MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết ''room'' cho vay, ngân hàng đẩy mạnh bán bảo hiểm, thẻ để duy trì nguồn thu

15-08-2022 - 15:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Hết ''room'' cho vay, ngân hàng đẩy mạnh bán bảo hiểm, thẻ để duy trì nguồn thu

Tình trạng cạn ''room'' cho vay buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh bán các sản phẩm, dịch vụ khác để giữ nhịp tăng trưởng.

Hoạt động cho vay tăng trưởng mạnh khiến hầu hết ngân hàng đều đã cạn hạn mức tín dụng được tạm cấp từ đầu năm, thậm chí có nhà băng đã hết 'room' từ ngay đầu quý II. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại rõ rệt trong quý II khi chỉ tăng thêm 3,38%, thấp hơn nhiều mức tăng 5,97% của quý I.

Hoạt động cho vay chững lại khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh bán các sản phẩm, dịch vụ khác để duy trì nguồn thu.

Anh Phương, Trưởng phòng tín dụng một ngân hàng tư nhân trên địa bàn TP. HCM cho biết, mấy tháng qua, lương thưởng phòng anh chủ yếu đến từ hoạt động bancassurance. Gần đây, khi ''room'' cho vay không còn nhiều, team của anh "toàn tâm toàn ý" vào hoạt động bảo hiểm.

"Vì hết 'room' cho vay nên bọn mình tập trung tư vấn bảo hiểm để duy trì thu nhập và đáp ứng KPIs. Bảo hiểm thì không bị giới hạn, biên lợi nhuận cũng cao hơn so với tín dụng, song mất nhiều thời gian để tìm khách hàng. Có thể lúc mới bắt đầu thì bán bảo hiểm rất khó, nhưng từ từ cũng quen thôi", Anh Phương cho biết.

Chị Hiền, Chuyên viên tín dụng tại một ngân hàng tư nhân khác cũng chia sẻ: "Mấy tháng qua, thu nhập của bọn mình bị ảnh hưởng khá nhiều vì hết 'room' cho vay. Bọn mình phải tập trung sang bán thẻ tín dụng và bancassurance để bù đắp lại KPIs thiếu ở phần cho vay. Nếu không được nới room thì tình hình sẽ khá khó khăn vì mấy sản phẩm trên khó bán hơn nhiều so với cho vay, thậm chí nhiều khách hàng chấp nhận mua bảo hiểm để được ưu đãi cho vay nhưng cũng chưa được giải ngân vì hết room''.

Trong khi đó, một số nhân viên ngân hàng khác chọn phương án nghỉ việc vì không 'kham' được chỉ tiêu bán bảo hiểm và thẻ.

Chị Hoài Anh cho biết đã chuyển sang một ngân hàng có vốn nước ngoài để tránh "ác mộng" bancassurance sau khi ngân hàng nơi chị làm việc 5 năm ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với một công ty bảo hiểm nước ngoài, toàn bộ nhân viên tín dụng tại đây đều bị giao chỉ tiêu về bảo hiểm từ 50 - 300 triệu đồng tuỳ từng vị trí.

"Không được cho vay mà phải đẩy mạnh bán bảo hiểm thì thà mình làm sales cho mấy công ty bảo hiểm luôn cho chuyên nghiệp'', chị Hoài Anh cười chia sẻ.

Mặt khác, sự chậm lại của hoạt động tín dụng khiến nguồn thu lãi thuần của nhiều ngân hàng đã bị ảnh hưởng trong quý II, song thu nhập ngoài lãi vẫn tăng mạnh do đẩy mạnh các hoạt động bán chéo bảo hiểm và sản phẩm thẻ, thanh toán.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính, thu nhập dịch vụ của nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trong quý II. Đơn cử như tại TPBank, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này ghi nhận mức tăng trưởng 65% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu chủ yếu đến từ mảng thanh toán và bán chéo bảo hiểm.

Tương tự, lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ của Techcombank đạt mức 2.077 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động bảo hiểm đạt 399 tỷ (+68%so với cùng kỳ và +83% so với quý I) nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt và khách hàng đang dần trở lại các điểm giao dịch để nhận tư vấn; phí từ dịch vụ thẻ ghi nhận tăng trưởng ấn tượng - gấp 2,8 lần quý trước; hoạt động thanh toán đem lại cho ngân hàng 481 tỷ (+35% so với quý I và +104% so với cùng kỳ).

Tại Sacombank, thu nhập từ hoạt động dịch vụ là động lực giúp ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận dù thu nhập lãi thuần suy yếu. Cụ thể, lãi thuần từ mảng dịch vụ trong quý II đạt gần 1.741 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ, với sự đóng góp lớn từ mảng dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng điện tử.

VPBank cũng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gần 42%, đạt trên 1.500 tỷ đồng trong quý II. Theo đại diện Ban lãnh đạo VPBank, nguồn thu từ phí đã đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận ngân hàng trong nửa đầu năm và sẽ tiếp tục phát huy năng lực sinh lời cho ngân hàng trong nửa cuối năm. Đặc biệt, với việc chính thức gia hạn thỏa thuận phân phối bảo hiểm với AIA đầu tháng 8 này, nguồn thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm dự báo sẽ còn tăng mạnh cho VPBank trong thời gian tới đây.

Với các ngân hàng khác, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong 3 tháng vừa qua cũng tăng mạnh, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của tổng thu nhập như: LienVietPostBank đạt gần 303 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước; Eximbank đạt 124 tỷ đồng, tăng 47%; SHB đạt gần 221 tỷ đồng, tăng 64%; HDBank đạt hơn 835 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ;...

Kết quả khảo sát mới đây của Vietnam Report cho thấy trong 6 tháng cuối năm 2022, thu nhập ngoài lãi được kỳ vọng sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt,  chủ yếu đến từ bancassurance. Từ đó sẽ trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận. Trong khi 100% số chuyên gia và ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định, thu nhập từ lãi của các ngân hàng trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn bởi chính sách quản trị rủi ro ngày càng nghiêm ngặt.

Quốc Thụy

Nhịp sống Kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên