'Hiến kế' để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Mặc dù các chuyên gia kinh tế đều kỳ vọng: Nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 0,058% nhưng theo thông tin mới nhất của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng năm 2022 vẫn “ì ạch”.
- 01-11-2022Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Petrolimex tăng lên 1.265 tỷ đồng
- 01-11-2022Thu hồi hơn 4 nghìn tỷ đồng chậm đóng BHXH, BHYT qua thanh kiểm tra
- 01-11-2022Bộ Công Thương ra hàng loạt biện pháp đáp ứng nguồn cung xăng dầu
10 tháng mới giải ngân được trên 51% kế hoạch vốn
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/10/2022 là trên 297.774 tỷ đồng, đạt 46,44% kế hoạch vốn và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này đang đạt thấp so với kế hoạch vốn giao năm 2022 và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt trên 48% kế hoạch và đạt trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Cụ thể: Tháng 10/2022, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được bổ sung từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là trên 38.155 tỷ đồng, bằng khoảng 6,6% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (bao gồm vốn cho nhiệm vụ, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn là trên 19.570 tỷ đồng; vốn cho các nhiệm vụ không phải dự án đầu tư là gần 18.585 tỷ đồng). Số vốn này mới được Thủ tướng Chính phủ giao ngày 12/10/2022, nên chưa giải ngân được, kéo tỷ lệ giải ngân xuống thấp so với tổng số kế hoạch vốn giao.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội.
Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (Hà Nội) - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết: “Giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công sẽ tăng sức cầu, tăng thêm nguồn lực từ nguồn vốn của ngân sách vào trong nguồn nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường khó khăn. Tác động của đầu tư công sẽ giúp kinh tế Việt Nam phục hồi và lan tỏa các khu vực khác. Chúng ta có dư địa về mặt tài khóa, có tỷ lệ nợ công khá thấp nên hoàn toàn có nguồn lực để thực hiện đầu tư công”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.
ĐBQH Hoàng Văn Cường chia sẻ, thật đáng tiếc vì nhiều vướng mắc đã cản trở tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Hầu hết các dự án chậm đều do công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt chính sách đền bù chưa thỏa đáng. Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có nội dung về phải giải quyết đền bù thỏa đáng. “Trong khi chờ Luật mới được thi hành, Quốc hội cần phải có những Nghị quyết mới ở giai đoạn chờ đó để giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng”, ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất.
Một số ĐBQH băn khoăn: Có những tỉnh giải ngân vốn đầu tư công nhanh, nhưng cũng có địa phương triển khai rất “ì ạch”. Việc này có liên quan tới trách nhiệm của người đứng đầu của những đơn vị được giao vốn. Do vậy, phải quy trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt không chỉ dưới góc độ quản lý nhà nước. “Nếu địa phương nào triển khai đầu tư công chậm, cần nghe tiếng nói của Hội đồng nhân dân, của người dân địa phương đó để đánh giá người có trách nhiệm xem đã hoàn thành trách nhiệm của mình chưa?”, ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Còn Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận định, hai vấn đề thách thức lớn nhất trong thời gian tới là lạm phát và giải ngân vốn đầu tư công. “Năng lực giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua còn hạn chế, trong khi năm 2023 số vốn đầu tư công cần giải ngân rất lớn. Bài toán đặt ra là cần có giải pháp để tiến độ giải ngân đạt hiệu quả, bởi điều này có ý nghĩa then chốt trong việc tạo ra năng lực phát triển và tốc độ tăng trưởng bền vững của kinh tế đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo”, ĐBQH Trần Văn Lâm cho biết.
Chắt lọc những dự án có tiến độ giải ngân tốt để điều chỉnh vốn
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh, chỉ ra kế hoạch triển khai gói đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2022 - 2025) là 2.870 nghìn tỷ đồng, cộng thêm gói tài khóa tiền tệ hơn 140 nghìn tỷ đồng vừa được thông qua (theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội), như vậy khối lượng giải ngân nguồn vốn đầu tư công mỗi năm khoảng 600 nghìn tỷ đồng. “Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn này còn rất chậm, do đó cần phải tập trung triển khai trong thời gian tới", ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết.
Mặc dù có rất nhiều giải pháp được đưa ra để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả. “Vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng vẫn là nguyên nhân muôn thuở gây ra việc chậm trễ trong giải ngân. Nhiều giải pháp cho vấn đề này đã được đưa ra, nhưng chẳng đi đến đâu. TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên đưa ra giải pháp mang tính đột phá cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bằng việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với mức cao, nhất là gấp 15 lần đối với đất ở và cao nhất gấp 35 lần đối với đất nông nghiệp so với bảng giá đất do Nhà nước ban hành. Giải pháp này được cho là rất thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên lại chưa được các địa phương khác làm theo”, TS, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh trăn trở.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thời gian thực hiện giải ngân không còn nhiều, nên không đề thêm các giải pháp nữa. “Việc quan trọng lúc này phải thực thi nghiêm túc và quyết liệt các giải pháp đã đề ra chứ không phải đề ra rồi để đấy hoặc làm nửa vời; đồng thời bổ sung thêm việc thúc đẩy thực hiện các giải pháp đã đặt ra bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư”, TS Vũ Đình Ánh cho biết.
Để tạo sức bật cho công tác giải ngân vốn đầu tư công từ nay tới cuối năm, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Chính phủ nên tiếp tục đưa ra một công lệnh cho tất cả các bộ, ngành, địa phương rà soát lại, chắt lọc lại dự án nào có tiến độ tốt để điều chỉnh vốn và hoàn thành dứt điểm. Đối với các dự án đang gặp vướng do thể chế hoặc không thể giải quyết vướng mắc trong ngày một ngày hai do các yếu tố khách quan có thể bóc tách ra và đưa vào kế hoạch dài hạn. “Công tác thanh tra, kiểm tra trong việc sắp xếp, xếp hạng các dự án đầu tư cũng phải được đẩy mạnh và bắt lỗi luôn người đứng đầu đơn vị đó khi sắp xếp sai các dự án để mưu cầu lợi ích nhóm”, TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết.
Để thúc giải ngân vốn đầu tư công từ nay tới cuối năm, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Đầu tiên phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng cũng như của Chính phủ. Điển hình là các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, cộng với các chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 19/CT-TTg, qua các lần họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, cũng như thông qua các tổ công tác của Chính phủ đi làm việc với các bộ ngành, địa phương.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, giải pháp tiếp theo là đôn đốc các chủ đầu tư cũng như các ban quản lý dự án và đặc biệt các nhà thầu phải thực hiện để có khối lượng thì mới giải ngân được. "Không thể giải ngân vốn từ Kho bạc Nhà nước mà không có khối lượng đi kèm. Vấn đề thứ ba cũng rất quan trọng là thực hiện ở các bộ ngành, địa phương. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đối tượng như chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu để làm sao đạt được kết quả thực hiện tốt", lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết.
Báo tin tức