MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết lời khen ngợi nhưng Warren Buffett không ngừng ‘nhấn nút bán’ cổ phiếu hãng xe điện Trung Quốc: Lý do sâu xa khiến ai cũng gật gù

15-11-2023 - 08:10 AM | Tài chính quốc tế

Lần lượt từ trái qua phải: CEO BYD Vương Truyền Phúc, Charlie Munger, Warren Buffett và Bill Gates. Ảnh: Jason Lee/Reuters

Lần lượt từ trái qua phải: CEO BYD Vương Truyền Phúc, Charlie Munger, Warren Buffett và Bill Gates. Ảnh: Jason Lee/Reuters

Đã yêu thích cổ phiếu nào, Warren Buffett sẽ nắm giữ mãi mãi. Nhưng ông đang có động thái liên tục bán ra cổ phiếu của hãng xe điện Trung Quốc BYD.

Huyền thoại đầu tư Warren Buffett có câu nói nổi tiếng rằng đối với những cổ phiếu mà ông yêu thích, ông muốn nắm giữ chúng “vĩnh viễn”. Cả ông và cánh tay phải đắc lực là Charlie Munger đều nhắc và khen rất nhiều về hãng xe điện Trung Quốc BYD trong năm nay.

Song, kể từ tháng 8 năm 2022, tập đoàn Berkshire Hathaway của các cây đa cây đề Phố Wall này đã bán hơn 60% cổ phần tại nhà sản xuất xe điện Trung Quốc này. Động thái bất thường này đang nói lên điều gì?

Tạm biệt BYD

Vào năm 2008, hai nhà đầu tư Buffett và Munger đã chi 232 triệu USD mua 225 triệu cổ phiếu BYD, tương đương 25% tổng số cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông mà tập đoàn sở hữu. Số cổ phiếu này chiếm 9,9% danh mục tổng thể của Berkshire.

Sau 14 năm không hề đả động, họ thông báo đợt bán cổ phiếu BYD đầu tiên vào năm 2022. Kể từ đó cho đến ngày 25/10/2023, Berkshire Hathaway chỉ còn nắm giữ khoảng 88 triệu cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, tức chưa đến 8% số cổ phiếu niêm yết trên sàn Hồng Kông của tập đoàn này.

Động thái này gây chú ý vì nhiều lý do. Nhà tiên tri xứ Omaha hiếm khi bán một cổ phiếu mà không có động cơ chính đáng, vì làm như vậy có thể phải chịu thuế. Chưa kể Buffett luôn tự hào với những khoản đầu tư lâu năm mà ông có.

Ví dụ, Berkshire đã nắm giữ cổ phần tại Coca-Cola và American Express trong gần 30 năm. Hai khoản đầu tư này tổng cộng trị giá 50 tỷ USD, tương đương gần 10% tài sản ròng của Berkshire.

Buffett và Munger sẽ bán cổ phiếu hoặc bán doanh nghiệp nếu tình hình, triển vọng của doanh nghiệp đó sụt giảm nghiêm trọng. Chẳng hạn như bộ đôi tỷ phú đầu tư đã rời khỏi các hãng hàng không thuộc nhóm “Big Four” của Mỹ sau khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020, vì họ tin rằng ngành hàng không sẽ không thể phục hồi trong nhiều năm tới. Họ cũng từ bỏ Wells Fargo sau nhiều bê bối, dù Berkshire là một trong những cổ đông lớn nhất của ngân hàng này trong nhiều năm.

Berkshire đã giành được thắng lợi lớn với BYD khi mua với giá khoảng 1 USD/cp vào năm 2008 và cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông này hiện giao dịch ở mức trên 30 USD/cp.

Hết lời khen ngợi nhưng Warren Buffett không ngừng ‘nhấn nút bán’ cổ phiếu hãng xe điện Trung Quốc: Lý do sâu xa khiến ai cũng gật gù - Ảnh 1.

Ông Warren Buffett - Chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway.

Một công ty “phi thường”

Buffett thường giữ các khoản đầu tư sinh lời lớn trong danh mục đầu tư của mình để tránh thuế lãi vốn, nắm bắt thêm khả năng cổ phiếu tăng giá và có thể sẽ còn duy trì như vậy trong nhiều năm tới. Điều đó diễn ra khi và chỉ khi công ty không gặp bất kỳ vấn đề lớn nào làm xói mòn tiềm năng tăng trưởng hoặc vị thế trên thị trường.

Việc bán cổ phiếu càng khiến mọi người ngạc nhiên khi Buffett và Munger đều ca ngợi BYD là một công ty thực sự đặc biệt trong năm nay. Tháng 4, Warren Buffett đã gọi BYD và CEO Vương Truyền Phúc là “phi thường”. Trong khi đó, Charlie Munger miêu tả nhà sản xuất xe điện này là một “phép màu” và lãnh đạo công ty là một thiên tài. Ông khen CEO BYD làm mọi thứ tốt hơn cả CEO Elon Musk của Tesla.

Hơn nữa, Buffett khó có khả năng bán cổ phiếu BYD để huy động tiền. Vì Berkshire đang nắm giữ núi tiền mặt kỷ lục 157 tỷ USD, bao gồm cả tín phiếu kho bạc và các tài sản có tính thanh khoản vào cuối tháng 9.

Hết lời khen ngợi nhưng Warren Buffett không ngừng ‘nhấn nút bán’ cổ phiếu hãng xe điện Trung Quốc: Lý do sâu xa khiến ai cũng gật gù - Ảnh 2.

Một chiếc xe BYD được trưng bày tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Nam Kinh. Ảnh: Getty Images

Vậy tại sao Berkshire bán cổ phiếu BYD?

Lý do chính khiến Berkshire Hathaway rút lui khỏi BYD có thể là do địa chính trị. Buffett và Munger có thể đã quyết định rút lui khỏi Trung Quốc do những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

BYD được định giá cao hơn so với những năm trước, nhưng nó vẫn là một ngành kinh doanh cần nhiều vốn. Ngành này có độ cạnh tranh khốc liệt và cần đầu tư mạnh vào phát triển pin cũng như các công nghệ khác.

Người đứng đầu Berkshire có lẽ đã nhận thấy việc bán BYD dễ hơn các cổ phiếu khác, vì nó chưa hẳn là khoản đầu tư phù hợp nhất với danh mục của ông. Nhà đầu tư 93 tuổi thường gắn bó với các công ty có trụ sở tại Mỹ, hoạt động trong các ngành ông hiểu sâu như thức ăn nhanh hoặc bảo hiểm. Vì thế, một nhà sản xuất xe điện ở nước ngoài đang nằm ngoài vùng an toàn của ông.

Nhưng tóm lại, hiện vẫn chưa rõ việc Buffett và Munger bán cổ phiếu BYD là vì họ muốn chốt lời, huy động tiền mặt, cắt giảm danh mục đầu tư, giảm rủi ro địa chính trị hay muốn tránh các vấn đề trong tương lai của công ty. Thời gian tới, các cổ đông của Berkshire sẽ theo dõi sát sao xem liệu ông lớn đầu tư có bán thêm cổ phiếu hay đưa ra lời giải thích nào không.

Tham khảo MI

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên