MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết nghẽn lệnh, bàn chuyện tương lai thị trường chứng khoán Việt Nam

28-06-2021 - 17:30 PM | Doanh nghiệp giới thiệu

Hết nghẽn lệnh, bàn chuyện tương lai thị trường chứng khoán Việt Nam

“Kế hoạch 100 ngày” xử lý sự cố “khẩn cấp quốc gia” nghẽn lệnh chứng khoán sẽ về đích tháng 7/2021. Câu chuyện đáng bàn tiếp theo là tương lai Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Trong 3 ngày, 28-29-30/6/2021, "Chuỗi talkshow: Thị trường chứng khoán và dự báo" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sẽ chia sẻ với công chúng đánh giá của nhà quản lý, của các chuyên gia về TTCK 6 tháng đầu năm 2021 trong mối tương quan với chuyển động kinh tế vĩ mô, chính sách và định hướng điều hành của nhà quản lý, hiệu quả doanh nghiệp và tiến trình chuyển đổi số. Đặc biệt, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ chia sẻ góc nhìn về tương lai TTCK Việt Nam, giải pháp cho thị trường mở rộng cơ hội, đồng thời giúp nhà đầu tư đi bền với thị trường.

Chương trình được tổ chức tại 65, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội và truyền hình trực tuyến trên nhiều kênh truyền thông đa phương tiện. Chương trình gồm 3 chuyên đề chính, với sự tham gia của các diễn giả đầu ngành.

Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Công ty cổ phần FECON; CTCP Tập đoàn F.I.T; Công ty cổ phần Chứng khoán VPS; Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội; Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt và Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.

Chuyên đề 1: "Chứng khoán và những con số" diễn ra chiều 28/6/2021. Với sự tham dự của Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình, các con số ấn tượng trên TTCK Việt Nam như: chỉ số chứng khoán tăng 24% kể từ đầu năm đến nay, dòng tiền margin (trên 110.000 tỷ đồng); thị trường thu hút trên 500.000 tài khoản đầu tư mới… sẽ được nhìn nhận dưới góc nhìn của nhà quản lý. Cùng với đó, câu chuyện thời sự, MSCI cập nhật xếp hạng các TTCK toàn cầu (cuối tháng 6/2021), trong đó có Việt Nam, sẽ là một nội dung được chia sẻ tại sự kiện, bên cạnh những giải pháp để cải thiện chất lượng nhà đầu tư, nâng hạng thị trường.

Ở góc nhìn độc lập, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM và ông Võ Trí Thành, Viện trưởng BCSI sẽ cùng đánh giá về diễn biến TTCK Việt Nam trong mối tương quan với hiện trạng doanh nghiệp, với nền kinh tế, với nền tảng pháp lý mới, cụ thể là Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư mở không gian cho các sản phẩm mới, cho nới room… Các chuyên gia cũng sẽ đưa ra khuyến nghị về giải pháp tăng sức hấp dẫn dòng tiền vào thị trường chứng khoán, đồng thời với việc giảm tình trạng đầu cơ, lướt sóng, đầu tư chỉ dựa vào thông tin bề mặt trên sàn.

Cũng trong Chuyên đề 1, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thị trường chứng khoán phái sinh, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ chia sẻ câu chuyện về sản phẩm phái sinh thứ 3, vừa được HNX khai trương sáng 28/6. Lãnh đạo HNX sẽ chia sẻ cơ hội với nhà đầu tư, với các thành viên thị trường khi sàn phái sinh có sản phẩm mới và cập nhật những con số ấn tượng trên thị trường phái sinh Việt Nam.

Chuyên đề 2, "Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán" diễn ra sáng 29/6. Với sự điều phối của TS. Võ Trí Thành, các chuyên gia đầu ngành gồm TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia độc lập, sẽ chia sẻ góc nhìn về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế vĩ mô và diễn biến TTCK Việt Nam và quốc tế; bình luận những diễn biến lớn trên thị trường tài chính toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến dòng đầu tư tài chính, tương lai TTCK Việt Nam; dòng vốn đầu tư quốc tế vào TTCK Việt Nam và gợi mở tư duy chính sách để Việt Nam thu hút tốt hơn dòng vốn ngoại theo hình thái trực tiếp và gián tiếp đầu tư qua doanh nghiệp.

Sáng 30/6, Chuyên đề 3 "Chuyển đổi số và tương lai thị trường" sẽ được tổ chức. Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn chia sẻ về tiến trình xây hệ thống giao dịch mới trên TTCK Việt Nam (Kế hoạch 100 ngày do FPT IS và HOSE thực thi) và những việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ làm để hoàn thiện cấu trúc thị trường, nền tảng chính sách khi TTCK Việt Nam sắp đi qua 21 năm đầu tiên mở cửa hoạt động. Cùng với đó, các chuyên gia bàn thảo về chuyển đổi số tác động như thế nào đến hoạt động ngân hàng, tài chính khi các nguồn vốn ngủ quên được đánh thức? Tiềm năng dòng tiền trong nền kinh tế; lý giải dòng tiền tạo nên những kỷ lục trên TTCK 6 tháng đến từ đâu và dự báo TTCK sắp tới.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên