Hết thời xé lẻ đơn giá hàng nhập khẩu
Hàng nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh phải đóng thuế GTGT, thuế nhập khẩu sẽ tạo môi trường cạnh tranh công bằng với hàng trong nước.
- 19-12-2024VỤ ÁN MUA BÁN HÓA ĐƠN KHỐNG GẦN 14.000 TỈ ĐỒNG: "Vén màn" thủ đoạn bảo kê
- 10-12-2024Thủ tướng yêu cầu kiên quyết xử lý những người cố tình không thực hiện hóa đơn điện tử
- 05-12-2024“Tối hậu thư” cho những cây xăng chưa kết nối dữ liệu tự động để xuất hóa đơn ở TP HCM
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ký ban hành Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30-11-2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Cạnh tranh sòng phẳng hơn
Quyết định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 18-2-2025, tức từ sau Tết Nguyên đán, các nhà nhập khẩu hàng nước ngoài vào Việt Nam theo phương thức (B2B), xé lẻ đơn giá dưới 1 triệu đồng vẫn phải đóng thuế GTGT, thuế nhập khẩu như hàng hóa giao dịch bình thường.
Buôn bán online gần 10 năm nay, chị Đỗ Trà My (Quảng Ninh) cho biết phần lớn hàng hóa mà chị bán đều có giá trị rất nhỏ, xuất xứ từ Trung Quốc, chủ yếu nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) về Việt Nam. Với chính sách thuế mới, trong thời gian tới, giá của hàng nhập khẩu này sẽ tăng lên. Do vậy, chị đang tính tới phương án khác là tìm thêm nguồn hàng trong nước.
Trước đây, hàng nhập khẩu giá trị thấp được miễn thuế GTGT, thuế nhập khẩu, trong khi các sản phẩm tương tự do doanh nghiệp (DN) nội địa sản xuất vẫn phải chịu loại thuế này. Điều này dẫn tới chênh lệch giá cả, gây áp lực tới DN trong nước, đặc biệt DN vừa và nhỏ.
Ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt - chủ thương hiệu giày dép Vento Việt Nam, cho hay các sản phẩm giày dép nội địa khó cạnh tranh được với hàng Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ vì phải chịu thuế GTGT 10%. Dẫn tới giá thành cao, người tiêu dùng chê đắt hơn hàng ngoại, mà ít so sánh tới chất lượng. Trong khi đó, bản thân DN này xuất khẩu hàng vạn đôi dép mỗi năm sang Trung Quốc. Vì vậy, chủ thương hiệu này cho rằng với quyết định đánh thuế trên, DN sẽ có cơ hội tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa hơn.
Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhận định việc dừng miễn thuế GTGT và thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ tạo môi trường cạnh tranh công bằng hơn giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu. Trước đây, do được miễn các loại thuế này, hàng nhập khẩu thường có giá thấp hơn, nên nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên chọn mua. Tuy nhiên, khi chính sách mới được áp dụng, hàng nhập cũng sẽ chịu thuế tương tự hàng sản xuất trong nước, làm cho giá cả của 2 loại hàng hóa trở nên tương đương. "Tôi tin, khi giá hàng hóa ngang nhau, nhiều người dùng sẽ chọn hàng Việt" - ông Hoàng Ninh bày tỏ.
Trong bối cảnh các nền tảng xuyên biên giới phát triển mạnh ở Việt Nam hiện nay, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cũng cho rằng việc đánh thuế hàng nước ngoài sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn luồng hàng nhập khẩu. Đặc biệt, việc thu thuế đồng đều sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng các chính sách miễn thuế để nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng hoặc gian lận thương mại.
Phát triển hệ sinh thái
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định việc đánh thuế chỉ giải quyết một phần vấn đề, để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt vẫn còn nhiều việc cần phải làm. PGS-TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin Truyền thông), dự báo giao hàng nhanh, giá rẻ sẽ tiếp tục là xu hướng mà hàng ngoại có lợi thế nên dễ thu hút người mua hàng. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, các cửa hàng bán buôn bán lẻ phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh.
Ông dẫn chứng như hàng Trung Quốc, người tiêu dùng đặt vài ngày đã có mặt tại Việt Nam, điều này cho thấy hệ thống logistics của họ rất phát triển, kho hàng ở khắp nơi chứ không phải chỉ ở nhà máy. Do vậy, đại diện Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng để phát triển mạnh kênh TMĐT cho hàng Việt cần gắn với hệ sinh thái từ cách thức đưa hàng lên kênh online, thanh toán, kho vận, kho lạnh, thông quan, hải quan… Hệ sinh thái này sẽ giúp hàng Việt Nam không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ nội địa mà có thể xuất khẩu qua nhiều nước.
Trong khi đó, ông Đỗ Hòa, CEO Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, nhấn mạnh cạnh tranh với hàng giá rẻ là cái mà chúng ta dễ nhìn thấy nhất nhưng không đem lại nhiều giá trị. Thay vào đó, DN Việt Nam cần đẩy mạnh chiến lược marketing, xây dựng thương hiệu, tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa mang đến sản phẩm cao cấp, sang trọng như premium và luxury. Điều này sẽ giúp giá trị thu về gấp nhiều lần, cạnh tranh tốt ở bất cứ thị trường nào. Thậm chí, ở bên cạnh công xưởng Trung Quốc, DN Việt có thể đặt họ gia công đơn hàng cho mình để xuất khẩu ra thế giới.
Ở góc độ DN thời trang Việt, bà Phạm Lan, Giám đốc chuỗi cung ứng Canifa Việt Nam, cho rằng cạnh tranh khốc liệt nhưng DN Việt cũng có những cơ hội để phát triển bền vững. Với Canifa, có những thời điểm DN tăng trưởng đột biến nhưng có lúc "một mình đi một đường" khi nhiều nhãn hàng quốc tế tham gia thị trường. "DN Việt sử dụng nguyên liệu chất lượng cao như các hãng thời trang nước ngoài, song nhiều khi hàng Việt vẫn bị so sánh với nhãn hàng ngoại, nhiều người sẵn sàng trả giá cao hơn để mua hàng ngoại thay vì hàng Việt" - bà nói và mong người Việt hãy ủng hộ hàng Việt.
Đang xem xét hồ sơ của Temu
Trao đổi thêm với Báo Người Lao Động, ông Hoàng Ninh thông tin sau khoảng 1 tháng tạm ngừng hoạt động, sàn TMĐT xuyên biên giới Temu (Trung Quốc) đã nộp hồ sơ đến Bộ Công Thương và cơ quan này đang trong thời gian xét duyệt hồ sơ, khi nào đầy đủ điều kiện kinh doanh tại Việt Nam sẽ cho phép sàn này hoạt động.
Trước khi dừng hoạt động vào đầu tháng 12-2024, Temu đã thay đổi chính sách bán hàng ở Việt Nam, theo đó giới hạn đơn hàng từ 887.000 đồng đến không quá 1 triệu đồng.
Người lao động