MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoa hậu Ngọc Hân: "Khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp là vấn đề quản trị kinh doanh, nhân sự"

13-04-2018 - 11:59 AM | Sống

Đánh giá thị trường áo dài của trẻ con là một thị trường ngách, có thể là khó làm nhưng không phải là không có cách làm, Ngọc Hân tự tin rằng, khi bắt đầu bằng sự đam mê, cô sẽ có động lực và quyết tâm để tiến bước.

Ngọc Hân đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam năm 2010, khi vừa tròn 20 tuổi và đang là sinh viên khoa thiết kế trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, bên cạnh hoạt động trong showbiz, cô dấn thân vào thương trường. 

Thừa nhận bản thân theo đuổi nghiệp kinh doanh vì đam mê, chứ không nặng cơm áo gạo tiền, nữ doanh nhân trẻ vẫn có nhiều trăn trở với "start-up" đầu tiên của mình: 

- Chào Ngọc Hân, bên cạnh vai trò của Hoa hậu, chị cũng được biết đến là một doanh nhân trẻ gắn liền với tà áo dài. Từ đâu mà chị lại có quyết định như thế?

- Tôi có niềm đam mê với thời trang ngay từ khi còn rất nhỏ, sau đó theo đuổi và ôn thi vào trường Mỹ thuật Công nghiệp, khoa Thiết kế thời trang. Sau khi ra trường, tôi ngay lập tức theo đuổi con đường thời trang. Tôi đã bắt đầu thiết kế áo dài từ rất lâu rồi, thế nhưng chưa bén duyên kinh doanh, cho đến lúc tham gia Lễ hội Áo dài ở Hoàng thành Thăng Long (tháng 10/2016).

Khi làm áo dài cho người lớn và cả trẻ con trong chương trình hôm đấy để trình diễn, tôi mới nhận ra duy nhất gian hàng của tôi có áo dài cho trẻ con. Nhìn các bạn nhỏ mặc áo dài, tôi cảm thấy rất phấn khích và hào hứng. Tôi nhận thấy, đây chính là thị trường ngách. Lúc ấy – cách đây khoảng 2 năm – thị trường áo dài cho con trẻ còn bỏ ngỏ chứ không được như hiện nay và tôi bắt đầu tập trung vào mảng này như vậy.

Hoa hậu Ngọc Hân: Khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp là vấn đề quản trị kinh doanh, nhân sự - Ảnh 1.

Hoa hậu Ngọc Hân (ngoài cùng bên trái) đánh giá thị trường áo dài của trẻ con là thị trường ngách, khó làm nhưng không phải không thể.

- Từ đam mê, yêu thích với thời trang đến chuyện khởi nghiệp là một câu chuyện hoàn toàn khác. Vì sao chị vẫn quyết tâm đi theo con đường không dễ dàng này?

- Tình yêu nam nữ, hay tình yêu với công việc đều cần phải có sự rung động, có sự đam mê, ví dụ, tôi biết người ta xấu tính nhưng tôi vẫn yêu. Cũng như trong công việc, tôi biết con đường đó khó, nhưng vì yêu nên tôi vẫn cố gắng và vì gắn bó nên tôi biết rằng mọi thứ sẽ phải có cách giải quyết. Không rẽ hướng này sẽ rẽ sang một hướng khác, giống như "nước chảy đá mòn", miễn là tôi có thể nhìn thấy một mục tiêu, tôi sẽ bám đuổi con đường ấy, tôi sẽ theo đuổi nó đến cùng.

Tôi cũng tin rằng mình là một người tương đối nhạy bén trong vấn đề kinh doanh. Như tôi đã nói, thị trường áo dài của con trẻ cũng là một thị trường ngách, có thể là khó làm, nhưng không phải là không có cách làm. Bằng chứng là trong hai năm gần đây, mọi người đã quan tâm đến áo dài trẻ con hơn rất nhiều, đã tìm ra cách để làm sao thiết kế áo dài cho trẻ con nhưng vẫn có lợi nhuận về kinh doanh, kinh tế và đồng thời cũng đem lại những giá trị tinh thần cho con trẻ.

- Trong quá trình khởi nghiệp, điều gì khiến chị cảm thấy khó khăn nhất?

- Đó chính là vấn đề quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, bởi vì tôi vốn là một cô gái học trong lĩnh vực thiết kế, đơn thuần về thiết kế và nghệ thuật, nên không có kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự. Đấy là điều đôi khi làm tôi rất bối rối, ví dụ với nhân viên, tôi phải ứng xử rất chừng mực. Tôi từng thấy các anh chị doanh nhân của mình có thể quát nhân viên, nhưng tôi phải hạn chế vì đôi khi người ta cho rằng: "Đấy! Hoa hậu mà thế này! Hoa hậu mà thế kia!", tôi vẫn phải giữ gìn hình ảnh của mình.

Càng làm tôi càng hiểu ra mình không thể bao quát hết được, tôi phải phân công cho một người và người đó sẽ chịu trách nhiệm. Lúc đầu, tôi là một người làm việc khá ôm đồm, tôi làm hết mọi việc, nhưng dần dần tôi thấy như thế không hiệu quả, làm việc gì cũng không đến nơi. Về sau, tôi phải giao việc và đã giao cho ai thì tôi sẽ tin tưởng. Con người không ai là hoàn hảo cả, nếu họ làm chưa tốt thì tôi sẽ phải từ tốn hướng dẫn cho họ và dần dần, họ có niềm tin vào bản thân mình.

- Người tài hay có nhiều sự lựa chọn. Chị giữ những người thợ chính của mình như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng văn hóa của doanh nghiệp, văn hóa của cửa hàng là yếu tố rất quan trọng. Tôi thường xuyên phải chia sẻ cho nhân viên những hướng đi, những mục tiêu của mình, đấy cũng là một cách sàng lọc.

Những người có cùng mục tiêu và cảm thấy yêu mến định hướng, mục tiêu của tôi, đó sẽ là những người ở lại, bởi vì có rất nhiều nơi khác cũng muốn chào mời họ về làm, thế nhưng khi họ cảm thấy tin tưởng, gắn bó, yêu thích mục tiêu, định hướng doanh nghiệp của tôi, họ sẽ ở lại.

- Gần đây, câu chuyện "Nhân viên nghỉ việc, sếp cần phải xem lại mình" đang rất hot trên mạng bởi đánh vào tâm lý chung của tất cả mọi người đi làm. Chị đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Tôi chưa đọc câu chuyện ấy, nhưng đối với tôi, mọi thứ đều phải từ hai phía, xem lại sếp và cũng xem lại bản thân nhân viên, không thể có một giá trị tuyệt đối cho việc này. Thiên biến vạn hóa, mỗi trường hợp, mỗi công ty, mỗi hoàn cảnh là một vấn đề khác nhau, cho nên chúng ta không thể từ một câu chuyện mà suy ra điều gì. 

Tôi xác định tâm thế rằng tôi sẽ luôn luôn là người chia sẻ, đồng cảm, đặt mình vào suy nghĩ của người khác để hiểu tại sao họ lại có những hành động như thế, tại sao họ chưa thực sự yêu thích công việc và có khúc mắc ở chỗ nào, cũng như luôn luôn tâm sự, trò chuyện, giãi bày với nhân viên.

Hoa hậu Ngọc Hân: Khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp là vấn đề quản trị kinh doanh, nhân sự - Ảnh 2.

Tôi tin khi bắt đầu cái gì đó bằng sự đam mê thì tôi sẽ có động lực để theo đuổi, có sự hào hứng để thực hiện.

- Đó là câu chuyện về quản trị, thế còn kinh doanh thì cần có vốn. Chị lấy vốn để bắt đầu kinh doanh từ đâu?

