam, Heineken Việt Nam đã cân nhắc kỹ lưỡng, cam kết luôn tôn trọng, quan tâm, cũng như hỗ trợ mọi nhân viên bị ảnh hưởng trong quá trình đóng cửa nhà máy này.
Công ty đồng thời cam kết tiếp tục tin tưởng Việt Nam là một thị trường kinh doanh tiềm năng; cam kết sẽ tiếp tục đầu tư hoạt động thương mại mạnh mẽ tại khu vực Quảng Nam và miền Trung.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào thương hiệu Larue tại tỉnh Quảng Nam, đồng hành cùng phát triển du lịch tại Quảng Nam và đồng hành quảng bá làng nghề truyền thống tại Quảng Nam" – đại diện Heineken Việt Nam nhấn mạnh.
Là liên doanh giữa Heineken và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Heineken Việt Nam có bề dày lịch sử hơn 30 năm với nhiều thành tựu. Từ nhà máy đầu tiên tại TP HCM năm 1991, Heineken Việt Nam đến nay đã có 6 nhà máy và hơn 3.000 nhân viên trên khắp cả nước, sản xuất và phân phối các nhãn hiệu Heineken, Tiger, Larue, Bia Việt, Strongbow…
Đến nay, Heineken đã đầu tư hơn 1 tỉ EUR tại Việt Nam, tạo ra gần 250.000 việc làm trong toàn bộ chuỗi giá trị, đóng góp tương đương 1,04% GDP quốc gia. Đây cũng là 1 trong những doanh nghiệp đóng góp thuế nhiều nhất cho ngân sách nhà nước nhiều năm liền.
Trước khi có quy định về nồng độ cồn, Heineken mang về cho SATRA 4.000-5.000 tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm. Quy đổi từ mức độ sở hữu của SATRA là 40% vốn của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, 40% vốn của Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading); ước tính lợi nhuận sau thuế của hệ thống Heineken Việt Nam khoảng 10.000-12.000 tỉ đồng.
Năm 2023, lợi nhuận từ liên doanh liên kết của SATRA chỉ còn 2.700 tỉ đồng, thấp nhất trong nhiều năm. Ước tính lợi nhuận của hãng bia này chỉ còn 6.000-7.000 tỉ đồng.
Người lao động