Hết thời môi giới bất động sản sang chảnh
Thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu chững lại khi nguồn cung hạn chế, giá bán cao, thanh khoản kém, bị siết vốn vay ngân hàng… Thực tế này khiến môi giới bất động sản chật vật tìm khách, ngán ngẩm vì cả tháng không có giao dịch nào. Thị trường được dự báo tiếp tục khó khăn nên nhiều môi giới bỏ nghề và sàn giao dịch BĐS đóng cửa theo.
- 07-11-2022Lỡ lướt sóng thành “ôm bom”, nhà đầu tư non vốn nên cắt lỗ hay cố giữ tài sản chờ thị trường?
- 07-11-2022Tương lai thị trường căn hộ Tp.HCM, góc nhìn người trong cuộc
- 07-11-2022Có 2 tỷ nên gửi tiết kiệm rồi đợi giá BĐS giảm tiếp vào năm sau hay mua nhà ngay thời điểm này
Chị Nguyễn Minh, môi giới sàn giao dịch BĐS có tiếng ở Hà Nội cho biết, 4 tháng nay chị không có lương, vì công ty không có dự án mới để bán. Chị cũng tìm đủ phân khúc khác từ đất nền, thổ cư, ruộng để môi giới nhưng không có giao dịch.
Chị Minh cho biết, chị không thể ngờ rằng, chỉ mới hơn 4 tháng trước, cuộc sống của nhiều môi giới vẫn là: sáng uống cà phê cùng bạn bè, chiều thong thả tập gym, ban ngày sắp xếp lịch đi xem đất hoặc thăm dò thị trường để đầu tư.
Tháng 3/2022, chị Minh vẫn kỳ vọng vào sức nóng lên của thị trường khi mạnh tay góp tới gần 1 tỷ đồng vào thương vụ “săn đất” ở Bình Phước. Ngoài số vốn tự có, chị Minh còn cầm cố cuốn sổ hồng căn chung cư đang ở để vay vốn. Thế nhưng tất cả đều không như dự tính, song đất không xuất hiện, tất cả đều “án binh bất động”.
Ngày 28/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS vi phạm. Những trường hợp bị phạt cụ thể như sau: Không có chứng chỉ hành nghề, không có quy chế hoạt động sàn giao dịch, thu các loại phí kinh doanh dịch vụ mà pháp luật không quy định, rao bán BĐS không đủ điều kiện, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ hồ sơ, thông tin về BĐS…
Số tiền tích lũy dự phòng đã được chị Minh sử dụng hết, trong khi khoản lãi gốc ngân hàng mỗi tháng vẫn phải gánh thường xuyên. “Hơn 3 tháng nay, tôi sống bằng tiền đi vay bạn bè. Số tiền dự phòng dành để trả tiền gốc vay ngân hàng. Thực sự chưa bao giờ tôi rơi vào khó khăn này. Đến khoản trái phiếu đầu tư của tôi cũng gặp trục trặc và không thể rút ra. Tất cả các kênh đầu tư đều “đóng băng”. Tôi đang đợi đến Tết nếu thị trường không tốt, khả quan sẽ phải tìm tạm công việc có lương hằng tháng để chi trả các khoản chi phí”, chị Minh nói.
Theo anh Thanh Tùng, chủ một sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội, nhiều người bên ngoài nhìn vào thấy nghề môi giới BĐS dễ có thu nhập cao. Chỉ cần dẫn khách đến, khách ưng chốt mua là có tiền nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. “Môi giới chuyên nghiệp phải am hiểu từ quy hoạch, tư vấn, tiềm năng sinh lời để giới thiệu với khách hàng, thì họ mới tin tưởng để lần sau tiếp tục làm việc. Đây cũng là nghề mang tính thời điểm”, anh Tùng nói.
Môi giới BĐS bước vào cuộc thanh lọc khốc liệt
Thời gian qua nhiều người thấy thị trường sôi động nên bỏ nghề đang làm để chạy theo làm môi giới BĐS. Tuy nhiên, bước chân vào nghề, không ít trường hợp đã vỡ mộng. Những lúc thị trường lặng sóng như thế này không bán được hàng nhiều người sẽ chán nản bỏ nghề, anh Tùng cho hay.
Sàn đóng cửa, thanh lọc người
Theo Bộ Xây dựng, đầu năm 2022, hoạt động của thị trường đã dần trở lại bình thường, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng hơn nhiều so với năm 2021. Tính đến hiện tại hầu hết các sàn giao dịch đã trở lại hoạt động, đồng thời có thêm nhiều sàn mới được thành lập, hoạt động; hiện có khoảng hơn 1.100 sàn giao dịch BĐS hoạt động.
Trong quý I và II, thị trường BĐS có hiện tượng tăng nhanh về giá và lượng giao dịch ở nhiều phân khúc BĐS tại nhiều địa phương trên cả nước, kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch; thu hút số lượng lớn người tham gia môi giới, đặc biệt là môi giới tự do, giao dịch BĐS. Tuy nhiên, trong quý III, Bộ Xây dựng đánh giá thị trường có sự điều chỉnh, lượng giao dịch BĐS đã giảm so với đầu năm, dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch BĐS giảm, số lượng BĐS được môi giới cũng giảm theo.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết thị trường trầm lắng là giai đoạn thanh lọc nhân sự nghề môi giới BĐS. Thời kỳ thị trường sôi động, “sốt”, ai cũng thấy sự bùng nổ nhân sự của nghề này. Mức hoa hồng khủng của mỗi giao dịch thành công khiến nghề môi giới BĐS có sức hút riêng.
Lúc đó, quy trình tuyển dụng môi giới dễ dãi, thực hiện ồ ạt ở một số đơn vị. Ứng viên không cần bằng cấp, không cần kinh nghiệm, chỉ cần vượt qua tiêu chí mà một số sàn đưa ra (đam mê kinh doanh, đam mê làm giàu)… là hoàn toàn có thể ứng tuyển. Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 300.000 môi giới BĐS đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ 35.000 người. Đại bộ phận các nhân viên môi giới hiện chỉ được đào tạo ngắn hạn về chính sách bán hàng của dự án BĐS, thiếu chuyên nghiệp. Do đó, ông Đính cho rằng, không khó hiểu khi thị trường trầm lắng, khó khăn, nhân sự của ngành có biến động lớn là nghỉ việc, bỏ nghề.
Ngoài ra thực tế dễ thấy, nhiều sàn môi giới BĐS và nhân viên “bắt tay” với chủ đầu tư tạo khan hiếm giả, nâng giá bán hàng. Thậm chí, môi giới còn quảng cáo không đúng sự thật, khiến nhiều người ngã ngửa khi nhận nhà thấy chất lượng yếu, dự án không đúng như quảng cáo. Sự việc kéo theo nhiều hệ lụy khi người dân phải thường xuyên căng băng rôn đòi quyền lợi vì tin những lời quảng cáo của môi giới từ những cú “bắt tay” giữa môi giới với chủ đầu tư.
Tiền Phong