Hét giá phụ kiện đắt hơn gấp 10 lần bên ngoài - Bóc mẽ chiêu trò đại lý ô tô qua mặt khách Việt
Hét giá phụ kiện đắt hơn gấp 10 lần bên ngoài - Bóc mẽ chiêu trò đại lý ô tô qua mặt khách Việt
- 13-08-2019Ô tô Trung Quốc khó hút khách Việt
- 12-08-2019Top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 7/2019: Hyundai SantaFe lần đầu tiên xuất hiện
- 12-08-2019Cận tháng cô hồn, người Việt hạn chế mua ô tô để chờ khuyến mãi
"Tặng phụ kiện" là cụm từ mà khách hàng thường nghe tới khi đến các đại lý ô tô. Đây là hình thức khuyến mãi mà đại lý ô tô thường áp dụng đối với các mẫu xe bán chậm hoặc cần thúc đẩy doanh số. Tùy theo từng đại lý, từng mẫu xe, gói phụ kiện tặng cho khách hàng sẽ có giá trị khác nhau, ít thì vài triệu đồng, nhiều là vài chục triệu đồng hay thậm chí lên tới cả trăm triệu đồng.
Các đại lý Honda đang tặng phụ kiện cho tất cả mẫu xe đang bán trên thị trường.
Đại lý ô tô chính hãng bán cả phụ kiện không phải chính hãng đó sản xuất
Theo quan niệm của nhiều người, "đồ hãng" đồng nghĩa với phụ kiện đó là do chính hãng ô tô đó sản xuất (ví dụ như Honda, Toyota hay Ford), và loại phụ kiện này được mặc định là luôn tốt hơn "bên ngoài". "Bên ngoài" ở đây là các cửa hàng hay garage kinh doanh phụ tùng, phụ kiện tư nhân.
"Nhưng thực tế không phải vậy, phụ kiện ở đại lý ô tô luôn có 2 loại. Ví dụ với riêng Honda, một loại là chính hãng Honda Việt Nam cung cấp và loại thứ 2 là đại lý tự chọn các đơn vị bên ngoài", một nhân viên tư vấn bán hàng của Honda cho hay. "Vì không phải phụ kiện nào Honda Việt Nam cũng sản xuất hay cung cấp, nên đại lý sẽ tự chọn đơn vị cung cấp phụ kiện bên ngoài".
"Ví dụ như film cách nhiệt, mỗi đại lý liên kết với một đơn vị khác nhau, nên giá có thể chênh tới 5-7 triệu đồng/bộ", vị này nói thêm.
Với mẫu riêng City, phụ kiện "chính hãng" mà Honda Việt Nam cung cấp gồm thảm, phủ mâm, phủ lốp, cánh gió, đuôi vịt, viền chắn mưa,... Với loại phụ kiện này, các đại lý bán chênh ít, hoặc bán đúng giá. Nhưng cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ. Ví dụ như trong bảng phụ kiện chính hãng trên, viền che mưa chỉ có hơn 1,3 triệu đồng, nhưng có đại lý báo với giá hơn 5,3 triệu đồng.
Những xe hot như Ford Ranger đều được báo giá các phụ kiện đi kèm, tuỳ nhu cầu của khách hàng mà các tư vấn tìm cách đưa "giá chênh lệch" vào để "biến hoá".
Điều này cũng đang diễn ra theo cách tương tự ở nhiều đại lý của các hãng xe khác. "Chúng tôi có những đối tác riêng biệt để thầu phụ kiện và bán cho khách hàng", một tư vấn bán hàng của một đại lý Ford tiết lộ.
"Tuỳ vào nhu cầu của khách hàng, chúng tôi sẽ giới thiệu và tư vấn để khách hàng chọn lựa. Hầu như các khách hàng thông thường đều không có ý kiến nhiều về danh sách phụ kiện và giá cả bởi họ mặc định, mua tại đại lý là đồ tốt. Nhưng nói vậy, hoàn toàn không đồng nghĩa với sự gian dối gì bởi nó là bản chất của việc thuận mua vừa bán", người này cho hay.
Đại lý "vẽ" phụ kiện cao gấp 15 lần
Kẽ hở để đại lý có thể "đội giá" là phụ kiện liên doanh với đơn vị bên ngoài. Danh sách giá phụ kiện mà khách hàng nhận được, giới trong nghề gọi là bảng báo giá "vẽ".
Vì sao gọi là bảng báo giá "vẽ", vì trong đó có nhiều loại phụ kiện đắt hơn nhiều lần so với các cửa hàng hay garage tư nhân. "Ví dụ như bộ ghế da trong bảng phụ kiện có giá 13,75 triệu đồng, nhưng 90% chỉ có thể là loại 2 triệu đồng", vị tư vấn bán hàng của Honda nói. "Với viền che mưa được chào giá hơn 5,3 triệu đồng, có khi khách hàng mua ở ngoài chỉ có giá 350.000 đồng". Tính ra đã gấp 15 lần.
Vị này cho biết thêm, những phụ kiện liên doanh với đơn vị bên ngoài có cơ hội hét giá là do nhu cầu của khách hàng lớn. Cụ thể là dán film cách nhiệt, sàn da, sàn 4D, sàn 5D, sơn gầm, ghế da,... Những lựa chọn này phía Honda Việt Nam không cung cấp.
Bảng báo giá phụ kiện được các đại lý "vẽ" ra.
Như đã nói ở trên, vì mỗi đại lý chọn một đơn vị cung cấp bên ngoài khác nhau, nên những phụ kiện kiểu này không có mức giá chung. Giá thế nào tùy thuộc vào đại lý đó, không chỉ ở Honda mà bất kỳ đại lý của thương hiệu nào. "Nhưng có thể khẳng định rằng, phụ kiện "bên ngoài" không bao giờ đắt bằng phụ kiện bán trong đại lý chính hãng", vị này nói.
Thêm vào đó, bảng báo giá "vẽ" còn đóng vai trò thu hút khách hàng. "Như đợt vừa rồi, có tư vấn bán hàng chào CR-V giảm 100 triệu đồng, trong đó gồm 25-30 triệu đồng tiền mặt và 70 triệu tiền phụ kiện", vị này nói. "Nghe có thích không"?
"Bước đầu, họ chạy chương trình để thu hút khách hàng đã, rồi khi khách hàng đến rồi, họ mới đưa cái bảng báo giá phụ kiện ra. Như bên tôi đợt trước, Honda CR-V được giảm tiền mặt và phụ kiện 50-55 triệu đồng, nhưng thực tế giá trị phụ kiện không tới số tiền đó. Có khi, giảm 50-55 triệu phụ kiện hay 70 triệu phụ kiện, nhưng chung quy lại có khi chỉ nhận được số phụ kiện tương đương".
"Dĩ nhiên, điều này tư vấn bán hàng không bao giờ nói với khách hàng. Nếu khách hàng biết thì rất khó đàm phán", nhân viên tư vấn bán hàng Honda nói.
Tương tự như vậy, một sales lâu năm tại một đại lý của Toyota cho biết, đôi khi, các tư vấn bán hàng sẽ tìm nhiều cách khác nhau để "xin giá" từ phía cấp trên (trong trường hợp này là các Giám đốc bán hàng). Nhưng sau đó, những thoả thuận ngầm này không được thông tin tới khách hàng để sự chênh lệch hoặc các loại phụ kiện sẽ rơi vào tay người bán.
Về trách nhiệm của hãng xe, một chuyên gia trong ngành lý giải: "Đây là mối quan hệ 'mua đứt bán đoạn', khi đại lý đã mua xe của hãng, bán lại, lời lãi thế nào là tùy đại lý. Đại lý không phải công ty con của hãng xe đó nên không chịu tác động hay phụ thuộc từ phía hãng".
Trí thức trẻ