Hết quý I/2017 mới hoàn thành tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2015
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tính hết tháng 3/2017, các đơn vị đã hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa (CPH) theo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 - 2015.
- 21-01-2017Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tái cơ cấu DNNN phải đạt mục tiêu kép
- 10-12-2016Trình Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN trước ngày 15/12
- 02-12-2016Ông Vũ Tiến Lộc: Tái cơ cấu DNNN chậm và không thực chất, chỉ 2% số vốn NN được thoái
Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, 7 DNNN cuối cùng trong Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Tổng giá trị thực tế của 7 DN này được xác định 1.855 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước 379 tỷ đồng.
Ngoài ra, các đơn vị đã thoái được tổng cộng 3.072 tỷ đồng, thu về 14.236 tỷ đồng. Trong đó, riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán vốn tại 15 DN với giá trị 1.333 tỷ đồng, thu về 12.139 tỷ đồng (riêng SCIC thoái vốn tại Vinamilk giá trị 783 tỷ đồng, thu về 11.286 tỷ đồng).
Theo Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sắp xếp, CPH, tái cơ cấu DNNN thời gian qua cũng bộc lộ một số bất cập, phải nghiên cứu cho giai đoạn 2016 - 2020.
Như một số bộ ngành, địa phương, DN chưa tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN. Tỷ lệ vốn nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao, do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án CPH được duyệt.
Mặt khác, do tỷ lệ nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối sau CPH tại một số DN còn lớn, làm giảm mức độ hấp dẫn với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp. Đây cũng là rào cản của quá trình thay đổi nền tảng quản trị tại DN.
Đặc biệt, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ; cơ chế quản trị chưa đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Việc giao các DN sau CPH về SCIC còn chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa được thực hiện nghiêm túc, nhiều DN chưa đăng ký giao dịch. Chưa tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và sở hữu DN nên làm giảm hiệu lực quản lý, không rõ trách nhiệm giải trình.
Để đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN giai đoạn tới, Bộ Tài chính cho rằng, cần xác định trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, DN trước Chính phủ.
Đồng thời, phải xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN khi xảy ra chậm sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN. “Trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Bộ Tài chính kiến nghị.
Tiền phong