MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiểm họa khôn lường vượt quy hoạch cây hồ tiêu

05-04-2017 - 15:52 PM | Thị trường

Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cảnh báo: Tình trạng phát triển hồ tiêu ồ ạt, vượt quy hoạch nghiêm trọng đang gây ra những hệ lụy khiến dịch bệnh hồ tiêu ngày càng khó khống chế.

Ông Trung khẳng định: Những năm qua, ít có đối tượng cây trồng nào mà ngành nông nghiệp nói chung, ngành BVTV nói riêng phải tập trung nguồn lực cho việc khống chế dịch bệnh mạnh mẽ như đối với cây hồ tiêu.


Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV

Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh đến nay vẫn xảy ra ở một số địa phương, trong đó việc người dân phát triển hồ tiêu không theo quy hoạch, không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp đã gián tiếp gây ra những hậu quả khó lường về dịch bệnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm.

Cụ thể, khu vực nào vượt quy hoạch phức tạp nhất hiện nay thưa ông?

Theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT, diện tích hồ tiêu cả nước đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 chỉ ổn định xoay quanh 50 nghìn ha. Tuy nhiên đến cuối năm 2016, diện tích hồ tiêu cả nước đã sớm “vượt đích” với con số khoảng 110 nghìn ha, có thống kê còn cho biết diện tích thực tế đã lên tới 126 nghìn ha, gấp 2,5 lần so với quy hoạch. Tây Nguyên chính là nơi tình trạng hồ tiêu vượt quy hoạch nghiêm trọng nhất.

Cụ thể theo thống kê chưa chính thức đến cuối năm 2016, diện tích hồ tiêu của Đăk Lăk đã lên tới 21.411ha, vượt tới 328,2% so với quy hoạch (chỉ có 5.000ha). Kế đến là Gia Lai với 16.328ha, vượt quy hoạch gần 200%; Đắk Nông cũng vượt quy hoạch 133%...

Việc phát triển hồ tiêu vượt quy hoạch đang nảy sinh nhiều hiểm họa, đặc biệt là mở rộng diện tích ở những nơi mà chân đất không phù hợp với trồng tiêu, chẳng hạn những vùng đất trũng, thấp, thoát nước kém.


Tư duy bảo thủ đang tự làm hại chính người trồng hồ tiêu

Tư duy bảo thủ đang tự làm hại chính người trồng hồ tiêu

Trao đổi với NNVN, một lãnh đạo Phòng Bảo vệ thực vật (Cục BVTV) ngán ngẩm bảo rằng: Thẳng thắn mà nói thì nhiều nơi chính quyền địa phương gần như chẳng quan tâm lắm tới mấy chuyện hồ tiêu bị dịch bệnh này, dịch bệnh nọ. Đơn cử như việc tuyên truyền phổ biến quy trình kỹ thuật canh tác và quy trình phòng trị bệnh chết nhanh, chết chậm cho hồ tiêu, mỗi bộ tài liệu in ra để phát cho các hộ dân trồng tiêu chỉ đáng giá 4.000 đồng. Thế nhưng khi cơ quan BVTV trình lên chính quyền các địa phương xin kinh phí in tài liệu thì chẳng nơi nào gật đầu cả.

Thực tế qua kiểm tra, có rất nhiều diện tích hồ tiêu được trồng cả ở các vùng trũng, thoát nước kém. Có tình trạng bất cứ vùng đất nào thừa ra là dân trồng tiêu, lại trồng không theo một quy trình kỹ thuật nào, mặc dù quy trình đó đã có từ rất lâu! Khi tiêu đã dính bệnh ở những vùng trũng thấp như thế thì không có quy trình kỹ thuật, quy trình chữa trị nào có thể khắc phục được.

Trách nhiệm để hồ tiêu vượt quy hoạch nghiêm trọng như hiện nay thuộc về ai, thưa ông?

Bộ NN-PTNT chỉ đưa ra quy hoạch căn cứ vào nhu cầu thị trường tổng thể cũng như đánh giá khả năng diện tích căn cứ vào khí hậu, thổ nhưỡng của các vùng có lợi thế để phát triển hồ tiêu. Còn việc thực thi quy hoạch ấy thế nào là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đúng là quy trình kỹ thuật canh tác cũng như phòng trị bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu chúng ta đã có từ lâu. Nhưng thực tế thì tiêu vẫn cứ bị bệnh chết. Phải chăng do dân không tiếp cận được?

Tôi phải khẳng định lại là không có cây trồng nào mà ngành BVTV lại “lao tâm khổ tứ” như cây tiêu. Hàng chục hội nghị, hội thảo, rồi thì tập huấn, chỉ đạo, giám sát… liên tục được duy trì.

Bộ NN-PTNT đã phải thành lập cả một Trung tâm nghiên cứu Hồ tiêu tại Tây Nguyên, đồng thời chi ra tới hàng chục tỉ đồng để tổ chức các mô hình canh tác an toàn, sạch bệnh trên hồ tiêu. Các mô hình SX an toàn, có hiệu quả cũng đã được khẳng định ở nhiều nơi tại Tây Nguyên. Thế nhưng việc nhân rộng quy trình SX an toàn này lại diễn ra rất chậm và gặp nhiều khó khăn do mấy nguyên nhân:

Thứ nhất, một mình Trung ương hay ngành BVTV là không tài nào đủ sức, mà phải có sự vào cuộc của địa phương. Ở Trung ương hiện nay quan tâm, sốt sắng, lo lắng bao nhiêu về dịch bệnh hồ tiêu thì có tình trạng một số địa phương ở Tây Nguyên “nguội lạnh” bấy nhiêu. Có nơi cơ quan Trung ương vào kiểm tra, thấy hồ tiêu dịch bệnh quá trời, nhưng hỏi địa phương thì địa phương không nắm được.

Thứ hai, phải thẳng thắn rằng nhiều nơi chính bản thân nông dân trồng tiêu cũng rất bảo thủ. Quy trình kỹ thuật phòng trị bệnh cho hồ tiêu đã có rất lâu rồi, những nơi áp dụng quy trình đều đã thành công, nhưng việc nhân rộng, phổ biến cho dân áp dụng quy trình này rất khó khăn. Nhiều hộ dân trồng tiêu khi cơ quan BVTV vào hướng dẫn, hỗ trợ quy trình phòng trị bệnh đã thẳng thừng từ chối hợp tác, thậm chí họ nói thẳng rằng “tiêu của tôi thì tôi lo, không mướn các ông khoa học nhúng vào!”.

Vừa qua, Cục BVTV đã khảo nghiệm và phối hợp với nhiều DN đưa vào nhiều chế phẩm phòng trị bệnh chết nhanh - chết chậm cho hồ tiêu rất hiệu quả. Các DN thậm chí còn sẵn sàng ký hợp đồng “bảo hiểm” 100% với dân nếu để tiêu xảy ra dịch bệnh khi sử dụng các chế phẩm này, tuy nhiên vẫn không thể nào thuyết phục được người dân.

Xin cảm ơn ông!

Nghiên cứu của đề tài về hệ thống thoát nước góp phần hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu trong năm 2016 do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tiến hành cho thấy: Tình hình dịch bệnh có sự liên quan chủ yếu tới việc thoát nước tại các vườn tiêu.

Cụ thể, tại đa số các diện tích hồ tiêu trồng bằng bồn âm trên đất dốc, không có hệ thống thoát nước được khảo sát tại Tây Nguyên cho thấy, tỉ lệ hồ tiêu chết có nơi lên tới 70%.

Trong khi đó tại các diện tích hồ tiêu thuộc một số mô hình khuyến nông hoặc của các Cty lớn như Hoàng Anh Gia Lai, hồ tiêu được trồng theo phương pháp lên luống, kết hợp với đào rãnh thoát nước xương cá trong vườn thì gần như 100% không bị bệnh.

Mặc dù hiệu quả phòng bệnh của việc trồng tiêu có hệ thống thoát nước là rất rõ rệt, tuy nhiên việc phổ biến, thuyết phục để người dân làm theo là rất khó.

Theo Lê Bển

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên