Hết thời dầu khí, giờ đến đại gia thủy sản đua nhau rót tiền làm địa ốc
Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản đang khiến những đơn vị ngoài ngành có lợi thế về quỹ "đất vàng" đang đổ xô nhảy vào đầu tư, hợp tác đầu tư các dự án bất động sản trước thực trạng ngành chính gặp khó khăn.
- 09-07-2016Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch khu đô thị 4.400m2 hai bên đường Lê Trọng Tấn
- 03-07-2016Khu đô thị 10 năm không điện nước
- 30-06-2016Khu đô thị mới Đại Kim - quận Hoàng Mai: Khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt
- 28-06-2016Hải Phòng: Gần 10.000 tỷ xây dựng cơ sở hạ tầng Khu đô thị Bắc sông Cấm
Có những doanh nghiệp tưởng như chỉ chuyên tâm đầu tư vào lĩnh vực thương mại - sản xuất như cao su, tôn thép, phân bón và mới đây nhất là các '"đại gia" ngành thủy sản lại đang nhòm thị trường địa ốc với những kế hoạch lớn.
Câu chuyện đầu tư ngoài ngành không còn mới mẻ gì, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, bất động sản vốn dĩ đem lại những khoản lợi nhuận hấp dẫn khi thị trường "nóng". Thực trạng này dễ nhận thấy ở thời kỳ những năm 2006-2011, khi đó "nhà nhà làm BĐS, người người làm BĐS", đặc biệt là các DN họ dầu khí được xem như các đại gia giàu có đã mạnh tay rót tiền vào các dự án.
Tuy nhiên, khi thị trường xảy ra bong bóng thì những ông chủ dự án "trên giấy", những DN "tay không bắt giặc" hay những DN còn non kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp trong lĩnh vực địa ốc đã phải nhận "quả đắng", thậm chí có nguy cơ phá sản. Công ty CP Địa ốc Dầu khí, Tổng Công ty Xây lắp dầu khí, Công ty CP BĐS xây lắp dầu khí...đều trong tình trạng kinh doanh bết bát.
Nay thị trường phục hồi trở lại, dường như câu chuyện đầu tư ngoài ngành với BĐS lại đang lặp lại với ngành thủy sản. Mới đây, tại ĐHCĐ năm 2016, Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (SSN) đã thông tin tới cổ đông thay đổi chiến lược kinh doanh tập trung vào bất động sản để khai thác quỹ đất đang quản lý.
Lý do là bởi hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản - mảng kinh doanh chính của công ty gặp khó do không có nhà máy chế biến, không chủ động được nguồn hàng, giá trị đơn hàng nhỏ lẻ, doanh số thấp, nguồn vốn kinh doanh hạn chế nên không mở rộng được thị phần.
Lợi nhuận sau thuế của SSN cũng liên tục trồi sụt qua các năm. Đến hết năm 2015, lỗ lũy kế của SSN là hơn 22 tỷ đồng.
Vì vậy, công ty đã thực hiện các dự án đầu tư, tìm kiếm đối tác tại các khu đất 678 Âu Cơ, P.14, Quận Tân Bình, TP.HCM (dự án Centa Park); cho thuê khu đất 665 - 667 Lò Gốm, Quận 6 và 1534 Võ Văn Kiệt, quận 6; hợp tác kinh doanh tại khu đất số 67 Phú Viên, Gia Lâm, Hà Nội.
Ban lãnh đạo SSN còn có kế hoạch mở rộng quỹ đất thông qua việc mua lại cổ phần, nắm giữ 100% vốn tại Công ty Cổ phần Xuất Thương mại và Du lịch Sài Gòn (Sp.CO). Sp.CO đang quản lý và phát triển dự án tại khu đất có diện tích 8.000m2 tại đường Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, quận 2.
SSN hiện còn đang đầu tư dự án Centra Park tại Tp.HCM có tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng, tổng số 1.544 căn, hiện dự án đang được thử tải móng cọc. Xây dựng cao ốc văn phòng tại 87 Hàm Nghi - Quận 1. Ngoài ra, SSN có dự định tiếp tục xây dựng dự án 665-667 Lò Gốm, quận 6, TP.HCM thành chung cư, và nhiều mảnh đất khác đang hoàn tất thủ tục pháp lý đầu tư dự án.
Không chỉ có SSN, một đại gia thủy sản khác là Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), cũng đang nhắm BĐS nhờ quỹ “đất sạch” lớn.
Được biết, Seaprodex có vốn điều lệ 1,250 tỷ đồng, bề dày hoạt động lên đến 36 năm (1978) trong ngành thủy sản, cơ khí đóng tàu thủy sản… với nhiều công ty con cùng lĩnh vực. Là đơn vị Nhà nước nên khi Seaprodex tham gia sâu vào thủy sản bị vướng về xuất khẩu (bị đánh thuế cao -PV), và đây cũng là một trong những lý do khiến Seaprodex rẽ nhánh hoạt động sang lĩnh vực đầu tư - kinh doanh BĐS.
Theo tìm hiểu, Seaprodex đang quản lý và sử dụng hơn 878.000 m2 đất tại 5 tỉnh thành trên cả nước. Tổng công ty đã lên kế hoạch đầu tư vào 6 dự án bất động sản là trung tâm thương mại và khách sạn.
Mặc dù Seaprodex đã tham gia mảng cao ốc thương mại, văn phòng và khách sạn tại đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM cùng công CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục và còn nhiều bất động giữa hai bên.
Theo tài liệu chúng tôi có được, tổng diện tích xây dựng dự án này khoảng 30.000 mét vuông. Trong đó,7 tầng đầu tiên sẽ dành cho khu vực văn phòng và các dịch vụ thương mại; 13 tầng còn lại sẽ dành cho khu vực khách sạn với 220 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Được biết, Khu nhà đất số 2-4-6 đường Đồng Khởi do Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam tiếp quản, quản lý sau ngày 30/4/1975. Sau đó, khu nhà đất được chuyển giao cho TP.HCM quản lý, Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam ký hợp đồng thuê với Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM. Việc bán chỉ định này nhằm để Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam đầu tư xây dựng trụ sở theo quy hoạch của TP.HCM.
Sao Mai An Giang (ASM), một cái tên cũng khá thành công với thị trường thủy sản, mới đây cũng bắt tay vào đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực BĐS với hàng loạt dự án lớn khắp cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất vẫn là khu vực miền Tây.
Hiện Sao Mai An Giang đang nắm giữ trong tay 12 dự án BĐS đã và đang hoàn thành trong giai đoạn 2016-2018 như: Bệnh viện quốc tế Sao Mai (818, 5 tỷ đồng); Khu đô thị Sao Mai Bình Khánh 4 (1,7 nghìn tỷ đồng); Khu dân cư xã Lý Văn Lâm – Tp. Cà Mau (400 tỷ đồng); Khu đô thị mới Sao Mai xã Xuân Thịnh – Thọ Dân (407 tỷ đồng); Khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn – Sao Vàng (561 tỷ đồng); Khu đô thị mới Cồn Khương – Cần Thơ (700 tỷ đồng); Khách sạn 5 sao Sa Đéc…
Lãnh đạo ASM tiết lộ, công ty này đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua một khu đất 20ha tại Bãi Trường, Phú Quốc và gần đây nhất được giao chủ trương đầu tư 2 dự án lớn ở thành phố Cần Thơ, một dự án khách sạn ở Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Mới đây nhất, ASM đã khởi công xây dựng Khu đô thị cao cấp Sao Mai huyện Triệu Sơn. Dự án này có qui mô diện tích hơn 51 hecta, được chia làm 2 giai đoạn thực hiện. Trong đó giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, hệ thống viễn thông và công viên cây xanh, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2017.