- Đương nhiên với tôi, vốn không phải là vấn đề, vì mọi người đều biết rằng số vốn khởi nghiệp với một thương hiệu thời trang áo dài hay một cửa hàng nho nhỏ không phải là vấn đề quá lớn với vị trí Hoa hậu như tôi. Với danh hiệu Hoa hậu, tôi có thể có cơ hội kiếm được tiền dễ dàng hơn những người làm lao động bình thường. Tôi cho rằng đấy cũng là điều may mắn, tôi không phải quá chật vật với việc kinh doanh, cũng không phải quá quan tâm đến lợi nhuận.

Có thể kinh doanh ngay từ đầu chưa hẳn có lợi nhuận nhưng tôi không quá quan tâm đến lợi nhuận ấy nên tôi hoàn toàn có thể cống hiến bằng đam mê của mình. Tất nhiên là tôi vẫn phải xem xét rằng có thể chưa ra lợi nhuận nhưng việc kinh doanh phải dần dần có thay đổi, lợi nhuận ít, lợi nhuận nhiều, hòa vốn… để càng ngày nó càng tiến lên.

- Mức giá trung bình của một chiếc áo dài đóng mác "Ngoc Han" có giá khoảng bao nhiêu?

- Ví dụ của trẻ con thì áo dài sẽ có giá từ 600 nghìn đồng cho đến bằng giá người lớn vì có rất nhiều trẻ con chỉ 10 tuổi thôi, nhưng số đo cũng như người lớn rồi. Còn với người lớn, tôi để mức giá từ 2 triệu rưỡi trở lên.

- So với mặt bằng chung, đó là mức giá như thế nào?

- Tôi thấy đó là mức giá trung bình và thậm chí là thấp hơn so với chất lượng mà tôi đem đến. Mọi người cũng thường nói thế. Tôi không có ý phá giá nhưng tôi có một định hướng, một mục tiêu, một con đường mình mong muốn, đó là khi đã có danh hiệu Hoa hậu cộng đồng, Hoa hậu vì mọi người, các thiết kế của mình phải đẹp, dễ thương nhưng mức giá phải vừa phải để có thể đến được với nhiều người, để phổ biến rộng rãi những nét đẹp áo dài, những nét đẹp truyền thống của Việt Nam. Nhiều người yêu mến áo dài, nhưng có thể do giá cao quá, họ không mặc được, đây là một điều rất đáng tiếc, cũng là một khía cạnh mang ý nghĩa về xã hội, về nhân văn.

Nhưng ở một khía cạnh khác về kinh doanh, tôi cho rằng khi bớt lợi nhuận một chút thì tôi có thể bán được nhiều sản phẩm hơn, đấy cũng chính là cách để tôi kinh doanh thành công. Cũng giống như mọi người thấy ông chủ của Zara là ông chủ giàu nhất thế giới chứ không phải ông chủ của LV hay ông chủ của những thương hiệu đắt tiền khác.

Hoa hậu Ngọc Hân: Khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp là vấn đề quản trị kinh doanh, nhân sự - Ảnh 3.

- Sao chị không đánh phân khúc cao để mang lại lợi nhuận lớn hơn?

- Đấy cũng là một định hướng mà tôi sẽ phải phát triển trong thời gian tới. Nói thật, tôi là một nhà thiết kế trẻ, mới lấn sân vào thị trường áo dài, tôi cũng muốn có thời gian để trải nghiệm, để tiếp xúc với những khách hàng từ trung lưu cho đến thượng lưu, bởi những khách hàng thượng lưu rất khó tính, tôi phải có nhiều kinh nghiệm hơn nữa trong lĩnh vực thiết kế áo dài này.

Tôi sẽ luôn luôn hướng tới đối tượng là những khách hàng bình dân, nhưng càng ngày tôi sẽ nâng cấp hơn bằng kinh nghiệm, bằng những trải nghiệm của mình trong nghề nghiệp và tôi sẽ có những phân khúc cao hơn để làm sao phục vụ được nhiều đối tượng hơn.

Cảm ơn những chia sẻ của Ngọc Hân.

Hồng Đăng

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên