MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết thời "chặt chém" giá điện?

22-10-2018 - 08:18 AM | Thị trường

Thông tư mới của Bộ Công Thương quy định giá bán điện có lợi cho người thuê nhà trọ. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn về mức độ khả thi của quy định mới.

Thông tư 25 của Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện có hiệu lực từ ngày 26-10 tới đây. Theo đó, với mỗi KWh, người thuê nhà chỉ trả 2.044 đồng (1.858 đồng/KWh + 10% thuế GTGT), thay vì mức 5.000 - 6.000 đồng mà chủ nhà trọ tự quy định như trước nay.

Giá... trên trời!

Theo Thông tư 25, sinh viên và người lao động thuê nhà thời hạn dưới 12 tháng, cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người là 1/2 định mức, 3 người là 3/4 định mức, 4 người là 1 định mức. Nếu chủ nhà không kê khai đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (mức tiêu thụ từ 101 - 200 KWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công-tơ điện.

Chỉ còn vài ngày nữa, Thông tư 25 có hiệu lực, sinh viên Nguyễn Tiến Khôi (Trường ĐH Giao thông Vận tải) rất vui mừng khi anh không còn trả tiền điện với giá cắt cổ mỗi KWh 5.000 đồng như 2 năm nay. Tuy nhiên, theo Khôi, đó cũng chỉ là mong muốn của hàng chục ngàn sinh viên thuê trọ tại TP Hà Nội; còn thực tế, chủ nhà trọ có thực hiện đúng quy định hay không, hay người thuê vẫn bị "ép" mua điện giá cao thì chưa thể nói trước được.

Chị Bùi Thu Hà (công nhân một doanh nghiệp may mặc ở TP Hà Nội) thuê nhà trọ tại quận Hoàng Mai từ 4 năm nay. Chủ nhà trọ thu 6.000 đồng/KWh nếu ở từ 2-3 người/phòng; 5.000 đồng/KWh nếu ở 1 người. "Những tháng hè, lượng điện tiêu thụ cao, tôi đều phải đóng từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng, trong khi mức giá thực tế theo quy định nhà nước chưa đến một nửa số tiền này" - chị Hà nói. Theo nữ công nhân này, quy định về giá bán điện khu nhà trọ đã có từ lâu nhưng ít chủ nhà trọ nào thực hiện đúng, ngược lại còn trục lợi từ chính người thuê trọ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, cho rằng để quy định mới thực thi hiệu quả, bảo đảm quyền lợi người thuê trọ mua điện, Cục Điều tiết điện lực đã tổ chức kiểm tra, đồng thời đôn đốc các sở công thương, đơn vị bán lẻ điện ký cam kết thực hiện. Đến thời điểm này, ở TP Hà Nội đã có 95% chủ nhà trọ ký cam kết bán điện đúng giá quy định. Ông Tuấn khẳng định Thông tư 25 khi có hiệu lực sẽ quy định chi tiết hơn việc áp dụng giá điện với người thuê nhà, dẹp bỏ tình trạng "chặt chém" người thuê trọ.

Hết thời chặt chém giá điện? - Ảnh 1.

Nhiều khu trọ ở TP Hà Nội, người thuê phải trả tiền điện giá cao

Băn khoăn về tính khả thi

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá Thông tư 25 hướng đến việc giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, trong đó có nhóm đối tượng thuê trọ nhưng đồng thời cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của nó. "Ở Hà Nội, nhiều khu trọ có tới hàng chục phòng, liệu chủ nhà có muốn từ bỏ khoản tiền đó không? Đó là chưa nói ở Hà Nội hay những đô thị lớn có rất nhiều khu trọ nên việc kiểm tra là không xuể" - ông Long nêu.

Do vậy, để quy định mới phát huy tác dụng, ràng buộc được trách nhiệm của chủ nhà trọ, ông Ngô Trí Long kiến nghị các đơn vị điện lực cấp cơ sở cần dán thông báo đến tận khu trọ. Trong thông báo nêu rõ các mức giá bán điện, thông tin đường dây nóng để người thuê trọ giám sát, phản ánh. "Không nên trông chờ quá nhiều vào sự tự nguyện của chủ nhà mà phải tạo điều kiện cho người thuê trọ giám sát, phản ánh. Từ phản ánh đó, các đơn vị bán điện phải có phản ứng nhanh để chấn chỉnh, xử phạt chủ nhà trọ" - ông Long nhấn mạnh.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một khu trọ ở ngõ 165 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, mặc dù Thông tư 25 sắp có hiệu lực nhưng chủ nhà trọ chưa thông báo gì về cách tính giá điện mới, trong khi người thuê nhà chỉ nắm được thông tin qua báo chí.

Nhiều năm qua, các chủ nhà trọ vẫn lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng để "chặt chém" tiền điện. Do đó, nếu không có sự thanh - kiểm tra thường xuyên, không có biện pháp ràng buộc thì chủ nhà trọ vẫn lợi dụng để trục lợi, còn người thuê nhà sẽ phải mua điện giá cao.

Vi phạm bị phạt 10 triệu đồng

Luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả), người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đến 10 triệu đồng, tùy hành vi vi phạm; buộc nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số thu chênh lệch trái quy định.

Quy định là vậy nhưng đã có bao nhiêu trường hợp bị xử phạt thì ngành chức năng chưa có thống kê cụ thể.


Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên