MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết 'nghĩa trang xe đạp' giờ Trung Quốc lại đau đầu với 'cọc sạc thây ma'

19-11-2020 - 16:57 PM | Tài chính quốc tế

Đây là tàn dư của một loạt chính sách hỗ trợ xe năng lượng mới được Trung Quốc thực hiện rầm rộ thời gian trước đây, nay lại bị bỏ hoang, lãng phí.

Theo báo cáo mới đây từ Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc, nhiều trạm sạc ở thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy đã không thể cắm sạc để sử dụng, thậm chí xung quanh cỏ dại mọc um tùm với số lượng cực lớn. Chúng thậm chí bị người dân ở thành phố này ví như những "cọc sạc thây ma".

Theo giải thích từ những người có liên quan, đang phụ trách công ty vận hành sạc tại địa phương, thì hóa ra một số cọc sạc đã được xây dựng như một dự án trình diễn và hiện không thể sạc do thiết bị cũ kỹ. Số còn lại đến từ các công ty bán và cho thuê xe năng lượng mới, tuy nhiên các công ty này do hoạt động kinh doanh kém nên thiếu ngân sách quản lý hỗ trợ hoặc thậm chí đã phá sản.

 Hết nghĩa trang xe đạp giờ Trung Quốc lại đau đầu với cọc sạc thây ma  - Ảnh 1.
 Hết nghĩa trang xe đạp giờ Trung Quốc lại đau đầu với cọc sạc thây ma  - Ảnh 2.

Và dường như, vấn đề không chỉ diễn ra trên duy nhất tỉnh thành này mà còn xuất hiện ở nhiều khu vực khác trên khắp Trung Quốc. Nó khiến nhiều người nhớ lại sự ám ảnh của các "nghĩa trang xe điện", nơi mà hàng nghìn, thậm chí trăm nghìn chiếc xe đạp điện thuộc các dịch vụ chia sẻ xe bị bỏ hoang chất đống do hỏng hóc hoặc thiếu kinh phí sửa chữa. Tới nay, nhiều nghĩa trang này vẫn còn tồn tại và đã biến thành những bãi rác công nghệ khổng lồ, là một nỗi nhức nhối cho các chính quyền địa phương nơi quản lý.

Theo chia sẻ từ những nhân sự trong ngành, đằng sau đống "cọc sạc thây ma" này chính là vấn đề lãng phí tài nguyên trong phát triển công nghiệp ô tô năng lượng mới của Trung Quốc, đang dần được phơi bày những lỗ hổng và sự lệch lạc. Trong những năm gần đây, một số công ty vận hành cọc sạc đã bị thu hút bởi các chính sách trợ cấp từ địa phương, đã tiến hành mở rộng dịch vụ một cách mù quáng, với các quy hoạch và xây dựng không phù hợp với thực tế, dẫn đến lãng phí tài nguyên.

 Hết nghĩa trang xe đạp giờ Trung Quốc lại đau đầu với cọc sạc thây ma  - Ảnh 3.

Hình ảnh một "nghĩa trang xe đạp" chia sẻ ở Trung Quốc.

Trên thực tế, mọi chuyện bắt đầu từ năm 2014, khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố mở cửa thị trường, cho phép vốn tư nhân tham gia vào việc xây dựng hệ thống cọc sạc và cơ sở vật chất cho xe điện. Được kích thích bởi chính sách trợ giá, các nhà đầu tư và nhà đầu cơ lần lượt bước vào cuộc chơi, với hàng trăm công ty vận hành năng lượng điện và sạc đã được thành lập.

Và khi một số lượng lớn các doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động, các vấn đề về bố trí và chất lượng nảy sinh. Năm 2018, một số phương tiện truyền thông đưa tin tại chính thủ đô Bắc Kinh đã có nhiều cọc sạc không hoạt động, bị bỏ hoang và không sử dụng được. Vấn đề thì có nhiều, liên quan tới giao diện nạp điện không nhất quán, chất lượng các cọc sạc không đồng đều, vấn đề lựa chọn địa điểm kém...

Và khi tỷ lệ sử dụng thấp, hầu hết các công ty gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận. Theo số liệu của iResearch, với mỗi công trình xây dựng cọc sạc DC 60kW ở Trung Quốc, chi phí cho mỗi cọc là 30.000 nhân dân tệ (khoảng 5.000 USD), chi phí xây dựng cũng tương tự con số này, chưa kể chi phí vận hành và bảo trì tài sản cùng các loại chi phí khác.

 Hết nghĩa trang xe đạp giờ Trung Quốc lại đau đầu với cọc sạc thây ma  - Ảnh 4.

Ngoài chi phí cao, hiệu suất sử dụng thấp cũng hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp. Theo thống kê, tỷ lệ sử dụng điện năng trung bình của các cọc sạc công cộng ở Trung Quốc chỉ đạt khoảng 4%, trong đó Bắc Kinh và Thượng Hải là nơi có nhiều cọc sạc nhất cũng chỉ có 1,8% và 1,5%.

Telaidian, một công ty thành lập năm 2014, đã đầu tư hơn 5 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm đầu trong lĩnh vực này, và 4 năm đầu đã lỗ 600 triệu nhân dân tệ, mãi đến năm 2018 mới vượt qua ngưỡng hòa vốn. Đại diện công ty cho biết vẫn sẽ có một số khoản lỗ trong năm 2020, nhưng dòng tiền về tổng thể sẽ được cân bằng.

Công ty không có lãi, nên không thể đầu tư đóng mới hoặc kinh doanh các cọc sạc đã có, khiến hệ thống cọc sạc đang hoạt động không đáp ứng được nhu cầu của chủ xe. Từ đó dẫn đến một vòng luẩn quẩn là không có cọc sạc mới thì không có nguồn thu, mà không có nguồn thu thì không thể mở rộng hệ thống.

Tham khảo Sina

Theo Bảo Nam

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên